Thứ Ba, 27/11/2012, 14:29 (GMT+7)
.

Khi người dân xã cù lao tự nguyện hiến đất làm đường

Là xã có trên 50% hộ nghèo, nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, đời sống người dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Đây là nguyên nhân làm ảnh hưởng rất lớn đến phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn xã Tân Phú (huyện Tân Phú Đông).

Qua xác định, ngay từ khi phát động phong trào xây dựng NTM, các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng các đoàn thể xã đã chủ động, tích cực tuyên truyền sâu rộng cho mọi người dân nhận thấy được tầm quan trọng và ý nghĩa, lợi ích của việc xây dựng NTM.

Người dân  tự nguyện dọn  và mở đường GTNT.
Người dân tự nguyện dọn và mở đường giao thông nông thôn.

Trong khó khăn càng thấy sự chung sức, chung lòng của người dân, đến nay trên địa bàn xã có nhiều hộ dân tự nguyện hiến 4.116m2 đất, chặt bỏ cây ăn trái, hoa màu và góp ngày công lao động với tổng số tiền ước tính 600 triệu đồng để cùng với chính quyền xây dựng các công trình phúc lợi của xã.

Điển hình là gia đình anh Nguyễn Kim Quang, ngụ ấp Tân Ninh. Dù hoàn cảnh gia đình chỉ ở mức thu nhập trung bình, nhưng vì lợi ích chung, anh đã tự nguyện hiến 500m2 đất và chặt bỏ hàng loạt cây dừa đang thu hoạch cho đơn vị thi công xây dựng tuyến đường nông thôn đạt chuẩn NTM.

Anh Quang chia sẻ: “Ở đây anh không quan trọng tiền đền bù, mà bằng những gì mình có, mình đóng góp được cho sự đổi mới, sự phát triển của xóm ấp”.

Có cùng chung suy nghĩ với anh Quang còn có gia đình anh Nguyễn Thanh Hùng, ấp Tân An. Nhận thấy lợi ích chung của việc mở đường, anh Hùng tự nguyện đốn bỏ 20 cây dừa và hiến 150m2 đất để xây dựng đường; đồng thời, anh cũng tự bỏ tiền ra để làm cống thoát nước chung cho các hộ dân trong xóm.

Câu chuyện về gia đình anh Nguyễn Hồng Phúc ở ấp Tân Ninh cũng thế. Dù kinh tế gia đình rất khó khăn, nhưng thấy cảnh người dân đi lại khó khăn trong mùa mưa, anh tự tháo dỡ nhà và hiến đất để xã đầu tư mở rộng đường.

Bên cạnh những tấm gương điển hình nêu trên, ở xã Tân Phú vẫn còn rất nhiều hộ dân sẵn sàng gạt bỏ lợi ích riêng để hòa vào sự phát triển chung của xóm ấp. Không ít thì nhiều, có hộ vài chục mét, hộ vài trăm mét, thậm chí có hộ đóng góp cả ngàn mét vuông đất như anh Nguyễn Kim Phăng, ở ấp Tân Ninh.

Đáng ghi nhận ở đây là phần lớn các gia đình hiến đất không bao giờ nghĩ đến chuyện đền bù thiệt hơn. Thay vào đó, tất cả họ chỉ có chung một ước mơ là từ những công trình phúc lợi trên sẽ làm đổi mới diện mạo của bộ mặt nông thôn.

Ông Nguyễn Trung Trực, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng còn rất hạn chế. Trước khó khăn đó, những năm qua Đảng ủy, UBND xã chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xã hội hóa trong xây dựng các công trình phúc lợi của xã. Trọng tâm là xây dựng đường giao thông nông thôn và mở rộng các tuyến kinh, mương nội đồng. Tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng và chủ động lấy nguồn nước tưới tiêu, mạnh dạn sản xuất, nâng cao đời sống cho bà con nhân dân.

Từ đó giúp nhiều người thấy được những lợi ích của mình và xã hội, nên khi xã có chủ trương xây dựng công trình phúc lợi gì thì đều được người dân đồng tình và hưởng ứng rất cao.  

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, người dân tự làm chủ trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Các cấp ủy Đảng và chính quyền xã Tân Phú bước đầu có một hướng đi phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân. Nhờ đó, phong trào hiến đất ở địa bàn xã đã được sự hưởng ứng mạnh mẽ của tất cả người dân.

HIẾU TRUNG

.
.
.