Thứ Tư, 21/06/2017, 21:43 (GMT+7)
.

Đạo đức nhà báo- yếu tố tạo nên tác phẩm báo chí có giá trị

Đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi người làm báo (bên cạnh chuyên môn nghiệp vụ vững vàng) phải tuân thủ những chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp, mới có thể sáng tạo được những tác phẩm báo chí có giá trị nhân văn, đáp ứng yêu cầu của công chúng và phục vụ tốt sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6, chúng tôi có cuộc trao đổi với các đồng chí lãnh đạo báo, đài tỉnh nhà xung quanh vấn đề đạo đức người làm báo.

Tác nghiệp.
Các nhà báo đang tác nghiệp.

NHÀ BÁO NGUYỄN MINH TÂN, TỔNG BIÊN TẬP BÁO ẤP BẮC: Người làm báo phải chuẩn mực và trách nhiệm

Theo tôi, đạo đức người làm báo nói chung, người làm báo in nói riêng phải trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng; phải nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, Luật Báo chí và các quy định khác của pháp luật; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nội quy, quy chế của cơ quan báo chí nơi công tác. Người làm báo trong tác nghiệp phải trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi, bảo vệ công lý và lẽ phải, nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người, không xâm phạm đời tư làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân. Người làm báo phải chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác, bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật nguồn tin theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, người làm báo phải có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp, tích cực học tập nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, ngoại ngữ…

Muốn vậy, trước hết cơ quan báo chí phải quan tâm xây dựng đội ngũ người làm báo tinh thông về nghiệp vụ, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức người làm báo, không vì đồng tiền mà uốn cong ngòi bút; phải triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời triển khai thực hiện tốt Luật Báo chí, tôn chỉ, mục đích, nội quy, quy chế của cơ quan báo chí, đặc biệt là thực hiện nghiêm 10 Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Đối với người làm báo, phải không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, tích cực học tập nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, ngoại ngữ để tinh thông nghiệp vụ, đặc biệt là phải luôn rèn luyện, nâng cao đạo đức người làm báo. Người làm báo cần nghiên cứu kỹ và thực hiện tốt Luật Báo chí và 10 Quy định đạo đức nghề nghiệp, đó chính là cẩm nang đem đến thành công cho người làm báo.

NHÀ BÁO NGUYỄN SĨ HÙNG, GIÁM ĐỐC ĐÀI PT-TH TIỀN GIANG, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM TỈNH TIỀN GIANG: Thông tin phải chính xác, trung thực

Trong bối cảnh báo chí hội nhập, khi mà các nguồn thông tin dày đặc trên các trang điện tử, báo mạng như hiện nay, bên cạnh những thông tin chính xác, phù hợp để độc giả, khán thính giả nghe, xem, thì có không ít thông tin bị bóp méo sự thật, đưa tin thiếu chính xác…, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Chính vì thế, để thể hiện tốt đạo đức nghề nghiệp trong bối cảnh hiện nay, nhất là lĩnh vực phát thanh và truyền hình, theo tôi cần:

Thông tin phải chính xác, trung thực. Muốn làm được điều đó, đòi hỏi người làm báo phải đi đến thực tế hiện trường, không được ngồi ở nhà, hoặc nghe ngóng tin tức từ trung gian, khi đó thông tin dễ bị bóp méo, không đúng sự thật. Nếu 1 tác phẩm phát thanh, truyền hình thiếu chính xác, chạy theo những nhu cầu rẻ tiền, đưa tin giật gân, câu khách sẽ để lại những hậu quả khôn lường, không dễ khắc phục, mất niềm tin với khán, thính giả. Người làm báo phải nhìn nhận vấn đề muốn đề cập tới bằng cái nhìn khách quan, không dùng quan điểm cá nhân để áp đặt vấn đề theo chiều hướng tiêu cực hay tô hồng vấn đề quá giới hạn sẽ dẫn đến phản tác dụng, tuyên truyền không đúng chủ điểm quan tâm, đôi khi còn tạo ra những suy nghĩ trái chiều trong dư luận. Phải biết tự kiểm điểm bản thân, suy ngẫm lại từng câu chữ, bài viết và cách tuyên truyền của mình có đúng, đủ và thật sự cần thiết hay chưa để điều chỉnh kịp thời, phù hợp…, làm sao mỗi một tác phẩm đưa ra đáp ứng được nhu cầu tuyên truyền đến với mọi tầng lớp nhân dân..

Nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, mạnh dạn phê phán cái xấu, cái tiêu cực, đi ngược lại chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mỗi nhà báo phải cân nhắc nhiều hơn khi viết, để làm sao nội dung mỗi tác phẩm giúp cho xã hội nhận thức đúng bản chất sự việc, giúp người xem, người nghe có thái độ tích cực. Nhà báo phải kiên quyết phản bác lại những hành động và luận điệu sai trái một cách kiên quyết, mạnh mẽ, kịp thời, có sức thuyết phục cao.

Nhà báo không thể dễ dãi, tùy tiện khi viết, kể cả khi phản ánh những vấn đề tiêu cực dù lớn hay nhỏ, phản ánh để đối tượng khắc phục chứ không phản ánh để “hạ bệ” nhau. Phản ánh với mức độ vừa phải để bạn nghe, bạn xem đài chủ động hơn, cùng nhau vào cuộc đấu tranh đến cùng, góp phần đẩy lùi những tiêu cực, hạn chế phản ánh gây mất niềm tin, “giết chết” đối tượng bị phản ánh…

Muốn làm được điều đó, tôi nghĩ các thế hệ nhà báo nói chung, ở lĩnh vực báo hình, báo nói phải không ngừng học tập, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao khả năng hiểu biết, khả năng nhìn nhận vấn đề muốn đề cập tới. Khi tác nghiệp đến cơ sở phải gương mẫu, hòa nhã, gần dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của từng đối tượng được tiếp cận để phản ánh đúng nội dung muốn đề cập tới. Nhà báo không cho phép mình đứng trên pháp luật, đứng cao hơn mọi người để phán xét và nhà báo cần phải biết mình viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào để không làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân, của đất nước.

ÁNH NGUYỆT (thực hiện)

.
.
.