Thứ Sáu, 18/04/2014, 10:11 (GMT+7)
.

Thầy giáo trẻ Nguyễn Khắc Phục: Điển hình người khuyết tật vượt khó

Bị câm điếc từ nhỏ, trải qua hơn 25 năm khổ luyện với con chữ để hoàn thành chương trình Cao đẳng chuyên ngành Sư phạm cho người điếc, 2 năm làm thầy giáo dạy trẻ câm điếc và hiện là Chủ nhiệm CLB Người điếc tỉnh. Đó là chuỗi dài những tháng ngày phấn đấu không ngơi nghỉ của thầy giáo trẻ Nguyễn Khắc Phục.

NGHỊ LỰC TỪ BẢN THÂN

Cha mẹ là người sinh ra, nuôi nấng, dạy dỗ và tạo điều kiện cho con cái phát triển, nhưng sự thành công hay thất bại của mỗi người lại phụ thuộc rất nhiều vào sự nỗ lực của chính bản thân họ. Điều này quả đúng đối với thầy Nguyễn Khắc Phục (37 tuổi), giáo viên Trường Khuyết tật Nhân Ái, TP. Mỹ Tho. Anh đã vượt qua mặc cảm “trẻ khuyết tật” để vươn lên bằng nghị lực kiên cường của mình.

Tổ ấm hạnh phúc của thầy giáo Nguyễn Khắc Phục.
Tổ ấm hạnh phúc của thầy giáo Nguyễn Khắc Phục.

Nói về cậu con trai đầu lòng Nguyễn Khắc Phục, ông Nguyễn Ngọc Lâm và bà Phan Thị Ngọc không che giấu được nỗi xót xa khi con trai của mình bị khuyết tật. Nhưng trong mắt ông bà cũng ánh vẻ rạng ngời niềm hạnh phúc vì sự kiên cường của con đã có thành quả tốt.

Bà Ngọc kể lại: “Trước đây (từ năm 1977 đến năm 1990), gia đình tôi sống ở xã Mỹ Lợi B, huyện Cái Bè. Niềm vui đón cậu con trai đầu lòng kháu khỉnh chào đời chỉ được có 1 tuần thì chúng tôi đau đớn nhận biết con mình bị điếc. Xót con nhưng hoàn cảnh quá khó khăn, chúng tôi không thể đưa con đi trị bệnh đến nơi đến chốn và đành nuốt đắng cay khi lớn lên con tôi không thể nào bập bẹ được tiếng mẹ, tiếng cha. Cái tên Khắc Phục mà chúng tôi đặt cho con với hy vọng con sẽ vượt qua khiếm khuyết mà vươn lên. Quả đúng như vậy, Phục đã vượt lên được!”.

Hành trình tìm đến con chữ của Khắc Phục thật lắm gian nan. Phục chia sẻ: “Tuổi thơ của tôi gắn liền với ruộng đồng và vùng sông nước, vì vậy tôi biết bơi lội và bơi xuồng rất sớm, biết thả diều và cả đá bóng trên sân ruộng nữa. Khi biết được mình bị khuyết tật không nghe và không nói được, tôi buồn lắm. Khi chơi với bạn bè không được vui trọn vẹn, có những trò chơi các bạn không cho tôi chơi vì cho là tôi không nghe được sẽ không biết chơi.

Lúc đó tôi tủi thân, còn ông bà, ba mẹ tôi buồn lắm. Khi đến tuổi đi học, tôi không được đi. Thấy các bạn đi học vui quá, tôi thích lắm nên chạy theo đến lớp học và đứng bên ngoài nhìn các bạn học mà buồn nên quyết tâm sẽ học được như các bạn. Thế là năm lên 8 tuổi, tôi được ba mẹ gởi lên TP. Hồ Chí Minh ở với các cậu để đi học Trường Khuyết tật Hy Vọng ở quận Bình Thạnh, được các thầy, cô thương và các bạn đều khuyết tật như mình chơi đùa vui vẻ nên tôi không còn thấy buồn như còn ở quê nữa”.

