Thứ Năm, 23/04/2015, 10:56 (GMT+7)
.

Tuyên bố của VAVA về vụ kiện của nạn nhân da cam tại Pháp

Báo Ấp Bắc trân trọng đăng toàn văn Tuyên bố của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam về vụ kiện đòi công lý của nạn nhân da cam tại Pháp.

                                                                                                                                   Hà Nội, ngày 13-6-2014

- Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, từ năm 1961 đến 1971, Hoa Kỳ đã rải xuống miền Nam Việt Nam 80 triệu lít chất diệt cỏ, trong đó 61% là chất da cam có chứa ít nhất 366 kg dioxin là chất độc hại nhất mà con người biết được; làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó có 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam. Tác hại của dioxin gây cho người bị phơi nhiễm mắc rất nhiều chứng bệnh cùng một lúc, nhiều người mất đi những quyền con người cơ bản nhất, đặc biệt là quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc. Hậu quả của nó có thể tồn tại nhiều thế hệ.

- Không chỉ nhân dân Việt Nam, nhiều người ở các nước khác trên thế giới cũng là nạn nhân của loại vũ khí giết người hàng loạt này. Do đó, sự đoàn kết quốc tế với cuộc đấu tranh vì công lý của nạn nhân chất độc da cam đang ngày càng tăng.

- Ngày 11-6-2014, Văn phòng Luật sư William Bourdon & Forestier ở Paris, Cộng hòa Pháp đã đại diện cho Nguyên đơn là bà Trần Tố Nga, một công dân pháp gốc Việt, bị phơi nhiễm chất da cam tại Việt Nam trong thời gian chiến tranh, đệ đơn kiện các Công ty hóa chất Mỹ tại Tòa án Thành phố Evry của Pháp đòi bồi thường cho Nguyên đơn.

- Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam (VAVA) là một tổ chức phi chính phủ, đại diện về pháp lý và đạo lý của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, nhiệt liệt hoan nghênh sự kiện pháp lý quan trọng này.

- VAVA biểu thị sự đồng tình, ủng hộ vụ kiện về tinh thần và trong điều kiện có thể, VAVA sẽ hỗ trợ bà Trần Tố Nga về mặt vật chất nhằm tạo điều kiện cho bà Nga giảm bớt những khó khăn trong quá trình theo đuổi vụ kiện.

Nhân dịp này VAVA thiết tha kêu gọi và đề nghị:

- Tòa án Evry ở Pháp nhanh chóng hoàn tất hồ sơ, thủ tục để xét xử vụ án bênh vực quyền lợi cho nạn nhân chất độc da cam là bà Trần Tố Nga.

- Tất cả các nạn nhân chất độc da cam bất kể quốc tịch nào, hoặc bất kể hoàn cảnh phơi nhiễm nào hãy đoàn kết chặt chẽ hơn để cùng phấn đấu cho mục tiêu chung là ngăn chặn sử dụng vũ khí hóa học cũng như các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác.

- Nhân loại toàn thế giới, các chính phủ, các tổ chức, các cá nhân hãy hành động ngay để ủng hộ các nạn nhân da cam, đặc biệt là sự giúp đỡ cho các nạn nhân da cam ở Việt Nam.

- Các nhà khoa học, trong đó có các chuyên gia y tế và môi trường của Hoa Kỳ, hãy dành công sức hơn nữa cho các công trình nghiên cứu về các nguy hại cụ thể của chất da cam/dioxin đối với sức khỏe, môi trường, và khả năng khắc phục hậu quả.

- Chính phủ và các nhà sản xuất da cam Hoa Kỳ, đặc biệt là Monsanto và Dow Chemical phải nhận trách nhiệm và có nhiều nỗ lực, đầy đủ hơn để cùng Chính phủ và nhân dân Việt Nam thanh khiết những "điểm nóng" còn tồn tại, giúp đỡ toàn diện và có ý nghĩa cho nạn nhân chất độc da cam và gia đình họ ở Việt Nam một cách thực tế và hiệu quả.

- Chính phủ Hoa Kỳ và tất cả các chính phủ đã cho phép sử dụng chất da cam trong những năm chiến tranh Việt Nam phải nhanh chóng công bố tất cả những nơi chất da cam đã được sử dụng, chôn cất hoặc tháo đổ trước đây.

- Các lực lượng báo chí, bằng sức mạnh truyền thông hãy lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam, ủng hộ bà Trần Tố Nga được thắng kiện trong vụ đòi các Công ty hóa chất của Hoa Kỳ bồi thường thiệt hại do chất độc da cam/dioxin đã gây ra cho bà.

Hãy cùng nhau hành động vì nạn nhân da cam!

                                                                                               CHỦ TỊCH HỘI NNCĐDC/DIOXIN VIÊT NAM

                                                                                                                   Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh

                                                                                                                                                                                   

.
.
.