Thứ Năm, 28/04/2016, 08:32 (GMT+7)
.

2 thách thức lớn về dân số

Là tỉnh đất hẹp, người đông, với khoảng 1,7 triệu dân, Tiền Giang đang đứng trước 2 thách thức lớn về sức ép và cơ cấu dân số.

MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH

Theo bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng Phòng nghiệp vụ (Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình), Tiền Giang là tỉnh có dân số trẻ. Thách thức dân số của tỉnh hiện nay không phải là tăng dân số tự nhiên hay tỷ lệ sinh con thứ 3 cao, mà là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Cần nắm bắt cơ hội của thời kỳ dân số vàng để phát triển sản xuất tạo ra của cải vật chất.
Cần nắm bắt cơ hội của thời kỳ dân số vàng để phát triển sản xuất tạo ra của cải vật chất.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ở tỉnh khoảng 10 năm trở lại đây. Do đó, Đề án Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh đã được triển khai trên địa bàn tỉnh từ giữa năm 2009, trên địa bàn 5 huyện. Thời gian đầu vì chưa có biện pháp can thiệp cụ thể nên tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn chưa được kiểm soát. Chỉ số giới tính khi sinh năm 2006 là 104/100 (tức 104 bé trai/100 bé gái), năm 2007 là 111/100, năm 2008 là 117/100, năm 2009 là 110,2/100, năm 2010 là 113/100. Nếu không có giải pháp tích cực, sự mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ để lại những hệ lụy nặng nề, gây khó khăn trong việc xây dựng gia đình của các thế hệ tương lai, thiếu phụ nữ ở độ tuổi lập gia đình và tác động xấu đến trật tự, an ninh xã hội… 

Thực trạng dân số của tỉnh so với khu vực và cả nước

Toàn tỉnh hiện có khoảng 1,7 triệu người, với mật độ dân số bình quân là 672 người/km2, cao gấp 1,58 lần mật độ dân số trung bình khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cao gấp 2,6 lần mật độ dân số trung bình toàn quốc. Tỷ lệ tăng dân số của tỉnh bình quân/năm là 0,4%, thấp hơn cả nước (1,2%) và khu vực ĐBSCL (0,6%). Tuổi thọ bình quân hiện tại của Tiền Giang là 74,4 tuổi, cao hơn cả nước (72,8 tuổi) và khu vực ĐBSCL (73,8 tuổi). Tỷ trọng dân số từ 15 - 64 tuổi của tỉnh chiếm 68,9%, cao hơn cả nước (68,4%) và thấp hơn khu vực ĐBSCL (69,5%).

Từ thực tế đó, tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án “Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, giai đoạn 2011 - 2015”, với quy mô mở rộng ra toàn tỉnh. Mục tiêu của đề án là từng bước khống chế tốc độ gia tăng mất cân bằng, tiến tới ổn định cân bằng giới tính khi sinh. Trong đó tập trung thực hiện: Tăng cường cung cấp thông tin, giáo dục truyền thông về giới và mất cân bằng giới tính khi sinh cho người dân, trước hết là các cặp vợ chồng trong diện tuổi sinh đẻ, những người cung cấp dịch vụ siêu âm và dịch vụ nạo phá thai, những người có uy tín trong cộng đồng nhằm hạn chế những hành vi không phù hợp với việc sinh đẻ theo quy luật tự nhiên; thực thi và hoàn thiện hệ thống pháp luật về các nội dung liên quan đến giới tính khi sinh; khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái, gia đình sinh con 1 bề là gái. Sau thời gian dài thực hiện nhiều giải pháp kéo giảm, tỷ số giới tính khi sinh của Tiền Giang giảm xuống ở mức 109,5/100 vào cuối năm 2015. Tuy tỷ số giới tính khi sinh hiện nay đã giảm so với những năm trước nhưng vẫn còn khá cao, nên cần tiếp tục thực hiện các giải pháp kéo giảm trong thời gian tới.

THÁCH THỨC CỦA “DÂN SỐ VÀNG”

Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở cho thấy, trên 68% số dân toàn tỉnh có độ tuổi từ 15 - 64. Cũng như cả nước, Tiền Giang đang bước vào thời kỳ “dân số vàng”, tức là số người trong độ tuổi lao động lớn hơn số người phụ thuộc. Hiện nay, bình quân 2 người trong độ tuổi lao động chỉ phải nuôi thêm 1 hoặc ít hơn 1 người phụ thuộc. Đây là thời cơ vàng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhờ vào đội ngũ lao động (LĐ) trẻ dồi dào, lực lượng quan trọng quyết định đến sự phát triển của đất nước. Nếu đội ngũ nhân lực giai đoạn này có chất lượng sẽ là nguồn lực to lớn trong việc phát triển kinh tế, tạo ra nhiều của cải xã hội, giải quyết việc làm, giảm nhẹ gánh nặng về an sinh xã hội.

Theo các chuyên gia về dân số, cơ cấu “dân số vàng” mang lại nhiều cơ hội, tiềm năng phát triển, nhưng sẽ là thách thức nếu để mất thời cơ vàng trong phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, khoảng 60% LĐ của tỉnh là LĐ giản đơn, không có tay nghề hoặc tay nghề thấp, làm việc với tiền công giá rẻ. Nếu tỉnh không đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người LĐ, nâng tỷ lệ lao động có tay nghề cao sẽ không thể tạo ra sản phẩm lớn cho xã hội. Lực lượng LĐ dồi dào không tạo ra khối lượng của cải vật chất, sẽ kéo theo hệ quả là tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, giá trị tích lũy không có hoặc thấp. Do đó, đẩy mạnh đào tạo nghề, nâng cao hàm lượng chất xám trong sản xuất của người LĐ là việc làm cấp thiết của tỉnh hiện nay.

THỦY HÀ 

.
.
.