Thứ Tư, 04/09/2013, 09:04 (GMT+7)
.

Chuyện về cô Chín Yểm

Đến ấp Thanh Sơn (Thanh Hòa, Cai Lậy) hỏi thăm cô Võ Thị Yểm (tên thường gọi Chín Yểm), hầu như ai cũng biết. Cô không chỉ là một đảng viên, cán bộ hưu trí gương mẫu, mà còn là người vợ đảm đang, người “mẹ ghẻ” hiền từ, được xóm giềng hết lời khen ngợi. Năm nay đã bước sang tuổi lục tuần (62 tuổi), trông cô Chín vẫn còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn.

Cô Võ Thị Yểm cùng chồng, các con và các cháu.
Cô Võ Thị Yểm cùng chồng, các con và các cháu.

Là lớp người trưởng thành trong kháng chiến, 17 tuổi cô Chín đã theo Đảng làm cách mạng. Thời chiến, cô mãi lo chiến đấu. Thời bình, cô vẫn còn bao nhiêu việc phải lo, được Đảng giao nhiều chức vụ quan trọng: Phó Chủ tịch Hội LHPN phụ nữ huyện, Chủ tịch Công đoàn huyện, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Cai Lậy… Cô vừa làm vừa học tập nâng cao trình độ. Mãi lo việc nước, ngoảnh lại thì tuổi xuân đã qua.

Những cống hiến của cô Chín đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng III, Huân chương Quyết thắng hạng III, Kỷ niệm chương “Vì sự tiến bộ phụ nữ”, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Công đoàn”, Huy hiệu “Vì an ninh Tổ quốc” và vừa được bình chọn là gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc cấp Trung ương…

Năm 1993, cô Chín đã nhận lời cùng chú Nguyễn Văn Hai nên nghĩa vợ chồng, mặc dù biết chú đã có 2 người con riêng. Ban đầu, định kiến xưa về “mẹ ghẻ, con chồng” làm cô Chín hết sức lo lắng. Ngày đầu làm mẹ, cô có đôi chút ngỡ ngàng, bởi cuộc sống đời thường của một gia đình “chắp nối” quả là chuyện không phải dễ.

Bằng chính tình thương và trách nhiệm, cô Chín đã xóa đi rào cản “Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng”, hết lòng chăm lo vun vén cho mái ấm gia đình ngày thêm bền vững, xem con chồng như con ruột, săn sóc các con từng miếng ăn, giấc ngủ…

Các “con chồng” từ xa lạ đến thân quen, từ ngại ngùng đến sẻ chia, tâm sự. Mẹ con thương nhau lúc nào không hay. Với cô Chín, như vậy là quá đủ. Hạnh phúc dù có hơi muộn màng, nhưng cô đã biết nắm bắt và gìn giữ, làm cho hạnh phúc ấy thăng hoa, góp phần làm thay đổi cái nhìn của xã hội về gia đình đặc biệt “mẹ ghẻ, con chồng”.

Không chỉ là người mẹ hiền từ, cô Chín còn là người vợ đảm đang, chăm lo phát triển kinh tế gia đình. Sau khi nghỉ hưu, cô bàn bạc với chồng tổ chức lại sản xuất sao cho có hiệu quả cao, với quyết tâm làm giàu từ công việc quen thuộc của người nông dân là trồng trọt và chăn nuôi.

Bắt đầu khởi nghiệp bằng việc nuôi heo nái. Từ một con lên vài chục con, rồi vài trăm con gà thịt, vịt đẻ, bồ câu; lớp ấp trứng, lớp bán con… Thực hiện mô hình VAC (vườn - ao - chuồng), trồng cây ăn trái, trồng rau xanh; chăn nuôi theo kiểu liên hoàn, khép kín, nuôi cá tai tượng, trê lai, cá tra, cá phi, mè vinh, trăn… Lấy phân bò, thỏ, dê bón cây trồng; phân heo làm hầm Bioga tạo nguồn chất đốt không mất tiền cho sinh hoạt gia đình, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đến nhà cô Chín, nhìn mấy chục con heo nái đang đòi ăn, cả trăm con thỏ mắt tròn xoe, những con dê vừa gặm cỏ vừa kêu “be he”, đàn  chim bồ câu sà xuống sân nhà, mấy con trăn cuộn mình tắm nắng, tiếng vịt kêu “cạp cạp”, tiếng gà kêu “chíp chíp”… - một bức tranh đồng quê yên bình, vui tươi, càng kính phục sự siêng năng, quyết chí vươn lên làm giàu của gia đình cô Chín. 

Không chỉ là người vợ đảm đang, người mẹ hiền từ, cô Chín còn là một đảng viên gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động xã hội, từ thiện. Cô tích cực vận động các tổ chức, cá nhân tặng xe lăn cho người tàn tật, xây nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, góp kinh phí xây dựng các công trình phúc lợi xã hội ở xã nhà. Đặc biệt, cô giúp đỡ bà con nghèo trong vùng cùng thoát nghèo, làm giàu bằng cách hỗ trợ con giống không tính lãi, hướng dẫn cách thức chăn nuôi… làm cho tình làng nghĩa xóm càng thêm thắt chặt.

Tuy công việc làm ăn thuận lợi, kinh tế gia đình ổn định, nhưng cô luôn dạy bảo các con thực hành tiết kiệm, sống có ích. Bây giờ, hai người con gái: Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (sinh năm 1975) và chị Nguyễn Thị Thanh Vân (sinh năm 1978) đã có gia đình, đều có công ăn việc làm ổn định.

Lên chức “bà ngoại”, lại tiếp tục đùm bọc nuôi nấng cháu, tạo cơ ngơi, giúp vốn cho các con phát triển kinh tế gia đình. Hai tiếng “mẹ ghẻ, con chồng” không tồn tại trong gia đình đầm ấm, trên dưới thuận hòa này. Chia sẻ với chúng tôi, Thanh Vân nói: “Mẹ em giỏi lắm, việc gì mẹ cũng làm được. Mẹ lo đủ mọi thứ. Tụi em được như ngày nay đều nhờ mẹ…”. Nghe con gái nói vậy, cô Chín cười thật tươi.

HOÀNG THI

.
.
.