Thứ Ba, 24/10/2017, 15:45 (GMT+7)
.

Đôi nét về đình Cửu Viễn

Với lịch sử hình thành cách nay gần 200 năm, đình Cửu Viễn (tọa lạc ấp Ngãi Thuận, xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành) là một trong những ngôi đình cổ gắn với lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thân Cửu Nghĩa, đang được Ban Quản lý Di tích tỉnh, Sở VH-TT&DL đề xuất UBND tỉnh công nhận và xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Theo lời kể của một số vị cao niên, hương chức địa phương, vào nửa đầu thế kỷ thứ XIX, dân miền Trung vào Nam lập nghiệp, cất miếu thờ Ngũ hành (còn gọi là miếu Cây Ngã) trên phần đất của ông Đồng Văn Ruộng và bà Lê Thị Ơn tại ấp Cửu Hòa, xã Thân Cửu Nghĩa (nằm cặp Đại lộ Đông Dương, nay là Quốc lộ 1). Đến năm 1836, ông Huỳnh Ngọc Châu (ông Bái Châu) hiến đất, ông Võ Văn Tình hiến 4 cây đại thụ, dân làng tiến hành di dời và dựng lại miếu gần rạch Tha La, thuộc ấp Cửu Thuận, làng Cửu Viễn (nay là ấp Ngãi Thuận, xã Thân Cửu Nghĩa). Sau năm 1975, miếu bị xuống cấp trầm trọng. Để bảo tồn những hiện vật còn lưu giữ và thờ tại miếu, miếu được dỡ và dựng tạm làm nhà sau của đình Ngãi Hữu (ấp Ngãi Lợi, xã Thân Cửu Nghĩa). Đến năm 1998, được sự cho phép của cơ quan chức năng, cô Chín Sương chi tiền, người dân trong xã góp công phục dựng lại tại miếu Cây Ngã năm xưa, đặt tên là đình Cửu Viễn; đồng thời, duy trì lệ cúng thường xuyên tại đình: 12 tháng Chạp cúng Thượng điền, 12 tháng 6 (âl) cúng Hạ điền, 3 năm tổ chức hát bộ (hát bội) 1 lần.

Trong kháng chiến chống Pháp, Bí thư Chi bộ xã Thân Cửu Nghĩa Nguyễn Văn Chương (Bổn Chương) và các đảng viên: Nguyễn Văn Bảo (Bảy Bảo),  Nguyễn Văn Tạc, Nguyễn Văn Dậu,  Lê Văn Kế (Ba Kế)… tham gia phong trào Tiền khởi nghĩa cùng với những chiến sĩ lão thành cách mạng và nhóm “Thanh niên Tiền Phong” đã mượn đình Cửu Viễn và đình Ngãi Hữu làm nơi hoạt động và tổ chức hội họp. Ngoài ra, các đồng chí: Phan Khánh Linh (Tư Tý), Phan Khánh Thường (Năm Lang), Lê Văn Hai (Hai Ty)... thường xuyên tổ chức các hoạt động hưởng ứng Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ (ngày 23-11-1940). Sau khởi nghĩa Nam kỳ, bọn lính kín và giặc Pháp phát hiện đình Cửu Viễn là địa điểm hoạt động cách mạng, đã  dùng nhiều thủ đoạn nhằm dụ dỗ, răn đe những người tham gia. Bọn chúng đã bắt nhà sư Giảng, trụ trì chùa Phước Lâm (ấp Thân Đạo, xã Thân Cửu Nghĩa) đưa xuống đình Cửu Viễn tra trấn dã man nhưng không khai thác được gì, sau đó chúng dùng dùi trống đánh chết nhà sư (tháng 12-1940).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đình Cửu Viễn là nơi các chiến sĩ cách mạng tổ chức nhiều cuộc họp, kêu gọi nhân dân tham gia phong trào Đồng Khởi. Đặc biệt, trong đêm 24 tháng 12 năm Quý Mùi (1967), Bí thư Chi bộ xã Thân Cửu Nghĩa Nguyễn Văn Bé, Trưởng Công an xã Thân Cửu Nghĩa Trần Văn Mực và đồng chí Nguyễn Văn Một (Tám Một), là cán bộ phụ trách kinh tài của xã tổ chức họp lấy ý kiến nhân dân cảnh cáo tên Hai Việt và Sáu Chắc do có móc nối, thông đồng với bọn Mỹ, ngụy.
Đình Cửu Viễn hiện còn lưu giữ  1 sắc Thần “Cửu Viễn Bổn Cảnh Thành Hoàng” do vua Tự Đức năm thứ V (1852) sắc phong (đã thất lạc 1 sắc) và một số chứng tích như: Mõ mù u (dùng để báo động trong khởi nghĩa), be xuồng 3 lá (vận chuyển vũ khí, y tư trong trận đánh chiếm đồn Tha La), hiện còn lưu giữ tại Nhà truyền thống xã Thân Cửu Nghĩa. Cách nay 18 năm, nhân kỷ niệm 49 năm Nam kỳ khởi nghĩa (năm 1989), Đảng bộ, chính quyền xã Thân Cửu Nghĩa tổ chức đặt Bia tưởng niệm tại đình Cửu Viễn để  tưởng nhớ, ghi công các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.

Căn cứ đơn đề nghị xếp hạng di tích của Ban Hội hương đình Cửu Viễn, tháng 9-2017, Sở VH-TT&DL, Ban Quản lý Di tích tỉnh phối hợp với các ngành chức năng của huyện Châu Thành và xã Thân Cửu Nghĩa tổ chức Tọa đàm nhằm sưu tập thông tin, sự kiện về nguồn gốc lịch sử, văn hóa đình Cửu Viễn. Tại buổi tọa đàm, các vị cao niên, lão thành cách mạng cung cấp thêm thông tin về lịch sử ngôi đình từ lúc xây dựng (năm 1836), được triều Nguyễn phong sắc Thần (năm 1852) là địa điểm sinh hoạt của tổ chức Thanh niên Tiền Phong, kêu gọi nhân dân hưởng ứng Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ (năm 1940), phong trào Đồng Khởi (năm 1960). Đình Cửu Viễn còn là nơi tập hợp lực lượng, vũ khí, y tư (chuyển từ xã Đạo Thạnh theo sông Bảo Định đến cầu Bến Tranh rồi vào rạch Tha La) phục vụ trận đánh chiếm đồn Tha La (năm 1968) do đồng chí Chín Sang chỉ huy. Năm 1982, ngôi đình này được chọn làm điểm “bình dân học vụ” do cô Nguyễn Thị Giác (Ba Giác) phụ trách, giúp xóa mù chữ cho bà con trong xã.

Hiện, Ban Quản lý Di tích tỉnh trình Hội đồng Khoa học tỉnh thẩm định, đề xuất UBND tỉnh công nhận và xếp hạng di tích đình Cửu Viễn theo đề nghị của Ban Hội hương đình Cửu Viễn.

VĂN XĨ - ĐỨC DUY

.
.
.