Thứ Năm, 19/01/2023, 08:48 (GMT+7)
.

Giải mã một số bí ẩn về mèo

Việt Nam có cả một kho tàng kiến thức của ông cha ta ngày xưa, đã đúc kết lại thành những câu thành ngữ, tục ngữ dễ nhớ, dễ hiểu, phản ảnh trI thức của nhân dân trong mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có nhiều câu chuyện liên quan tới mèo. Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, dưới góc nhìn khoa học sẽ có những giải mã một số bí ẩn về mèo.

MÈO MÙ VỚ CÁ RÁN

Có nghĩa là sự may mắn của một người nào đó chứ không phải do khả năng của họ. Có ý mỉa mai châm biếm, câu này tương đương với câu “Chó ngáp phải ruồi” hay “Chuột sa hũ nếp”.

Về khoa học, mèo vớ được cá rán không phải do đôi mắt của nó, mà chính là do mùi thơm ngào ngạt của cá rán. Ngoài khứu giác tinh tường, mèo còn sử dụng bộ râu mép của nó để nhận ra thức ăn. Những sợi lông mép mèo được trang bị các cơ quan cảm giác đặc biệt gọi là cơ quan thụ cảm Proprioceptors, nó gửi thông điệp đến não giúp mèo biết từng đồ vật phía trước, kể cả con mồi đang làm gì tại bất kỳ thời điểm nào.

 

Thị lực của mèo thường kém hơn nhiều so với thính giác và khứu giác đặc biệt của chúng, vì vậy râu giúp mèo “nhìn thấy” các vật thể ở gần. Khi một con mèo đi bộ, chúng tạo ra các luồng không khí đập vào các vật thể gần đó, các luồng không khí đó sau đó sẽ dội ngược trở lại con mèo. Những rung động không khí như vậy được thu nhận bởi những chiếc râu, giúp mèo xác định vị trí của vật thể. Điều này có thể đặc biệt hữu ích đối với mèo nuôi vào ban đêm, vì vậy chúng có thể xác định vị trí chén thức ăn chúng thích mà không cần nhìn thấy.

Một điều thú vị là mắt mèo sẽ bị mù hoàn toàn nếu xung quanh nó không có một chút ánh sáng nào. Mèo có thể nhìn rất rõ trong điều kiện ánh sáng yếu, một kỹ năng đã mang lại lợi thế cho tổ tiên của mèo so với con mồi của chúng. Giác mạc và đồng tử lớn của mèo lớn hơn con người khoảng 50%, cho phép nhiều ánh sáng hơn vào mắt chúng. Ánh sáng bổ sung này giúp mèo có thể nhìn thấy trong bóng tối.

NAM THỰC NHƯ HỔ, NỮ THỰC NHƯ MIÊU

Nghĩa đen là đàn ông ăn như cọp, phụ nữ ăn như mèo. Câu này đúng về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Mèo thường ăn nhỏ nhẻ, từ từ ít một, so sánh với hình ảnh của sự thanh lịch, tế nhị, cái ngoan của người phụ nữ biết ăn uống duyên dáng, nhỏ nhẻ như mèo ăn.

Về khoa học, dạ dày của một con mèo trưởng thành có kích thước nhỏ xíu gần bằng một quả bóng bàn, nó chỉ có thể chứa khoảng 2 muỗng canh thức ăn mỗi lần ăn. Nhưng tại sao chúng ta nhìn thấy một con mèo có thể tự ăn những bữa ăn lớn như cả một con chuột hay một con cá to đùng? Thực sự mèo chỉ ăn đủ no, để ăn nhiều hơn, mèo phải nhai thức ăn thật nhuyễn để dạ dày chứa nhiều hơn, phần còn dư nó sẽ nôn ói ngay sau đó, vì dạ dày của mèo không thể chứa tất cả thức ăn cùng một lúc. Mèo ăn nhỏ nhẻ là vì thế.

Những con mèo hoang sau khi săn lùng có thức ăn, nó có thể để dành ăn bảy tám bữa trở lên mỗi ngày. Áp dụng cho mèo nuôi trong nhà, chúng ta hãy cho mèo ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày sẽ dễ tiêu hơn. Khoảng 8 -10 giờ sau khi ăn, mèo sẽ đói trở lại. Nếu mèo nhịn ăn lâu hơn 12 giờ, dạ dày của nó có thể chứa đầy mật và khiến nó nôn mửa.

