Thứ Hai, 14/11/2016, 10:40 (GMT+7)
.

Nhìn lại 15 năm thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là một phong trào thi đua rộng lớn, có tính chất bao trùm lên tất cả các nội dung của xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Qua 15 năm thực hiện, phong trào thực sự tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, phong trào đã được đông đảo nhân dân hưởng ứng tích cực, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy phát kinh tế, văn hóa -
xã hội tỉnh nhà.

Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “TDĐKXDĐSVH” giai đoạn 2000 - 2015 được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Ảnh: Hoài Thu
Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “TDĐKXDĐSVH” giai đoạn 2000 - 2015 được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Ảnh: Hoài Thu

Cụ thể, đến nay toàn tỉnh có 94,47% hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa (tăng 48,97% so với năm 1997); 94,92% ấp, khu phố văn hóa; 8/11 đơn vị cấp huyện đạt tỷ lệ 100% ấp, khu phố văn hóa (huyện Cái Bè, TX. Cai Lậy, huyện Châu Thành, TP. Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo, huyện Gò Công Tây, huyện Gò Công Đông và TX. Gò Công); 1.227/1.291 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, chiếm tỷ lệ trên 95% (năm 2000 đạt 64%); 358 cơ sở thờ tự, 314 con đường, 33 chợ, 11 công viên và 45,66% xã (phường, thị trấn) đạt chuẩn văn hóa (trong đó có 60 xã đạt chuẩn Văn hóa nông thôn mới; 19 phường, thị trấn đạt chuẩn Văn minh đô thị). Tháng 8-2015, TX. Gò Công ra mắt “Thị xã đạt chuẩn Văn minh đô thị” giai đoạn 2013 - 2015, đây là đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công mô hình này, đã được Bộ VH-TT&DL khen thưởng. Song song đó, TP. Mỹ Tho cũng đã phát động xây dựng “Thành phố đạt chuẩn Văn minh đô thị” giai đoạn 2016 - 2017.

Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm được các cấp, các ngành, các tổ chức thành viên tích cực thực hiện, giúp không ít hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Cụ thể, đã vận động Quỹ Vì người nghèo được 167,5 tỷ đồng, xây dựng 20.306 nhà đại đoàn kết, hỗ trợ vốn cho 506 hộ nghèo, trao hơn 30.000 suất học bổng cho học sinh, sinh viên  vượt khó học tốt và hỗ trợ người dân bị thiên tai hơn 50 tỷ đồng… Qua đó, đến cuối năm 2015, toàn tỉnh còn 4,98% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người 39,6 triệu đồng/năm.

Ý thức tự giác chấp hành pháp luật và ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông, giữ gìn trật tự, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị… của người dân được nâng lên rõ rệt, thực hiện tốt nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị. Không những vậy, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy. Việc cưới, việc tang và lễ hội cũng đã có sự tiến bộ đáng kể. Những hủ tục, tập quán lạc hậu từng bước được đẩy lùi… Toàn tỉnh hiện có 610 câu lạc bộ, tụ điểm, nhóm tập từng môn, đa môn, trong đó phát triển mạnh là các môn thể dục dưỡng sinh, võ thuật, bóng đá, cầu lông…, với 29,09% người tham gia luyện tập thể dục thường xuyên (so với năm 2010 tăng 6,35%) và có 20% hộ đạt tiêu chuẩn Gia đình thể thao. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, nâng cấp, với 95% ấp (khu phố) văn hóa có  điểm sinh hoạt văn hóa (24 xã có nhà văn hóa ấp, liên ấp) và 100% xã (phường, thị trấn) đạt chuẩn văn hóa có nhà văn hóa, phòng đọc sách, sân thể thao, đáp ứng khá tốt nhu cầu tập luyện và vui chơi giải trí của nhân dân.

Công tác xã hội hóa trên các lĩnh vực không ngừng được đẩy mạnh, nhất là trong việc huy động các nguồn lực xã hội xây dựng và đầu tư cho các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở; bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, các địa điểm thờ tự, tín ngưỡng...  Đặc biệt, từ phong trào TDĐKXDĐSVH đã xuất hiện nhiều gương điển hình như: Ông Trương Cao Thanh, xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông hiến 5.075 m2 đất, 140 triệu đồng để xây dựng trường học, trụ sở ấp, làm đường và xây dựng phòng đọc sách (với hơn 4.000 đầu sách) phục vụ nhân dân trong xã; ông Nguyễn Văn Hiền, xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy đã tự nguyện hiến 2000 m2 đất để xây dựng trường học; ông Lê Văn Liêm, xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây đóng góp trên 1 tỷ đồng để trùng tu các di tích lịch sử, văn hóa, đường giao thông nông thôn, xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho người nghèo; ông Lê Tấn Đức, thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành đứng ra thành lập Chi hội Chữ thập đỏ Ngọc Hiệp và vận động được trên 1,5 tỷ đồng để nấu 4.158 nồi cháo, 3.055 nồi sữa đậu nành và 14.680 phần cơm chay phát cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa huyện Châu Thành và nhiều việc làm từ thiện - xã hội khác... Qua phong trào, đã có trên 1.000 hộ được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa tiêu biểu, được UBND cấp huyện tặng Giấy khen; 728 GĐVH tiêu biểu xuất sắc được UBND tỉnh tặng Bằng khen và có 23 GĐVH được cử dự Hội nghị Biểu dương GĐVH tiêu biểu xuất sắc toàn quốc…

Được nhân dân hưởng ứng đóng góp tiền và ngày công lao động, nhiều tuyến giao thông nông thôn được nâng cấp khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Hoài Thu
Được nhân dân hưởng ứng đóng góp tiền và ngày công lao động, nhiều tuyến giao thông nông thôn được nâng cấp khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Hoài Thu

Có thể khẳng định, phong trào đã ảnh hưởng và tác động tích cực đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng và an ninh, tạo nền tảng để xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh…

Để phong trào tiếp tục phát triển, theo lãnh đạo Sở VH-TT&DL, thời gian tới cần thực hiện tốt một số giải pháp sau: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào, gắn nội dung của phong trào với các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương và lấy kết quả phong trào làm một trong những căn cứ để bình xét thi đua hàng năm đối với hoạt động của cấp ủy, chính quyền các cấp. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phát huy tinh thần tự giác, tự nguyện, tự quản trong mỗi người dân, gia đình và cộng đồng dân cư; thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa nhằm thu hút các nguồn lực trong xây dựng phong trào, khai thác có hiệu quả công năng các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa - thể thao. Chủ động, tích cực trong công tác phối hợp giữa Thường trực Ban Chỉ đạo với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các ngành, đoàn thể trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện phong trào. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo, đánh giá đúng tình hình của phong trào để có những biện pháp kịp thời trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Tập trung xây dựng các nhân tố điển hình để nhân rộng và thực hiện tốt công tác thi đua - khen thưởng.

THANH LAN

.
.
.