Thứ Hai, 06/09/2021, 20:09 (GMT+7)
.

NSND Tạ Minh Tâm: Hãy để sự nổi tiếng là cái bóng sau lưng mình

 “Ôi Việt Nam! Đất nước tình yêu!/Bên lũy tre xanh xây nhiều công trình/Giọng hò thiết tha, tình yêu đất nước chan hòa…”. Giữa Bệnh viện dã chiến thu dung số 6, 7, 8 tại TP Thủ Đức (TPHCM) tối 2-9, NSND Tạ Minh Tâm thêm lần nữa cất tiếng hát sâu lắng yêu thương. Anh bảo, đem được niềm vui âm nhạc gửi đến những khán giả đặc biệt là điều quá ý nghĩa với nghệ sĩ.

a
Tạ Minh Tâm cho biết thêm lần đầu tiên mặc đồ bảo hộ khi hát tạo thêm cho mình cảm giác đặc biệt


* PHÓNG VIÊN: Mặc đồ bảo hộ hát ở bệnh viện dã chiến, khu cách ly mang lại cảm xúc đặc biệt như thế nào với anh?

* NSND TẠ MINH TÂM: Tôi tham gia 4 đêm nhạc ở khu cách ly, bệnh viện dã chiến. Đặc biệt, tại chương trình Dáng hình đất nước mừng Quốc khánh 2-9 tại đầu cầu là bệnh viện dã chiến, mặc đồ bảo hộ hát, mang lại cảm xúc quá đặc biệt, và tôi hiểu rằng, chúng ta đang làm công việc rất ý nghĩa.

Trong thời điểm dịch bệnh, các bài hát truyền thống vang lên có nét tương đồng hoàn cảnh. Giữa tất cả những khó khăn này, sự lạc quan, niềm tin với tương lai vẫn luôn luôn ở đó, chúng ta rồi sẽ chiến thắng dịch bệnh. Hát để thêm yêu đất nước, chan hòa người với người, có thêm niềm tin trước dịch bệnh. Tôi tin rằng, với sự cố gắng, quyết tâm của đội ngũ y bác sĩ, các lực lượng tuyến đầu, tất cả rồi sẽ qua.

* Anh vừa thực hiện 2 MV Chia nhau một chút ngọt bùi, Sài Gòn chưa xa đã nhớ, trong thời điểm không mấy dễ dàng?

* Với nghệ sĩ, đây như một hoạt động mà tâm mình nghĩ phải làm trong hoàn cảnh chống dịch hiện nay. Văn nghệ sĩ đóng góp các tác phẩm nghệ thuật, lời ca tiếng hát, tiếng đàn động viên tinh thần. Những bài hát, MV tôi thực hiện cũng hòa chung trong dòng chảy đó. Sau khi nghe 2 bài hát Chia nhau một chút ngọt bùi của nhạc sĩ trẻ Nguyễn Bá Hùng và Sài Gòn chưa xa đã nhớ của Huỳnh Hoàng Thái, thầy trò chúng tôi cùng nhau làm các MV giới thiệu đến khán giả. Các bài hát thể hiện tình yêu với thành phố; ngợi ca, kêu gọi những hành động chia sẻ điều cần thiết trong cuộc sống từ chén cơm, manh áo…

* Nếu không vì dịch bệnh, anh sẽ có liveshow đặc biệt sắp tới đây. Vậy nếu liveshow diễn ra sau dịch, anh sẽ kể câu chuyện gì ở đó?

* Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nghỉ hưu vào năm 2020 trong vai trò Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhạc viện TPHCM thì còn lại là sự nghiệp nghệ thuật riêng tư của mình. Đó là hành trình nghệ thuật ca hát hơn 45 năm. Đã hát ròng rã mấy chục năm qua, đến 60 năm cuộc đời muốn làm một chương trình ý nghĩa tổng kết lại một giai đoạn nghệ thuật đời mình. Đó là điều nghệ sĩ nào cũng muốn làm. Với tình hình dịch bệnh như thế này cũng chưa biết thế nào. Cho nên cứ để từ từ tính.

* Hơn 45 năm hành trình nghệ thuật, anh hạnh phúc vì điều gì?

* 17 tuổi, tôi thi vào Nhạc viện TPHCM. Nhưng nói chính xác hơn, ngay sau ngày 30-4-1975, tôi đã bắt đầu hát trong phong trào văn nghệ học sinh, sinh viên. Lúc đó, tôi là học sinh phổ thông ở Long Xuyên, An Giang. Chúng tôi đứng hát ở đồng ruộng, bên gốc cây, mái hiên những ngôi nhà, trường học với guitar thùng. Không có sân khấu lấp lánh đâu, vậy mà những ca khúc cách mạng cứ vang lên mãi.

