Thứ Tư, 08/09/2021, 14:15 (GMT+7)
.

Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí và khúc tráng ca "Tiểu đoàn 307"

Tiểu đoàn 307 có lẽ là một trong những tiểu đoàn nổi tiếng của lịch sử quân sự Việt Nam. Đây cũng là tiểu đoàn đặc biệt vì đó là tiểu đoàn lưu động, có địa bàn rộng khắp miền Nam, uy danh lừng lẫy thời kháng chiến chống Pháp “đánh đâu được đấy” và thời kháng chiến chống Mỹ “oai hùng biết mấy”.

Tiểu đoàn 307 không chỉ nổi tiếng bởi những chiến công oanh liệt của mình, mà còn bởi nó được nhiều người biết đến nhất qua ca khúc cùng tên rất dễ thuộc, dễ nhớ và cũng rất hùng tráng của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc từ thơ của nhà thơ Nguyễn Bính.

NGƯỜI NHẠC SĨ TÀI NĂNG, THẦM LẶNG

Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí còn có tên là Nguyễn Văn Bảy, sinh năm 1917 tại làng Điều Hòa, tổng Thạnh Trị, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc phường 1, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Thuở nhỏ, ông rất đam mê âm nhạc, sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ và giỏi nhất là violon.

Lúc nhỏ, ông theo học trong một trường dòng ở Mỹ Tho. Ông vừa giúp việc vừa học nhạc với các thầy dòng nên khá am hiểu về nhạc lý và thánh ca. Ông có tiếng học giỏi, rất giỏi tiếng Pháp và được nhận xét là có năng khiếu âm nhạc, chơi violon rất hay. Sau khi tốt nghiệp tú tài năm 17 tuổi, ông làm nghề dạy học một thời gian.

Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông tham gia hoạt động trong phong trào Việt Minh. Sau khi Pháp tái chiếm Nam bộ, ông nhập ngũ vào Vệ quốc đoàn ở Tỉnh đội Mỹ Tho tháng 10-1945. Do có khả năng âm nhạc, ông được phân công về công tác tại Tổ quân nhạc thuộc Ban Tuyên truyền Khu 8. Thời gian công tác tại Ban Tuyên truyền Khu 8, ông sáng tác nhiều bài hát được nhiều người biết đến như “Phá đường”, “Ba người chiến sĩ năm 40”... nhưng được nhiều người biết đến nhất là “Tiểu đoàn 307”.

Năm 1952, do bệnh nặng, được sự cho phép của cấp trên, ông trở về gia đình để chữa bệnh. Nhưng do chính quyền thực dân truy nã rất gắt gao nên ông phải đổi tên, đổi họ, trốn tránh ở nhiều nơi và làm mọi nghề để sinh sống. Cuối cùng ông định cư với nghề dạy học và lập gia đình tại làng Vĩnh Mỹ, tỉnh Bạc Liêu (nay là xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu).

Khúc tráng ca “Tiểu đoàn 307” sống mãi với thời gian nhưng về tác giả, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí, vẫn còn nhiều điều chúng ta chưa biết. Từ năm 1954 trở về sau, ông không sáng tác (hoặc không công bố) thêm tác phẩm nào. Và cũng từ đó, không ai biết rõ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí làm gì và ở đâu. Cho đến cuối năm 1997, ông Phạm Hữu Lộc (nguyên Trung đội trưởng - Đại đội 933 - Tiểu đoàn 307) được câu lạc bộ cựu chiến binh Tiểu đoàn 307 phân công nhiệm vụ và đã tìm ra được gia đình nhạc sĩ ở xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Nhưng nhạc sĩ đã ra đi trước đó 18 năm.

Theo bà Phan Thị Đượm (vợ cố nhạc sĩ), ông dạy học ở xã và dạy nhạc trong nhà thờ, cưới vợ và sống ở đây khá lâu (từ những năm cuối 1950 đến cuối những năm 1960). Sau đó, ông lên Sài Gòn làm công cho một số hãng sản xuất, thương mại. Sau giải phóng, gia đình ông lại trở về xã Vĩnh Mỹ A. Mấy năm sau, ông bị ngã dẫn đến tai biến, bị liệt một phần chân tay và mất vào tháng 2-1979.

