Thứ Hai, 07/04/2014, 13:53 (GMT+7)
.

Biến đổi khí hậu: Những tác động và nỗ lực ứng phó

Tiền Giang được xác định là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH) với 3 vùng nhạy cảm gồm khu vực chịu tác động của lũ lụt, nước biển dâng, mặn hóa và hạn hán.

Nắng nóng kéo dài, sạt lở nghiêm trọng

Từ đầu thế kỷ 21, những ghi nhận, đánh giá cho thấy, tác động của BĐKH biểu hiện rất rõ rệt như hạn hán, nắng nóng bất thường và kéo dài; bão, lũ diễn ra với cường độ mạnh hơn; xâm nhập mặn sâu vào đất liền.

Qua kết quả thống kê về khí tượng, thủy văn và quan trắc chất lượng môi trường không khí hàng năm, số giờ nắng trong năm gia tăng, số ngày nắng nóng kéo dài, đặc biệt là các tháng đầu năm và cuối năm; nhiệt độ trung bình năm tăng từ 0,2 - 0,50 C; lượng mưa trung bình hàng năm diễn biến bất thường và có xu hướng giảm từ năm 2005 - 2009, trong khi đó mùa khô kéo dài gây ảnh hưởng đến nước sinh hoạt của người dân.

Vào mùa khô, cây trồng ở huyện Tân Phú Đông thiếu tưới từ 3 - 4 tháng.
Vào mùa khô, cây trồng ở huyện Tân Phú Đông thiếu tưới từ 3 - 4 tháng.

Tiền Giang có vùng ngập lũ trải rộng từ Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, một phần phía Tây của Châu Thành và phía cực Tây của TP. Mỹ Tho (thuộc xã Trung An), chiếm trên 59% diện tích tự nhiên của tỉnh. Hàng năm, nước sông, rạch bắt đầu dâng cao vào tháng 7, 8 và đạt đỉnh vào các tháng 9, 10, rồi rút dần vào đầu tháng 11. Tuy nhiên, những năm lũ lớn 1996 và 2000, nước trở lại bình thường vào cuối tháng 12 hoặc tháng 1 năm sau.

Trong báo cáo mới đây của UBND tỉnh về BĐKH cho biết, qua các thông số khí tượng, thủy văn đo đạt và so sánh trong 10 năm qua, tầng suất xuất hiện các biểu hiện bất thường của BĐKH ngày càng dày hơn (hầu như năm nào cũng có), cường độ và mức độ thiệt hại ngày càng lớn hơn.

Các năm 1998, 1999, 2003 và 2010, tình trạng khô hạn diễn ra nghiêm trọng, cộng với việc kinh rạch bị bồi lắng, nước cạn kiệt, mặn xâm nhập ngày càng sâu, gây thiếu nước sản xuất và sinh hoạt trong dân, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa. Trên các tuyến sông, kinh chính như sông Tiền, Vàm Cỏ, kinh Nguyễn Văn Tiếp, kinh Chợ Gạo… nước mặn có độ mặn lớn hơn 4 g/l đã xâm nhập sâu 30 km.

Trên sông Cửa Đại, nước mặn xâm nhập sâu trong đất liền cách cửa biển từ 60-70 km. Hệ quả của ngập mặn kéo dài là đất bị nhiễm phèn chua, mặn làm thay đổi tính chất cơ - lý hóa thổ nhưỡng và các chất dinh dưỡng, làm giảm năng suất cây trồng, ảnh hưởng đến chất lượng nông sản.

Mặt khác, nguồn nước mặn còn gây khó khăn cho công tác thủy lợi, ảnh hưởng tới mô hình trồng lúa kết hợp với nuôi cá dưới chân lúa và nuôi trồng thủy sản.

Ghi nhận những tác động của BĐKH cụ thể trên địa bàn cù lao, ông Đoàn Văn Thơ, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông cho biết, hàng năm huyện chịu ảnh hưởng của mặn từ 5 - 8 tháng. Dù những năm qua Nhà nước đầu tư nâng cấp các cơ sở cung cấp nước cho dân, nhưng tình trạng thiếu nước ngọt vẫn diễn ra, nhất là các tháng gần đến mùa mưa.

Đặc biệt, những năm gần đây, do tác động của sóng, dòng chảy thay đổi gây ra sạt lở lớn và xu hướng ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn huyện, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Tại khu vực giáp biển Đông thuộc ấp Cồn Cống (xã Phú Tân), sạt lở với chiều dài khoảng 6,4 km (từ năm 2008 đến nay, sạt lở vào đất liền từ 400 - 450 m), làm 7 căn nhà phải dời đi nơi khác, ảnh hưởng đến khoảng 75 ha nuôi thủy sản; ở Cồn Ngang (xã Phú Tân) sạt lở dài từ 1.000 - 1.200 m; khu vực Cồn Bà (phía sông Cửa Đại) thuộc ấp Tân Bình và Tân Đông (xã Tân Thạnh), sạt lở chạy dài khoảng 5 km, hàng năm sạt lở vào đất liền từ 5 - 7 m, ảnh hưởng rất lớn đến vườn cây ăn trái, 200 ha nuôi thủy sản và sinh hoạt của 100 hộ dân tại vùng này. Ngoài ra, cặp các sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, có nhiều điểm sạt lở do dòng chảy.

