Thứ Sáu, 26/04/2013, 13:17 (GMT+7)
.

Chủ tịch UBND tỉnh:Chuẩn bị chu đáo để đối phó khi dịch bệnh xảy ra

Chiều 25-4, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi (trên cơ sở sáp nhập Quyết định 2698/QĐ-UBND ngày 1-9-2008 của UBND tỉnh về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống dịch bệnh và Quyết định 3339/QĐ-UBND ngày 26-10-2011 của UBND tỉnh về việc thành lập lại Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi).

Hội nghị cũng triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên người, cây trồng và vật nuôi. Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

UBND tỉnh Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi do ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban Chỉ đạo; bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó Trưởng Ban Thường trực (phụ trách y tế); ông Lê Văn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó Trưởng Ban (phụ trách nông nghiệp).

Phun tiêu độc khử trùng tại xã Tân Thanh, huyện Cái Bè.
Phun tiêu độc khử trùng tại xã Tân Thanh, huyện Cái Bè.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, từ tháng 3 đến nay, bệnh cúm gia cầm xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi ở huyện Châu Thành, với tổng đàn 276 con gia cầm (chim trĩ 177 con, gà đông tảo 12 con, gà nòi 85 con, vịt 2 con); huyện Cái Bè xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi ở xã Mỹ Đức Đông, với 740 con gia cầm (gà 650 con và 90 con vịt); huyện Chợ Gạo vừa xảy ra 1 ổ cúm ở xã Phú Kiết, với 6.500 con chim cút.

Sở NN&PTNT cũng cho biết, hiện nay virus cúm A/H5N1 đã và đang lưu hành trên một số đàn gia cầm (kể cả chim trĩ và cút) trong điều kiện mật độ chăn nuôi cao, biện pháp an toàn sinh học chưa đảm bảo, tỷ lệ tiêm phòng chưa đạt yêu cầu, đặc biệt có một số chim nuôi chưa có vắc xin tiêm phòng… nên nguy cơ tái bùng phát dịch cúm A/H5N1 là rất cao nếu không quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch.

Còn theo Sở Y tế, đến thời điểm này, Việt Nam nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng chưa ghi nhận ca nhiễm cúm A/H7N9 nào. Tuy nhiên, bệnh này có nguy cơ xâm nhập, lan truyền và bùng phát dịch rất cao. Riêng 3 ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm xảy ra từ đầu năm đến nay thì Sở Y tế đã cử Đội chống dịch của tỉnh phối hợp cùng Trung tâm Y tế huyện đến tại ổ dịch để triển khai thực hiện các biện pháp giám sát, xử lý nhằm phòng, chống sự lây nhiễm trên người.

Cũng tại hội nghị, UBND tỉnh thông qua dự thảo Quyết định Ban hành Quy định tạm thời về việc dẫn dụ và gây nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và phổ biến Công điện khẩn của Bộ NN&PTNT về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm trên chim yến.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Khang cho biết, quan điểm của tỉnh là phát hiện ổ dịch  phải tiêu hủy ngay, tiến hành tiêu độc khử trùng, tiêm phòng bao vây ổ dịch. Ngành Nông nghiệp phải thông tin cho người chăn nuôi và người tiêu dùng biết tác hại của các loại dịch cúm A/H1N1, cúm A/H5N1 và cúm A/H7N9; tích cực giám sát, phát hiện và xử lý nhanh ổ dịch, tránh để lây lan trên diện rộng.

Riêng Sở Y tế phải rà soát lại cơ sở vật chất như: phòng cách ly, các thiết bị y tế, nhân sự, thuốc và xe … để khi xảy ra dịch thì phải kịp thời xử lý.

Ông Nguyễn Văn Khang nhấn mạnh, hiện nay tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến hết sức phức tạp. Vì vậy, chúng ta phải củng cố ngay Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi cấp huyện, xã; tích cực kiểm tra công tác mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm tại các chợ…

SĨ NGUYÊN

.
.
.