Thứ Ba, 08/04/2014, 04:28 (GMT+7)
.

Nông thôn huyện biển ngày càng đổi mới

Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn huyện Gò Công Đông ngày càng đổi mới, nhân dân nhiều nơi rất phấn khởi, tin tưởng và tích cực tham gia để quê hương mình ngày thêm giàu đẹp.

gg
Xây dựng đường dal nông thôn ở xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông.

KẾT QUẢ ĐÁNG PHẤN KHỞI

Thực hiện Đề án xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, huyện Gò Công Đông chọn 11 xã làm điểm, đó là: Bình Nghị, Tân Điền, Tân Đông, Tân Thành, Bình Ân, Tăng Hòa, Phước Trung, Tân Tây, Kiểng Phước, Tân Phước, Gia Thuận.

Để thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, các ngành, các xã trong huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động phong trào thi đua đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tạo điều kiện cho cả hệ thống chính trị và nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung, tư tưởng chỉ đạo, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, huyện về xây dựng NTM. Toàn huyện đã tổ chức 400 cuộc tuyên truyền, vận động xây dựng NTM trên địa bàn 11 xã cho hầu hết cán bộ, đảng viên và người dân.

Sau 3 năm triển khai thực hiện, mỗi xã tăng bình quân 3 - 7 tiêu chí. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của huyện Gò Công Đông, hiện nay, xã Bình Nghị đạt 12/19 tiêu chí xây dựng NTM; các xã: Tân Điền, Tân Đông, Tân Thành đạt 10/19 tiêu chí; xã Tân Tây đạt 7/19 tiêu chí; các xã: Bình Ân, Tăng Hòa, Phước Trung, Tân Phước đạt 6/19 tiêu chí; các xã: Kiểng Phước, Gia Thuận đạt 5/19 tiêu chí. Trong đó, các tiêu chí về thủy lợi, bưu điện, hình thức tổ chức sản xuất, văn hóa, an ninh trật tự hầu như xã nào cũng đạt.

Ông Lê Hoàng Việt, Trưởng Phòng NN&PTNT, Phó Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Gò Công Đông cho biết: Chúng tôi xác định nguồn vốn có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các công trình.

Tuy nhiên, do các xã có thu nhập từ nguồn kinh tế chính là cây lúa nên việc thu hút đầu tư và huy động vốn còn nhiều hạn chế. Năm 2014, các xã trên địa bàn huyện sẽ tiến hành nghiên cứu lập đề án xây dựng NTM trên cơ sở đồ án đã duyệt…

Tuy vậy, chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện cũng gặp nhiều khó khăn do một bộ phận cán bộ phụ trách thiếu quan tâm, chương trình còn mới mẻ nên các xã xây dựng đồ án, đề án chưa đảm bảo chất lượng và còn chậm, nhu cầu vốn cần hỗ trợ để xây dựng NTM thì nhiều nhưng tiếp nhận thì ít, sức huy động trong dân còn hạn chế; các xã đã được đầu tư khi triển khai thực hiện đề án còn nặng tư tưởng về xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa thật sự quan tâm đúng mức các tiêu chí phát triển sản xuất, văn hóa, xã hội, môi trường…

Việc khảo sát, điều tra hiện trạng chưa có hướng dẫn chi tiết, sâu sát và chưa có hướng dẫn thẩm định để công nhận hiện trạng tiêu chí đạt được của các xã nên mức độ đánh giá chưa chính xác.

Các tuyến đường nông thôn ở huyện Gò Công Đông được nhựa hóa, dal hóa.
Các tuyến đường nông thôn ở huyện Gò Công Đông được nhựa hóa, dal hóa.

NĂM 2015: 2 XÃ ĐẠT 19/19 TIÊU CHÍ

Mục tiêu xây dựng NTM của huyện Gò Công Đông trong thời gian tới là: Kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ và từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp và dịch vụ; gắn xây dựng nông thôn phát triển với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn đảm bảo ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ…

Theo Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Gò Công Đông, phấn đấu đến cuối năm 2015, huyện có 2 xã: Bình Nghị và Tân Điền đạt 19/19 tiêu chí, chiếm 18,18% tổng số xã; 4 xã: Tân Đông, Tân Thành, Bình Ân và Tân Tây phấn đấu đạt 13-15 tiêu chí; 5 xã còn lại đạt từ 10 tiêu chí trở lên.

Giai đoạn 2016-2020, huyện cơ bản xây dựng xong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo tiêu chuẩn NTM, không còn điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nâng cao chất lượng cuộc sống và nâng cao thu nhập của người dân ở vùng nông thôn từ 40-50 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo của các xã xuống còn dưới 5%, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề đạt trên 50%, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 90%; có 8 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM, 3 xã còn lại đạt ít nhất 14/19 tiêu chí NTM.

Để thực hiện đúng kế hoạch đề ra, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của huyện sẽ tập trung tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để vận động nhân dân cùng tham gia xây dựng NTM; thông tin các nội dung chương trình, các mục tiêu cần đạt được, kinh phí, nội dung hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức quốc tế và các nguồn vốn khác được sử dụng để xây dựng NTM.

Chuẩn hóa, sàng lọc, bồi dưỡng và đưa đi đào tạo để đảm bảo cán bộ cấp xã đạt chuẩn theo quy định. Các cấp chủ động tranh thủ các nguồn vốn đầu tư phân cấp từ Trung ương, tỉnh và vốn địa phương để phân kỳ đầu tư hợp lý; đồng thời, tăng cường huy động mọi nguồn lực từ các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM.

Cải tạo, nâng cấp xây dựng mới các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường. Quy hoạch xây dựng NTM gắn với phát triển đô thị. Hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa và các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn để tăng thu nhập cho người dân. Xây dựng đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh…

Xây dựng NTM cần quá trình lâu dài và chắc chắn còn nhiều khó khăn. Điều đó cần sự nỗ lực và phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của người dân. Những kết quả bước đầu đạt được hôm nay chính là kinh nghiệm để huyện Gò Công Đông tiếp tục phát huy tính dân chủ, đoàn kết, huy động sức mạnh tập thể từ người dân, huy động mọi nguồn lực, tạo tiền đề vững chắc để sớm về đích trong công cuộc xây dựng NTM.

SĨ NGUYÊN

.
.
.