Học ở Trường Hy Vọng 9 năm, được lên cấp II. Lúc đó có Dự án đào tạo đại học cho người điếc Việt Nam do Hãng Nippon Nhật Bản tài trợ, Khắc Phục được tuyển chọn đi học cấp II của Dự án. Lúc bấy giờ, Dự án liên kết với Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai, nên việc học tập, sinh hoạt của giáo viên và học sinh được nhà trường bố trí ở ký túc xá.

Đây cũng là khoảng thời gian Khắc Phục gặp nhiều khó khăn nhất. Ở xa gia đình, mọi việc từ ăn uống, giặt giũ Khắc Phục đều phải tự lo. Nhưng khó khăn lớn nhất là chương trình học tập khó, phải thật cố gắng mới tiếp thu được bài. Phải mất 12 năm từ cấp II đến thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thêm 4 năm ở Cao đẳng để trở thành thầy giáo. Như vậy, con đường đèn sách của Khắc Phục kéo dài hơn 25 năm, gần gấp đôi so với người bình thường.

KHÁT KHAO GIÚP NGƯỜI CÙNG CẢNH NGỘ

Trong thời gian học ở TP. Hồ Chí Minh và ở Đồng Nai, Khắc Phục đã tham gia nhiều khóa học nghề khác nhau như: học nghề thủ công mỹ nghệ gỗ, học nấu ăn, học pha chế rượu… với thành tích học tập khá, giỏi.

Tốt nghiệp Trung học phổ thông, anh không phải đắn đo, nghĩ ngợi nhiều trong việc chọn nghề nghiệp tương lai cho mình. Khắc Phục luôn ước mơ làm nghề nào mà có thể giúp ích được cho bản thân, gia đình và giúp cho người khuyết tật như mình được tốt hơn. Thế nên, nếu chọn 1 trong các nghề đã học để làm thì chỉ có thu nhập tự nuôi sống bản thân và gia đình mà thôi.

Vì vậy, anh quyết định tiếp tục học và quyết tâm thi vào Trường Đại học Đồng Nai, khoa Sư phạm dành cho người điếc. Sau 4 năm miệt mài đèn sách, Nguyễn Khắc Phục đã biến ước mơ của mình thành sự thật. Theo anh, chỉ có ước mơ thôi là chưa đủ. “Chúng ta cần phải cố gắng thật nhiều, kiên trì, kể cả phải hy sinh nhiều thứ mới có thể biến ước mơ thành hiện thực được”  - Khắc Phục chia sẻ.

Hiện tại, thầy giáo trẻ Nguyễn Khắc Phục đang trải lòng để vun đắp ước mơ, truyền nghị lực cho hàng trăm trẻ bị khuyết tật câm, điếc đang theo học tại Trường Khuyết tật Nhân Ái và Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh.

Anh còn xúc tiến thành lập CLB Người điếc tỉnh Tiền Giang. Thành viên của CLB là học sinh câm, điếc và cả những người câm, điếc trong cộng đồng; mỗi tháng sinh hoạt 1 lần. CLB không chỉ mang niềm vui đến cho người cùng cảnh ngộ, mà còn có nhiều hoạt động trợ giúp, tư vấn để người khuyết tật câm, điếc có kiến thức bổ ích.

Từ thực tế bản thân, thầy giáo Nguyễn Khắc Phục mong muốn các bạn trẻ cùng hoàn cảnh sẽ được gia đình và các tổ chức xã hội quan tâm hơn, được chăm sóc và cho đi học để các bạn có được cơ hội giao lưu, học tập mở mang tầm hiểu biết, giúp các bạn không còn tự ti, mặc cảm và sớm hòa nhập với cộng đồng.

Vượt lên mặc cảm khiếm khuyết, phấn đấu bằng nghị lực phi thường để đạt ước mơ và không quên hành động vì cộng đồng, thầy giáo Nguyễn Khắc Phục là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ và là điển hình người khuyết tật vượt khó rất đáng trân trọng.

THỦY HÀ

.
.
.