Đê biển Gò Công 1 (Gò Công Đông) bị xoáy lở mạnh, đai rừng phòng hộ bị xâm thực nghiêm trọng.
Đê biển Gò Công 1 (Gò Công Đông) bị xoáy lở mạnh, đai rừng phòng hộ bị xâm thực nghiêm trọng.

Tại Gò Công Đông, đê biển qua địa bàn đã và đang bị xoáy lở nghiêm trọng, nhất là vào mùa gió chướng. Đai rừng ngập mặn đang bị xâm thực rất mạnh cùng với cao trình đê thấp (chỉ trên 4 m) lại bị xoáy lở mạnh, khó chống chịu được bão lớn.

Thời gian qua, đã có một số căn nhà trong khu vực sạt lở bị sập, một số đã được di dời. “Nếu không có giải pháp kịp thời, chúng tôi rất khó khăn trong lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất, ổn định đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn” - bà Huỳnh Thị Tỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông cho biết.

Những đề xuất và nỗ lực ứng phó

BĐKH đã và đang tác động bất lợi đến đời sống và sản xuất của người dân. Ông Trần Hoàng Bá, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, khô hạn kéo dài khiến cho vùng đê bao ở huyện Tân Phú Đông từ sản xuất an toàn 2 vụ lúa trong năm, nay xuống còn 1,5 vụ; thiếu nước sinh hoạt do các ao trữ không đủ cung cấp cho các hộ dân, nhất là từ tháng 3 - 4.

Để tăng thời gian trữ nước ngọt cho cù lao trong tình hình khô hạn, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt do BĐKH, một số ý kiến cho rằng cần mở rộng diện tích đê bao về phía Tây; xúc tiến dự án đưa nguồn nước BOO Đồng Tâm về Tân Phú Đông để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt nơi đây.

Tại Dự án Ngọt hóa Gò Công, những năm qua, việc đưa nước về khu vực cuối nguồn gặp một số hạn chế do kinh 14 bị bồi lắng. Bên cạnh đó, đê biển Gò Công 1 đang bị sạt lở nghiêm trọng, đai rừng bị xâm thực mạnh.

Giải pháp cho các vấn đề này, ngành Nông nghiệp đề nghị xúc tiến nhanh nạo vét kinh 14; đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp đê biển Gò Công 1 và 2 (thời gian qua, việc phân bổ kinh phí từ Trung ương không đủ kè chứ chưa nói đến nâng cấp).

Giải quyết bức xúc việc đê biển bị xoáy lở mạnh, rừng phòng hộ bị xâm thực nghiêm trọng, bà Huỳnh Thị Tỏ cho biết, tỉnh đang có dự án kè mềm gây bồi trồng rừng ở một số nơi xung yếu không an toàn. “Giải pháp này đã được thử nghiệm tại Cà Mau, Bạc Liêu, đề nghị tỉnh cho triển khai thực hiện ngay mà không cần qua thử nghiệm. Nếu đê biển không được kịp thời nâng cấp, nâng cao trình, khi bão đến, hàng chục ngàn ha và những hộ dân sống phía trong đê sẽ gặp nguy hiểm” - bà Tỏ nói.

Bên cạnh đó, để sản xuất an toàn, cơ quan chức năng cho rằng cần quan tâm quy hoạch bố trí lại cây trồng, vật nuôi và đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thích hợp để phát triển ổn định của các tiểu vùng kinh tế và hạn chế phần nào ảnh hưởng xấu do khí hậu, thủy văn gây ra.

Để nâng cao khả năng ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh, ngay từ cuối năm 2012, UBND tỉnh đã phê duyệt “Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của tỉnh Tiền Giang”. Trong kế hoạch đã đề xuất 22 dự án nhằm ứng phó với BĐKH, trong đó có 10 dự án công trình và 12 dự án phi công trình. Ngoài ra, để thực hiện kế hoạch, chỉ đạo được thống nhất, UBND tỉnh cho xúc tiến thành lập Ban Chỉ đạo và Văn phòng Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH tỉnh Tiền Giang.

Trong buổi làm việc với UBND tỉnh mới đây, một số thành viên của Đoàn Giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng công tác phòng, chống BĐKH của tỉnh chỉ mới bắt đầu triển khai; tỉnh cần quan tâm đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về hiện tượng trên và cách ứng phó; đẩy mạnh xã hội hóa trong thực hiện các công trình phòng, chống BĐKH.

N.VĂN

.
.
.