Là một trí thức (rất giỏi tiếng Pháp, lưu bút của ông cũng toàn ghi bằng tiếng Pháp), yêu nước, thông minh, làm công việc dạy học, lại không phải người địa phương, lý lịch không rõ ràng nên suốt thời gian 1955 - 1975, ông luôn bị mật thám theo dõi, rình rập. Điều này có thể lý giải tại sao sau năm 1954 ông không có hoặc là không công bố tác phẩm nào khác. Phần mộ của ông do Hội Nhạc sĩ TP. Hồ Chí Minh, Báo Người Lao Động, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu đóng góp kinh phí xây dựng, tọa lạc tại nơi ông sinh sống vào lúc cuối đời.

THĂNG HOA CÙNG “TIỂU ĐOÀN 307”

Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang
Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy
Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy
Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn
Tiếng Tiểu đoàn ba trăm lẻ bảy.

Bài hát ra đời sau khi Tiểu đoàn 307 mới thành lập được 1 năm, với 2 chiến công vang dội ở Mộc Hóa, tỉnh Tân An (nay là tỉnh Long An) và ở La Bang (tỉnh Trà Vinh). Mỗi trận diệt một tiểu đoàn địch, đã làm quân thù khiếp đảm, nhân dân mến yêu. Tinh thần chiến đấu dũng cảm tuyệt vời và tình yêu thương, kính trọng, bảo vệ, giúp đỡ nhân dân của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 307 đã nhanh chóng chiếm được tình cảm thân thương của nhân dân trong các vùng Tiểu đoàn 307 đã đi qua và hoạt động. Bà con kể nhiều về người tốt, việc tốt của bộ đội mình một cách say sưa, trìu mến. Nhà thơ Nguyễn Bính lúc đó về công tác ở vùng tiểu đoàn hoạt động, dựa vào những điều lưu truyền trong nhân dân mà làm thành thơ. Và bài thơ “Cửu Long Giang” xuất hiện lần đầu năm 1950, trên Báo Tổ Quốc của Khu 8.

Bài thơ ấy đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của các chiến sĩ. Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí rất xúc động khi đọc bài thơ của nhà thơ Nguyễn Bính. Lúc đó, ông đang là Tổ phó Tổ quân nhạc Khu 8. Ông tìm thấy ở đây cảm hứng và ý hay để sáng tác nên ca khúc và tác phẩm “Tiểu đoàn 307” đã ra đời.

Ngay sau khi sáng tác, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí đưa cho anh em trong Tổ quân nhạc đàn và hát thử. Thật không ngờ, mọi người lại nhiệt liệt hoan nghênh. Được cấp trên động viên, anh em trong tổ tỏa về từng trung đội của Tiểu đoàn 307, tập hát cho các chiến sĩ. Tối 1-10-1950, lần đầu tiên bài hát được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, do Tổ quân nhạc Khu 8 trực tiếp biểu diễn. Bài hát có xuất xứ ở vùng Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, sau phổ biến khắp Nam bộ, lan nhanh trong bộ đội và trong nhân dân, đi vào lòng nhiều thế hệ người Việt Nam.

Sau 1954, bài hát phổ biến rộng rãi trong cả nước. Từ bài thơ đến bài hát là một bản hùng ca chiến đấu, mang khí phách dân tộc, mang hồn thiêng sông núi, ngợi ca tinh thần hy sinh cao cả của các chiến sĩ:

Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy
Cả tiểu đoàn thề dưới sao vàng
Người chiến sĩ tiếc gì máu rơi
Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy
Nguyện một lòng gìn giữ non sông…

Sau thành công của bài “Tiểu đoàn 307”, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí được các linh mục ở nhà thờ Nhơn Hòa Lập gợi ý sáng tác về đề tài Công giáo kháng chiến và tố cáo tội ác của giặc. Ông lại nhớ đến một số bài hát của các nhạc sĩ đàn anh đi trước cũng viết về đề tài này, như “Tiếng chuông nhà thờ” của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát viết năm 1946 hay “Làng tôi” của nhạc sĩ Văn Cao viết năm 1947.

Các bài hát này cùng với ý kiến của một số linh mục tạo cảm hứng cho nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí sáng tác bài “Tiếng chuông uất hận”. Bài hát ra đời năm 1950 gây xúc động trong giáo dân địa phương và sau đó được tặng Giải Nhì về nhạc tại Giải Cửu Long 1951 - 1952 của Chi hội Văn nghệ Nam bộ.

HÀ ANH (tổng hợp)

.
.
.