 “MỠ ĐỂ MIỆNG MÈO” HAY “MỪNG NHƯ MÈO THẤY MỠ”  

Câu đầu: Chỉ trường hợp có của mà để hớ hênh, phô bày trước mắt kẻ bất lương, chắc chắn là không giữ được. Giống như ra đường mà mang thật nhiều nữ trang thì dễ bị bọn trộm cướp dòm ngó. Câu hai: Chế giễu người tỏ vẻ hăm hở trước thứ gì mình thèm muốn khát khao.

Về khoa học, mèo thực sự không thích mỡ bằng thích thịt. Cái bụng của mèo chứa nhiều axit trong dạ dày đủ mạnh để phá vỡ, tiêu hóa xương và chất đạm. Khi thức ăn từ thực quản đến dạ dày, đặc biệt là protein, sẽ bị phân hủy nhanh chóng. Dạ dày co bóp, trộn thức ăn với axit cho đến khi đạt được độ đặc lỏng.

Sau đó, chất lỏng di chuyển đến ruột non, nơi diễn ra quá trình tiêu hóa tiếp theo. Mèo là động vật hoàn toàn ăn thịt, khác với chó, chó là động vật ăn tạp. Loài mèo không thể duy trì sự sống nếu chúng không ăn thịt ở bất kỳ hình thức nào, loài chó có thể sống sót dù chỉ ăn thức ăn có nguồn gốc thực vật như cơm, cháo.

MÈO MẢ GÀ ĐỒNG

Câu thành ngữ này nghĩa đen là con mèo hoang sống ở bãi tha ma, con gà sống ngoài đồng hoang, lang thang không chỗ ở, chúng sống theo bản năng, vô luật pháp, không đàng hoàng. Nghĩa bóng là ám chỉ chuyện trăng hoa trai gái không theo lễ giáo gia đình, không theo khuôn phép xã hội. Trong Truyện Kiều, Hoạn Thư đã mắng Thúy Kiều:

“Con này chẳng phải thiện nhân,
Chẳng phường trốn chúa thì quân lộn chồng.
Ra tuồng mèo mả gà đồng,
Ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào.
Đã đem mình bán cửa tao,
Lại còn khủng khỉnh làm cao thế này”.
Hoạn bà coi Thúy Kiều là gái đi hoang!!!

Về mặt khoa học, mèo hoang là những con mèo nhà đã trở lại sống trong môi trường tự nhiên. Chúng có thể là những con mèo nhà đi hoang hoặc bị chủ bỏ rơi; hoặc là những con mèo thuộc giống mèo nhà nhưng sinh ra, lớn lên hoàn toàn trong môi trường hoang dã. Mèo hoang thường không có thái độ thân thiện khi gặp con người, thường tỏ thái độ kiểu tự vệ như kêu rít, không bao giờ kêu meo meo như mèo nhà, nó xù lông, gầm gừ, chúng trở về với bản năng săn mồi và quan hệ giao phối hoang dã, nhất là trong giai đoạn động dục.

 “CHÓ GIẤU XƯƠNG, MÈO GIẤU PHÂN”

Có nghĩa là tìm mọi cách để che đậy, giấu giếm không cho người khác biết về chuyện mình làm, ý nói giấu chuyện mờ ám, không trong sáng.

Về khoa học, giấu chất thải là bản năng tự nhiên của mèo. Mèo giấu phân một cách tỉ mỉ bắt nguồn từ lịch sử lâu đời của loài mèo; khi chúng dùng nước tiểu và phân để đánh dấu lãnh thổ của mình. Đối với người, phân mèo có thể có mùi giống nhau, rất hôi và tanh nồng, nhưng với mèo thì khác. Chúng có thể phân biệt chất thải của chính mình với chất thải của kẻ khác nhờ mùi hương hóa học độc đáo gọi là pheromone, có trong nước tiểu và phân của chúng.