Trước ngày giải phóng, tôi không hề có ý định trở thành ca sĩ. Sau này, từ phong trào văn nghệ quần chúng, tôi dần yêu thích, có cảm hứng đi sâu con đường nghệ thuật chuyên nghiệp. Khi vào Nhạc viện TPHCM, âm nhạc mở ra cả thế giới đối với tôi, được tiếp cận với các tác phẩm lớn của những nghệ sĩ vĩ đại thế giới. Mình học cái hay để rồi quay trở lại thể hiện những ca khúc cách mạng với một sự hiểu biết khác, trình độ khác, nâng nó lên để có được những tiết mục thể hiện như bây giờ.

Tôi đã vượt qua nhiều chặng đường, khúc quanh để càng đi càng thấy con đường nghệ thuật thật đẹp, ý nghĩa. Cho tới bây giờ, sự yêu thương, công nhận của khán giả khiến tôi quá hạnh phúc. Tôi chưa từng thấy mỏi mệt với hành trình nghệ thuật, thậm chí còn hưng phấn hơn trên con đường phía trước, mặc dù đã hơn 60 tuổi.

* Dẫu vậy, với khán giả trẻ dường như dòng nhạc này có phần xa cách, họ ít nghe?

* Sản phẩm âm nhạc ngày càng nhiều, mỗi thế hệ sẽ có mỗi hơi thở riêng, tư duy riêng. Nhưng nói giới trẻ ít nghe, theo tôi là không đúng đâu. Tôi đã nhìn thấy điều ngược lại. Nhiều em vẫn nghe, hát, yêu thích nhạc truyền thống. Chỉ có những bài hát dở mới không ai nghe, chứ bài hát hay, cho dù nó ở thể loại nào, dòng âm nhạc nào thì vẫn sẽ sống mãi. Và giới trẻ khi nghe các sản phẩm âm nhạc mới chán chê rồi cũng sẽ tìm về với những khúc ca truyền thống để chiêm nghiệm, học hỏi. Ca khúc cách mạng vẫn có chỗ đứng trong lòng công chúng.

* Trong việc hòa âm phối khí cho nhạc truyền thống hiện nay đã dần có sự “chịu nghe” của người trẻ, nhưng chưa chắc được người đi trước đón nhận. Theo anh, làm sao để dung hòa?

* Hiện giờ, có rất nhiều ca sĩ trẻ đang cố gắng đột phá trong hướng đi đó, nhưng chưa có nhiều sự thành công. Mọi sự sáng tạo, làm mới phải đạt được sự đồng thuận của đa số khán giả, dựa trên thẩm mỹ nghệ thuật, chứ không phải cứ làm mới là xong. Hiện giờ có một số nghệ sĩ táo tạo, remix một số ca khúc cách mạng, nhưng chẳng giống ai cả. Hy vọng đó chỉ là những thử nghiệm để từ đó chọn ra được cách hát hay, mới. Dung hòa cái mới và cũ tùy trình độ, trí tuệ của nghệ sĩ.

* Với các nghệ sĩ trẻ, anh có lời khuyên gì?

* Thời buổi cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ về thông tin mà đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ đang quá tự tin, tôi thấy không cần thiết. Hãy cứ để cho các bạn ấy thấm thía trong con đường mày mò sáng tạo, rồi cuộc đời sẽ chỉ cho các bạn.

* Vậy nếu dành lời khuyên cho học trò, anh nói gì?

* Tôi luôn khuyên họ, làm gì cũng phải lắng nghe, có tự tin cách mấy, sáng tạo cỡ nào đi nữa cũng nên chia sẻ sự sáng tạo để lắng nghe phản hồi của mọi người xung quanh và phải rèn bản lĩnh để chắt lọc những thông tin lắng nghe mới tiến bộ được.

Ai chẳng muốn nổi tiếng, ai chẳng muốn được có đời sống vật chất tốt hơn… Điều đó chính đáng, nhưng đặt lên trên vị trí tối thượng nghệ thuật, những điều đó sẽ kéo theo một loạt những nỗ lực cho thành công. Những lợi ích kinh tế, vật chất kéo theo khi mình tiến dần về phía vinh quang. Hãy để sự nổi tiếng, vật chất là cái bóng sau lưng mình, đừng đặt nó phía trước. Phía trước phải là mặt trời của lòng yêu nghệ thuật.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.