Thứ Sáu, 05/02/2021, 10:33 (GMT+7)
.
SINH HOẠT ĐỜN CA TÀI TỬ GIA ĐÌNH:

Sinh hoạt đờn ca tài tử gia đình: Nơi lưu giữ hồn quê

Tháng 12-2013, trong chương trình phiên họp Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO, diễn ra tại Baku (Cộng hòa Azerbaizan), đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ của Việt Nam đã được đưa vào danh sách “Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Đây là tin vui của người dân Nam bộ nói chung và với những người tâm huyết, gắn bó với loại hình nghệ thuật này nói riêng…

Để góp phần gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật ĐCTT Nam bộ, thời gian qua, nhiều hoạt động đã được các cơ quan chức năng tổ chức với mục đích lưu giữ di sản văn hóa này. Trọng tâm của tỉnh là Đề án Bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT đã và đang được Sở VH-TT&DL Tiền Giang triển khai thực hiện. Song song đó, nhiều hoạt động đã và đang được duy trì như: Tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi ĐCTT; tổ chức các lớp truyền dạy cho những người yêu thích và tổ chức các hoạt động giao lưu, biểu diễn phục vụ khán giả mộ điệu… Trong số đó, một trong những hoạt động khá hiệu quả là việc xây dựng các mô hình sinh hoạt giao lưu tại các tụ điểm gia đình.

 

Tuy mang tính tự phát nhưng các tụ điểm gia đình đã có ý nghĩa rất lớn trong việc giữ gìn và phát huy loại hình nghệ thuật này. Hoạt động tại các tụ điểm chủ yếu diễn ra bằng niềm đam mê và tâm huyết của những người có tâm với nghệ thuật, còn về mặt kinh tế chỉ là thứ yếu. Đến với các tụ điểm sinh hoạt ĐCTT gia đình, mỗi người chỉ trả phí cho 1 ly nước giải khát, không phải tốn thêm chi phí nào khác, hoàn toàn phù hợp với điều kiện của mọi người khi đến với đêm sinh hoạt. Với các khoản “thưởng” riêng cho các bộ phận phục vụ: Đờn, ca, âm thanh, giới thiệu chương trình… thì hoàn toàn tự nguyện theo điều kiện và tấm lòng của những người tham gia đêm sinh hoạt. Tinh thần tự nguyện không ràng buộc đã tạo tâm lý thoải mái, phấn khởi khi đến với đêm sinh hoạt, đã góp phần tạo nên hiệu quả của mô hình, không ngừng lan tỏa phong trào và là một việc làm rất có ý nghĩa, góp phần đưa ĐCTT đến gần hơn với nhiều người và làm cho nghệ thuật ĐCTT không ngừng phát triển.

Thời gian qua, với tâm huyết và tình yêu nghệ thuật, nhiều tụ điểm gia đình được ra mắt và duy trì sinh hoạt thường xuyên, đã trở thành điểm đến, nơi sinh hoạt của những người yêu thích nghệ thuật ĐCTT. Một trong những địa điểm có phong trào phát triển mạnh của tỉnh là xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho. ĐCTT tại đây không chỉ là một sân chơi nghệ thuật, mà đã trở thành một sản phẩm du lịch, giải quyết việc làm cho nhiều người với nguồn thu nhập khá ổn định cho những người tâm huyết với ĐCTT. Trên địa bàn xã Thới Sơn hiện có 3 tụ điểm sinh hoạt ĐCTT gia đình hoạt động luân phiên và luôn thu hút nhiều người đến tham gia sinh hoạt hằng đêm. Đó là điểm sinh hoạt Khúc tri âm, diễn ra vào các tối thứ Năm và Chủ nhật hằng tuần; điểm sinh hoạt của tài tử My Ba - Mỹ Hạnh, diễn ra vào các tối thứ Tư hằng tuần và điểm sinh hoạt đờn ca tài tử, cải lương Hương Quê, diễn ra vào các tối thứ Hai và thứ Sáu hằng tuần.

Không chỉ ở Thới Sơn, mà rất nhiều tụ điểm sinh hoạt ĐCTT gia đình đang hoạt động tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh như: Điểm sinh hoạt Nhịp tri âm tại ấp Thanh Nhung 2, sinh hoạt vào tối thứ Ba hằng tuần và 3 điểm sinh hoạt khác trên địa bàn xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông, hoạt động luân phiên đều đặn vào các ngày trong tuần. Cạnh bến phà Tân Long, huyện Tân Phú Đông, tụ điểm sinh hoạt Câu lạc bộ xã Phú Thạnh đã hoạt động được 2 năm, là điểm đến quen thuộc của những người yêu thích ĐCTT trên địa bàn huyện và các địa phương lân cận. Trên địa bàn xã Long Định, huyện Châu Thành, tụ điểm của tài tử Trúc Lệ  cũng thu hút rất đông người đến giao lưu vào mỗi kỳ sinh hoạt. Hiện nay, trên địa bàn TP. Mỹ Tho có rất nhiều điểm sinh hoạt: Điểm xã Đạo Thạnh, điểm xã Tân Mỹ Chánh, điểm tại khách sạn Trung Lương…,  tạo nên sức sống cho loại hình nghệ thuật ĐCTT. Mỗi điểm một khung giờ riêng, một phong cách chơi riêng và có đối tượng riêng cho mình; nét chung nhất đều xuất phát từ tình yêu và tâm huyết với nghệ thuật ĐCTT. Điều đó đã làm nên sức sống của nghệ thuật ĐCTT, từng bước mang ĐCTT đến gần hơn với công chúng, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của nhân loại.

Đến với những đêm sinh hoạt ĐCTT tại các tụ điểm này, có thể thấy sự chan hòa, gần gũi của mọi người trong tình tri âm, tri kỷ. Không quá ồn ào trong âm nhạc, không cầu kỳ trong kỹ năng tổ chức, mà trên hết là sự giao lưu, trao đổi tiếng đờn lời ca giữa những người tâm huyết với nghề. Ở đó có cả sự truyền dạy, trao truyền nghề nghiệp giữa các thế hệ, làm cho ĐCTT ngày càng có sức lan tỏa trong cộng đồng và sẽ mãi được lưu truyền trong dòng chảy văn hóa của vùng đất phương Nam.

Có đến tham gia hoạt động giao lưu ĐCTT tại các tụ điểm gia đình mới thấy hết tâm huyết của những người tổ chức, cảm nhận tấm lòng mến khách thơm thảo tình người, tình đất phương Nam, để sau mỗi chén trà, ly rượu tình tri âm tri kỷ càng thêm thắt chặt; để mỗi lời ca tiếng đờn qua từng tiết mục giao lưu được mùi hơn, ngọt ngào hơn và càng thêm gắn bó; để sau mỗi buổi giao lưu, mỗi người lại có thêm cho mình những tri kỷ mới, đọng lại trong nhau biết bao kỷ niệm và hẹn sẽ còn gặp lại ở những lần sau…

Thế mới thấy, ĐCTT đã thực sự xứng đáng là di sản văn hóa đại diện của nhân loại, thực sự là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân đất phương Nam sau những giờ vất vả với ruộng đồng. Ở đó ta tìm thấy tình đất, tình người phương Nam chân chất, thật thà, hào sảng, khẳng khái, nhưng rất trọng tình trọng nghĩa.… Những buổi giao lưu tại các tụ điểm gia đình là một sân chơi văn hóa không thể thiếu, đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người và góp phần cùng những người tâm huyết với nghệ thuật ĐCTT lưu giữ hồn quê.

VĂN NGHỆ

.
.
.