Thứ Sáu, 01/02/2013, 14:47 (GMT+7)
.

Cô Nguyễn Thị Hậu: Đảng viên cao niên “tiết hạnh khả phong”

Với cách mạng, cô giữ tròn khí tiết của người đảng viên. Với cha mẹ, cô đã làm tròn bổn phận của người con hiếu thảo. Với chồng, cô là người phụ nữ “tiết hạnh khả phong”. Với con, cô đã làm tròn trách nhiệm của người mẹ. Cô là Nguyễn Thị Hậu (cô Tư Hậu), ngụ ấp Long Thạnh A (Long Hưng, Châu Thành), có 52 năm tuổi Đảng.

Sắp qua cái tuổi thất thập cổ lai hy, chuyện đời có cái nhớ, cái quên, nhưng ngày 31-12-1971 vẫn không thể phai mờ trong tâm khảm người phụ nữ “tiết hạnh khả phong” này.

Cô Tư bùi ngùi kể: Sáng ngày 31-12-1971, chú và người con trai thứ ba (Trần Hữu Trí) chuẩn bị di dời điểm quân báo của Khu 8 (đóng ở Long Hưng, Châu Thành) đến ngã ba Trung Lương. Chưa kịp di chuyển thì trưa hôm đó địch càn quét dữ dội vào địa hình của đơn vị quân báo. Thấy máy bay cứ quần đảo nơi chồng và con trai đóng quân, cô Tư đứng ngồi không yên, nhưng cô Tư không thể đến đó được.

Rạng sáng ngày 1-1-1972, một chị cán bộ hoạt động bí mật chung với cô Tư vội vả đến nhà báo tin: “Anh Tư và thằng Bé Ba (Trần Hữu Trí) đã hy sinh! Anh em mình đã lấy xác về giấu trong khu vườn hoang ở phía trên”. Cô Tư thấy mình như được nhất bổng lên, chơi vơi. Ở trong vùng địch tạm chiếm, nỗi đau như xé ruột, xé gan mà cô Tư cũng không dám khóc, vì sợ địch phát hiện.

42 năm đã trôi qua, nhưng chị Nguyễn Thị Hồng Phúc, Bí thư Chi bộ ấp Long Thạnh A vẫn còn nhớ như in buổi sáng hôm ấy… Đưa tay gạt giọt nước mắt, chị Phúc kể: Sợ địch phát hiện, bà con trong xóm vội an táng 2 cha con chú Tư. Lúc ấy cô Tư mới 36 tuổi, người con gái út mới được vài tháng tuổi.

Gia đình có truyền thống cách mạng, nên từ lúc thiếu niên cô Tư đã theo cha sang Đồng Tháp vào Đội Thiếu nhi cứu quốc. Đến khi tròn 18 tuổi (năm 1954), cô Tư về làm giao liên cho Tỉnh đội Mỹ Tho. Sau khi gả cô Tư cho chú Trần Hữu Tâm (cũng là một chiến sĩ cách mạng), cha cô dẫn con gái đầu và con trai út đi tập kết. Cô Tư và người anh trai thứ ba ở lại hoạt động cách mạng.

Sau khi cô Tư lấy chồng, 8 người con lần lượt ra đời trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Để thuận tiện hoạt động cách mạng, cô Tư phải gởi con cho nội, ngoại trông giúp. Đến khi người con gái lớn 16 tuổi, người con trai kế 13 tuổi, cô Tư lại tiếp tục cho con thoát ly tham gia cách mạng.

Người con trai thứ 3 (Trần Hữu Trí) được tổ chức đưa sang biên giới Campuchia để học kỹ thuật thông tin. Sau khi học xong, Trí đòi về chiến trường để tham gia chiến đấu. Vì vậy, chú Tâm xin cấp trên cho Trí về cùng đơn vị để cha con được gần nhau. Nhưng không ngờ, anh Trí vừa về chiến đấu cùng cha được vài tháng thì cả 2 hy sinh. Khi ấy anh Trí mới 17 tuổi, đã là Tiểu đội trưởng. 

Năm 1959, cơ sở bị lộ nên cô Tư bị địch bắt. Địch giải cô hết nhà giam này đến nhà giam khác, tra tấn, đánh đập dã man, nhưng cô vẫn giữ vững khí tiết của người đảng viên, không khai nửa lời. Sau khi ra tù, cô Tư tiếp tục hoạt động cách mạng cho đến ngày giải phóng.

Sau hòa bình, ba và người em trai út của cô Tư trở về sum họp sau 21 năm đi tập kết. Ngày gia đình đoàn tụ thiếu đến 3 người: Anh trai thứ 3 (hy sinh năm 1968), chồng và con trai cô Tư. Được giải quyết phục viên, cô Tư về làm Hội trưởng Phụ nữ (nay là Chủ tịch Hội LHPN) xã Long Hưng.

Những năm đầu giải phóng, đường sá còn chưa thông thoáng như bây giờ. Vì vậy, nhiều lần đi công tác xuống ấp, cô phải ở lại nhà dân ngủ. Nhiều hôm đi công tác về đến nhà đã khuya, cô Tư phải gánh phân ra ruộng bón lúa để hôm sau còn lo công việc ở cơ quan.

Thương hoàn cảnh “mẹ góa con côi” của cô, một vài người “dòm ngó, đánh tiếng” muốn được chắp nối để đỡ đần công việc nặng nhọc cho cô. Nhưng người phụ nữ có nhan sắc đã từng một thời làm các anh trai làng xao xuyến quyết tâm giữ tiết hạnh, ở vậy thờ chồng, nuôi con, phụng dưỡng cha mẹ. Những ngày rảnh, cô Tư và các con tranh thủ đi vần đổi công. Vì vậy mà hơn 1 mẫu ruộng của gia đình, cô Tư không phải mướn ai.

Thương mẹ tần tảo, 7 người con của cô đều nghe lời mẹ và chăm chỉ học hành. Đến nay, 7 người con của cô đều có việc làm và có cuộc sống ổn định. Nếu chỉ tính 3 thế hệ thì gia đình cô có đến gần 20 đảng viên, trong đó có 2 cháu ngoại. Cho đến bây giờ, dù các con đã trưởng thành, nhưng những việc quan trọng là các anh chị đều về hỏi ý kiến mẹ.

Bí thư Chi bộ ấp Long Thạnh A Nguyễn Thị Hồng Phúc cho biết, cô Tư là người mẫu mực nên không chỉ được các con kính trọng mà bà con trong xóm, ấp cũng rất nể phục.

76 tuổi đời, 52 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, cô Tư luôn thể hiện sự gương mẫu của người đảng viên, khí tiết của người chiến sĩ cách mạng.

NGUYÊN CHƯƠNG

.
.
.