Thứ Bảy, 17/09/2016, 10:19 (GMT+7)
.

Chị Nguyễn Thị Hồng Sen giúp mình và giúp người

Đó là chị Nguyễn Thị Hồng Sen, ngụ ấp Lương Phú B, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo. Chị vừa được quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển trao thưởng Giải Nhất Doanh nhân vi mô.

Chị Nguyễn Thị Hồng Sen nhớ lại: “Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phòng, thống nhất đát nước 30-4-1975, tôi làm Thư ký cho xã. Chồng tôi làm ở Xã đội. Vợ chồng làm việc cật lực nhưng vẫn không đủ tiền để nuôi 3 đứa con ăn học. Để kiếm thêm thu nhập, hàng ngày tôi đạp xe ra HTX Tiên Tiến ở TP. Mỹ Tho để học thêm nghề đan lát và lãnh sản phẩm về nhà làm.

Sau đó, chị em trong ấp tìm đến nhà tôi nhờ tôi hướng dẫn cách đan và đề nghị tôi lãnh hàng về phân phối lại. Nhờ sự động viên của gia đình, các chị em trong ấp và sự ủng hộ của chính quyền xã, tôi mạnh dạn thành lập Tổ hợp đan lát, cuộc sống gia đình tôi và nhiều chị em đã qua hồi túng quẫn…”.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nguyệt trao Giấy khen cho chị Nguyễn Thị Hồng Sen.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nguyệt trao Giấy khen cho chị Nguyễn Thị Hồng Sen.

Năm 2013, sau khi được tập huấn về nguồn vốn của quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh, chị Hồng Sen đã tham gia, vì nhận thấy nguồn vốn trả gốc và lãi hàng tháng rất thuận tiện. Với số vốn vay 5 triệu đồng từ quỹ Mom, chị mượn thêm tiền của người thân để mua lục bình, lác và khung về cho các chị em trong ấp cùng đan.

Năm 2014, nhận thấy kho hàng của mình chật hẹp nên chị vay thêm 7 triệu đồng để mở rộng kho hàng. Nguồn hàng dồi dào giúp nhiều chị em lãnh thêm hàng về nhà làm. Năm 2015 chị Hồng Sen lại tiếp tục vay thêm 10 triệu đồng để phát triển nguồn hàng sang các xã lân cận.

Chị đã không ngại gian nan trong việc tìm mua nguyên liệu tận gốc, nơi cung cấp và ký hợp đồng trực tiếp với các công ty để bán sản phẩm. Không phải qua trung gian nên sản phẩm các chị em nhận về đan được trả tiền công cao hơn so với các cơ sở khác.

Mặt khác, để đảm bảo về chất lượng, uy tín sau khi sản phẩm hoàn thành, chị luôn kiểm tra kỹ lưỡng trước khi giao hàng. Nhờ vậy, các công ty rất yên tâm về chất lượng sản phẩm của chị giao. Để cơ sở hoạt động một cách hợp pháp, chị Hồng Sen đã xin giấy phép đăng ký kinh doanh, với tên gọi Tổ hợp Tiên Tiến và thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ với Nhà nước.

Điều đáng khen ở chị Hồng Sen chính là tinh thần vượt khó, nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh và đặc biệt là cái tâm vì phụ nữ. “Với chị, phụ nữ nếu chỉ tối ngày quanh quẩn bên bếp thì không thể nói đến chuyện bình đẳng ngay trong chính gia đình mình khi phải sống phụ thuộc. Phụ nữ nên tìm cho mình một công việc làm với thu nhập ổn định để vừa đảm bảo đời sống, vừa nâng cao vị thế của mình  trong gia đình” - chị Hồng Sen chia sẻ.

Hiện tại, cơ sở của chị Hồng Sen tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 20 phụ nữ trong và ngoài xã. Tất cả nhân công đều được chị mua bảo hiểm y tế hàng năm. Với vai trò Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Lương Phú B, chị bảo lãnh cho nhiều chị được vay vốn ưu đãi, giúp chị em có điều kiện tiếp cận nguồn vốn của quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển để cải thiện kinh tế gia đình.

Bước qua tuổi 60, chị Hồng Sen vẫn rất nhiệt tình và tâm huyết với công tác Hội Liên hiệp Phụ nữ, nhất là chăm lo cho phụ nữ nghèo. Với chị, còn sức khỏe thì còn làm việc và sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Với những gì đã làm vì mình và vì phụ nữ địa phương, chị Nguyễn Thị Hồng Sen là tấm gương tiêu biểu đưa hoạt động bình đẳng giới vào đời sống bằng việc làm thiết thực và hiệu quả.

MINH ANH

.
.
.