Thứ Hai, 16/01/2017, 20:16 (GMT+7)
.

Bảo vệ môi trường- khi người nông dân vào cuộc

Kể từ khi mô hình “Nông dân chung tay bảo vệ môi trường nông thôn” được triển khai thực hiện, bộ mặt nông thôn tại các điểm được chọn làm nơi thực hiện đã có nhiều thay đổi, ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường cũng được nâng lên.

Chúng tôi về xã Vĩnh Hựu (huyện Gò Công Tây) vào một ngày cuối năm, 2 bên con đường dẫn vào ấp An Ninh là những thảm lúa trải vàng trĩu hạt. Tuyến đường An Ninh 5 được chọn là nơi thực hiện mô hình “Nông dân chung tay bảo vệ môi trường nông thôn”. Với chiều dài 800 m, được bê tông hóa khang trang, dọc theo tuyến đường là 2 hàng hoa rực sắc tím trải dài cùng những hàng dừa thẳng tắp rợp bóng mát. Tuyến đường như khoác lên mình chiếc áo mới, tạo nên bộ mặt tươi sáng cho làng quê.

Tuyến đường “Nông dân chung tay bảo vệ môi trường nông thôn” tại ấp An Ninh (xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây).
Tuyến đường “Nông dân chung tay bảo vệ môi trường nông thôn” tại ấp An Ninh (xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây).

Ông Nguyễn Văn Khen, ấp An Ninh, xã Vĩnh Hựu (sinh sống trên tuyến đường này) phấn khởi cho biết: Mô hình “Nông dân chung tay bảo vệ môi trường nông thôn” đã tạo nên những đổi thay trên quê hương, con đường khang trang đầy sắc hoa đã được thực hiện. Bà con nơi đây rất đồng thuận với mô hình, từ đó nhận thức cũng thay đổi. Đoạn đường có vài chục hộ dân sinh sống, ai cũng tham gia dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc hoa trên đường. Ngoài ra, mỗi hộ đều lắp 1 bóng đèn để thắp sáng con đường. Tôi rất phấn khởi với những đổi thay của quê hương”.

Chúng tôi tiếp tục đến xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy), chuyến phà chiều đưa chúng tôi qua sông nơi được mệnh danh là “Vương quốc sầu riêng”. Tuyến huyện lộ 70 đoạn qua ấp Hòa An là nơi được triển khai thực hiện mô hình. Hai bên con đường là những bông hoa với sắc tím, vàng rực rỡ. Những trụ đèn cũng vừa là cột cờ, hàng rào được dựng lên đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn nơi đây. Ông Hồ Bá Thành, Chi hội trưởng ấp Hòa An, xã Ngũ Hiệp, cho biết: “Mô hình đã làm cho tình hình an ninh trật tự tại địa phương được đảm bảo. Môi trường thông thoáng, sạch đẹp đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt nông thôn, diện mạo con đường như khoác lên chiếc áo mới, sắc hoa đủ màu. Chúng tôi rất đỗi tự hào vì thành quả do mình làm nên. Mô hình đã làm chuyển biến trong nhận thức của người dân đối với môi trường, ý thức cộng đồng được tăng lên đối với các vấn đề xã hội, đặc biệt là rác thải sinh hoạt”.

Đến nay, qua hơn 6 tháng tổ chức thực hiện mô hình, trên toàn tỉnh đã có 455 hội viên nông dân (HVND) của 13 Chi hội Nông dân tham gia thực hiện tại 13 đoạn đường với tổng chiều dài 13,4 km. Ban Chỉ đạo mô hình đã vận động HVND có nhà ở trên đoạn đường đóng góp xây dựng và mắc 445 bóng đèn phòng, chống tội phạm; vận động 112 hộ xây dựng và cắt tỉa hàng rào cây xanh, 245 hộ tham gia trồng hoa, kiểng các loại trên các đoạn đường với tổng chiều dài 12,5 km tạo cảnh quan sạch đẹp. Song song với việc thực hiện mô hình, Ban Thường vụ Hội Nông dân (HND) tỉnh đã có văn bản hướng dẫn cho các HND cơ sở xây dựng mô hình về bảo vệ môi trường. Đến nay, có 154 Chi hội Nông dân với 4.657 HVND tham gia thực hiện, với nhiều loại hình phong phú như: “Tuyến kinh không lục bình”, “Thùng rác sinh thái”, “Mô hình đệm lót sinh học”…

Bà Nguyễn Thị Hồng Phượng, Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết tại buổi tổng kết: Mô hình “Nông dân chung tay bảo vệ môi trường nông thôn” đã được sự đồng thuận của người dân và chính quyền địa phương. Đây là mô hình có ý nghĩa rất lớn, thể hiện vai trò, trách nhiệm của HND trong công tác bảo vệ môi trường và nhất là tham gia xây dựng nông thôn mới. Bước đầu, mô hình đã mang lại kết quả tích cực, các cơ sở hội đều có mô hình bảo vệ môi trường với những nội dung, hình thức sáng tạo, thiết thực phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương. Mô hình đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo được sự chuyển biến ý thức trách nhiệm của lãnh đạo, các cấp và các HVND trong công tác bảo vệ môi trường, thay đổi được hành vi cụ thể trong cuộc sống hằng ngày của người dân.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Phượng, trong thời gian tới, HND tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường có kế hoạch cụ thể để tiếp tục duy trì và mở rộng mô hình. Hướng dẫn quy trình thực hiện mô hình, các nội dung tiêu chí để hội viên tham gia thực hiện, tài liệu, kinh phí thực hiện mô hình. Đồng thời, đề nghị HND các huyện, thành, thị trên cơ sở tổng kết mô hình đã triển khai thực hiện trong năm 2016, phối hợp chặt chẽ với ngành Tài nguyên - Môi trường để có kế hoạch, hướng dẫn, hỗ trợ kinh phí, tài liệu cho cơ sở thực hiện. Chỉ đạo cho các cơ sở xây dựng mô hình điểm của tỉnh trong năm 2016, duy trì các hoạt động và tạo thành nếp sinh hoạt thường xuyên của cán bộ, HVND trong việc tham gia bảo vệ môi trường nông thôn.

MINH THÀNH

.
.
.