Trong tự nhiên, những con mèo đầu đàn, có tính thống trị, chẳng hạn như sư tử, hổ, báo và báo đốm đang tranh giành lãnh thổ, thường không chôn phân. Đây là một cách để báo hiệu rằng chúng muốn chiếm một khu vực cụ thể. Những con mèo hoang nhỏ hơn, yếu hơn hoặc phục tùng hơn thường lấp phân của chúng như một cách để nói: “Tôi không phải là mối đe dọa và tôi không đến để đòi lãnh thổ này”, nhà động vật học và dân tộc học Desmond Morris đã viết trong cuốn sách của mình như thế.

HUYỀN THOẠI VỀ LINH MIÊU

Linh miêu dùng để chỉ một sinh vật thần bí trong văn hóa tâm linh: Theo truyền thuyết dân gian, linh miêu là một loại mèo lông đen tuyền, được sinh ra từ cuộc hôn phối rừng rú ngẫu nhiên, hiếm có giữa con mèo cái đen với một con rắn hổ chỉ ăn duy nhất thịt cóc.

Không chỉ ở phương Đông, văn hóa phương Tây vẫn tồn tại những câu chuyện thần bí về linh miêu. Truyền thuyết về con mèo đen ở Rhode Island tên là Oscar, sống trong viện dưỡng lão. Oscar được biết đến với việc dự đoán cái chết của bệnh nhân, nó sẽ trèo lên giường của bệnh nhân đang hấp hối và ở bên họ cho đến khi họ chết. Đôi khi, Oscar sẽ ở lại với bệnh nhân một ngày trước khi chết, hoặc thậm chí vài giờ trước đó. Hành vi của Oscar đôi khi giúp thông báo cho nhân viên về một bệnh nhân sắp chết, và thậm chí đôi khi chứng minh rằng dự đoán của nhân viên là sai.

Làm thế nào Oscar “biết” khi một bệnh nhân sắp chết vẫn còn là một bí ẩn, nhưng các chuyên gia có lý thuyết của họ. Đầu tiên, Oscar có thể ngửi thấy mùi hóa chất do cơ thể sắp chết thải ra mà chúng ta không thể phát hiện ra. Giả thuyết thứ hai là Oscar đã bắt chước hành vi của nhân viên bệnh viện.

Khi các nhân viên dự đoán rằng ai đó sắp chết, hành vi của họ thay đổi và Oscar đã học cách sao chép hành vi của họ khi một người sắp chết. Thay vì thấy sự kiện này đáng sợ, các thành viên trong gia đình của những người sắp chết thấy sự hiện diện của Oscar được an ủi và các nhân viên thấy khả năng của Oscar là có ích cho người sắp chết.

Trường hợp “linh miêu vực dậy người chết”, các nhà khoa học chưa có thực nghiệm nào chứng minh là có thật, tuy nhiên đa số đồng thuận về giả thuyết giải thích bằng sự tác động giữa trường sinh học của con người và của con vật.

Mèo thuộc giống hổ có sức nặng tâm năng lớn, tuy nhiên không phải con nào cũng giống con nào, mèo đen thường mang điện tích dương cao hơn, trong khi người chết thì mang điện tích âm. Vì vậy, khi mèo nhảy qua người đã chết thì sẽ tạo ra một dòng điện rất mạnh, chạy từ dương sang âm, làm bật người chết dậy và có thể làm cho người chết sống thêm một thời gian từ vài phút, có khi đến một ngày.

Ngoài ra, cũng có trường hợp do người vừa qua đời đang ở trường hợp chết lâm sàng, tức tim ngừng đập nhưng não vẫn còn hoạt động, chưa chết hẳn, người nhà tưởng đã chết hẳn nên tiến hành những nghi lễ khâm liệm, nhưng sau đó do những biến chuyển nội tạng đặc biệt nên cơ thể của người chết lâm sàng ấm lại và sống dậy bất ngờ. Chuyện người chết sống lại ở nước ta hiếm và hầu như không liên quan tới mèo đen.

Nói đến mèo thì vẫn còn nhiều thành ngữ, tục ngữ như “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”, “Có ăn nhạt mới thương tới mèo”, “Chó treo, mèo đậy”…

NGUYỄN THÀNH ÚC

.
.
.