Thứ Năm, 06/06/2013, 06:12 (GMT+7)
.

Thạnh Trị: Từ hiệu quả của tổ hợp tác đến xây dựng nông thôn mới

Là một xã thuần nông với sản xuất chủ yếu dựa vào cây lúa, Thạnh Trị đang tập trung giải quyết tình trạng ngập úng, chuyển sản xuất theo hướng cân bằng sinh thái cho đồng ruộng… tạo bước chuyển trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

HỢP TÁC CHỐNG ÚNG VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH THÁI

Cách đây hơn 1 năm, mỗi khi vụ lúa bắt đầu, nông dân ấp Thạnh Hòa Đông lại thắc thỏm về tình trạng ngập úng. Thế nhưng từ vụ hè thu chính vụ năm 2012 đến nay, nỗi lo ấy đã không còn. Chú Huỳnh Văn Sáu, ấp Thạnh Hòa Đông, cho biết, đây là khu vực trũng, khi xảy mưa lớn, mưa nhiều, các cống trong vùng lấy nước tích trữ là ngập úng xảy ra.

Có vụ ruộng vừa mới xuống giống bị ngập nước mấy ngày liền, lúa chết hết phải sạ lại; ruộng nào cứu được, lúa lên cũng lưa thưa. Nếu ngập úng xảy ra vào giai đoạn cuối vụ, lúa bị đổ ngã, năng suất giảm đáng kể. Đặc biệt, năm 2011 ngập úng đã làm cho nhiều diện tích giảm năng suất từ 40-50%. Không chỉ vậy, do ngập úng lâu ngày, mặt ruộng nhiều bùn, máy gặt không vào được, chi phí thu hoạch tăng cao.

Qua vận động của chính quyền xã, tổ hợp tác (THT) dùng nước của ấp ra đời. “Những hộ có máy bơm liên kết vào tổ bơm. Những hộ không có máy bơm đóng tiền mỗi vụ 100.000 đồng/công đối với vùng trũng, 70.000 đồng/công đối với vùng cao hơn cho tổ để tổ chức bơm tiêu thoát nước khi ngập úng xảy ra.

Nhờ thế mà vụ hè thu chính vụ năm 2012 đến nay, tình trạng ngập úng không còn xảy ra, năng suất lúa tăng lên khoảng 100 kg/công/vụ, chất lượng hạt lúa sau khi thu hoạch cũng tốt hơn. Cũng từ đó, máy gặt vào thu hoạch được thuận lợi hơn, giúp giảm chi phí thu hoạch từ 4 triệu đồng/ha (mướn phóng) xuống còn 1,8 triệu đồng/ha. Không còn lo úng nữa, ai nấy cũng phấn khởi”- chú Sáu nói.

Trưởng ấp Thạnh Phú Huỳnh Văn Triều cùng với 1 nông dân xem lại mật độ cây hoa còn lại trên bờ ruộng trước khi chuẩn bị trồng bổ sung cho vụ mới.
Trưởng ấp Thạnh Phú Huỳnh Văn Triều cùng với 1 nông dân xem lại mật độ cây hoa còn lại trên bờ ruộng trước khi chuẩn bị trồng bổ sung cho vụ mới.

THT bơm nước Thạnh Hòa Đông là một trong 2 THT dùng nước được thành lập đầu tiên vào năm 2011 trên địa bàn xã. Từ hiệu quả mô hình, xã đã xúc tiến thành lập thêm 3 THT, nâng số hộ tham gia hợp tác bơm nước chống ngập úng lên 393 hộ với 235 ha, trong tổng số 600 ha thường xuyên bị ngập úng của xã.

Tới đây, xã tiếp tục vận động nhân dân tham gia và xúc tiến thành lập thêm các THT mới để tiến tới giải quyết hoàn toàn tình trạng ngập úng cho vùng trũng của xã. Ngoài ra, xã cũng đang xúc tiến thành lập các THT chống hạn để giải quyết nguồn nước sản xuất khi xảy ra thiếu nước.

Bên cạnh giải quyết vấn đề ngập úng, cũng từ vụ hè thu chính vụ năm 2012, ngành Nông nghiệp huyện triển khai trên địa bàn xã 20 ha mô hình “Cộng đồng sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu và bệnh virus trên cây lúa”. Mô hình đã giúp giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật xuống rõ rệt, giảm tác động môi trường.

Anh Huỳnh Văn Triều, Trưởng ấp Thạnh Phú cũng là người tham gia mô hình cho biết trồng hoa trên bờ ruộng lúa đã giúp nông dân tiết kiệm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là thuốc phòng trừ sâu rầy, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhưng vẫn đảm bảo năng suất lúa từ bằng đến cao hơn so với không áp dụng mô hình.

“Có vụ, nông dân không phun một lần thuốc trừ sâu rầy nào mà vẫn không bị sâu rầy tấn công. Bà con rất phấn khởi. Từ vụ lúa này, sẽ mở rộng thêm 10 ha áp dụng mô hình này”- anh Triều nói.

RÚT NGẮN LỘ TRÌNH XÂY DỰNG NTM

Từ khi triển khai chương trình xây dựng NTM đến nay, Thạnh Trị đã thực hiện 3 tuyến đường trục xã, liên xã; 3 tuyến trục ấp và 3 tuyến đường ngõ xóm, trong đó, nguồn vốn từ nhân dân đóng góp 1,3 tỷ đồng và hiến 7.600 m2 đất cùng các công trình, vật kiến trúc khác. Ngoài ra, 3 tuyến kinh nội đồng cũng đã được nạo vét.

Bên cạnh đó, huyện đã đầu tư các cống điều tiết nước phục vụ sản xuất và đoạn đê với kinh phí 1,8 tỷ đồng; tỉnh cũng đầu tư xây dựng 12 phòng học của Trường THCS Thạnh Trị…

Ngoài ra, các trụ sở văn hóa ấp cũng được nâng cấp, xây dựng; Trung tâm Văn hóa xã đang trong quá trình chuẩn bị mặt bằng cho việc xây dựng; đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,8% xuống còn 6,8%. Nhiều tiêu chí khác cũng được đầu tư nâng chất dần để đạt chuẩn NTM.

Đường liên xã qua địa bàn xã Thạnh Trị.
Đường liên xã qua địa bàn xã Thạnh Trị.

Ông Lê Ngọc Mới, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Trị, cho biết Thạnh Trị hiện đạt 6/19 tiêu chí NTM. Theo ông , việc đầu tư đường giao thông, thủy lợi và các công trình cơ sở hạ tầng khác trong thời gian qua đã tạo thuận lợi hơn cho sản xuất, giao thương hàng hóa. Từ nỗ lực khắc phục ngập úng, sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp trong xây dựng mô hình cộng đồng sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý sâu rầy trên lúa, hiệu quả sản xuất đã được nâng lên một bước.

Và ngành Nông nghiệp đang có hướng xây dựng mô hình theo cánh đồng mẫu. Ngoài ra, để nâng cao tay nghề cho người dân, năm 2012 xã cùng các ngành chức năng của huyện mở 5 lớp dạy nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp cho lao động nông thôn. Xã cũng đang mở 3 lớp dạy nghề trồng nấm rơm, đan lát, chăn nuôi bò cho đối tượng này.

Tuy nhiên khi nói về khả năng hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, ông Mới cho biết, xã còn 13 tiêu chí NTM chưa đạt, trong đó có những tiêu chí xã đang lúng túng và nhận thấy rất khó thực hiện như tiêu chí thu nhập, môi trường... Theo ông, người dân Thạnh Trị chủ yếu sản xuất lúa nhưng hiệu quả của cây trồng này còn khá bấp bênh, giải pháp chuyển dịch sản xuất theo hướng hiệu quả hơn vẫn chưa có, nếu trong vài năm nâng mức thu nhập tăng thêm từ 15-16 triệu đồng/người/năm thì rất khó thực hiện.

Ngoài ra, trước đây xã xây dựng lộ trình hoàn thành các chỉ tiêu NTM vào cuối năm 2020. Tuy  nhiên, theo chỉ đạo mới đây của huyện, tỉnh, xã phải rút ngắn lộ trình phấn đấu đạt các tiêu chí NTM đến năm 2015.

Như vậy, mỗi năm xã phải hoàn thành từ 4 - 5 tiêu chí, trong đó mỗi tiêu chí có nhiều công trình, phần việc phải làm; đồng thời giữ vững các tiêu chí đã đạt là nhiệm vụ rất khó khăn. Bởi nguồn lực đầu tư rất hạn chế; nguồn lực trong dân có giới hạn; việc hoàn thành nhiều tiêu chí còn phụ thuộc nguồn lực, tiến trình đầu tư của các ngành, đơn vị…

Dù vậy, kết quả xây dựng NTM thời gian qua đã cho thấy bước đầu cải thiện được sản xuất, điều kiện sống và mức sống của người dân bằng các giải pháp, mô hình, công trình đầu tư. Từ đó, người dân hưởng ứng chương trình nhiều hơn và cùng Đảng bộ, chính quyền xã khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM theo lộ trình đã đề ra.

Cụ thể, xã nỗ lực hoàn thành tiếp 5 tiêu chí trong năm 2013, phấn đấu đạt thêm 4 tiêu chí vào năm 2014 và 4 tiêu chí còn lại sẽ hoàn tất vào năm 2015.

N.VĂN

.
.
.