Thứ Tư, 26/07/2017, 14:34 (GMT+7)
.

"Đền ơn đáp nghĩa" là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên...

Trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đối với những người dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình, Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn… Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương cần xây dựng vườn hoa và bia tưởng niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn ổn định, quyết không để họ bị đói rét”. Thực hiện di nguyện của Bác, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn nỗ lực cùng với cộng đồng xã hội quan tâm chăm lo để đảm bảo đời sống các gia đình chính sách không ngừng được nâng lên.

Ông Trần Thanh Đức, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và người có công trước khi lên đường thăm Lăng Bác.
Ông Trần Thanh Đức, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và người có công trước khi lên đường thăm Lăng Bác.

“Đền ơn đáp nghĩa, ưu đãi người có công” là một chính sách lớn, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Chế độ, chính sách đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công từng bước được đổi mới và hoàn thiện, nhằm không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các đối tượng chính sách. Công tác “Đền ơn đáp nghĩa” được quán triệt là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, trước mắt và lâu dài của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể.

Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, trong thời gian qua, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu và đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân, tạo động lực cho sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác “Đền ơn đáp nghĩa” được thực hiện chu đáo, từ việc chăm sóc đối tượng đang sống cho đến lúc qua đời.

Toàn tỉnh hiện có trên 120.000 đối tượng chính sách, trong đó có 11.625 thương binh, 2.194 người tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày, 1.875 người hưởng trợ cấp do nhiễm chất độc hóa học, 2.271 bệnh binh, 66 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 13.659 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, 35.382 liệt sĩ, 5.820 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (trong đó 421 mẹ còn sống).

Tỉnh đã giải quyết trợ cấp cho người dân có công giúp đỡ cách mạng hưởng trợ cấp 1 lần 21.502 hồ sơ; trợ cấp ưu đãi hằng tháng cho 22.386 người có công; trợ cấp 7.553 hồ sơ theo Quyết định 290/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước; trợ cấp 1 lần cho 466 trường hợp theo Nghị định 23/1999/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ đối với quân nhân, cán bộ đi chiến trường B, C, K trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước không có thân nhân trực tiếp nuôi dưỡng và quân nhân, cán bộ được Đảng cử ở lại miền Nam hoạt động sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 và nhiều đối tượng có công khác...

Việc chăm sóc nơi yên nghỉ của các Anh hùng liệt sĩ luôn được quan tâm nâng cấp. Tiền Giang có 1 nghĩa trang liệt sĩ cấp tỉnh, 5 nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện và 14 nghĩa trang liệt sĩ cấp xã. Các nghĩa trang liệt sĩ được tôn tạo, nâng cấp ngày càng khang trang.

Đối với các gia đình thương binh, bệnh binh nặng có tỷ lệ mất sức lao động do thương tật và bệnh tật từ 81% trở lên đều được cấp ủy, chính quyền và nhân dân chăm lo về nhà ở, hỗ trợ vốn làm ăn, trang cấp phương tiện trợ giúp và dụng cụ chỉnh hình, hằng năm vào dịp lễ, tết đều được thăm hỏi, động viên, tặng quà, cuộc sống cơ bản ổn định. 

Ngoài việc đảm bảo chi trả trợ cấp thường xuyên cho người có công, nhiều chính sách hỗ trợ khác cũng được tỉnh thực hiện chu đáo. 100% người có công được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định; được hưởng chế độ ưu đãi về giáo dục, hỗ trợ nước sạch và điện thắp sáng; tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm… Bên cạnh đó, đối tượng chính sách, người có công còn được sự đồng tâm hợp lực hỗ trợ, giúp đỡ của cả cộng đồng. Hằng năm, tỉnh vận động trên 10 tỷ đồng đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa để xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và cha mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, thương binh nặng, đỡ đầu con thương binh, liệt sĩ vượt khó học tập… Hiện tại, có khoảng 98% gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh có mức sống ngang bằng và cao hơn mức sống trung bình của dân cư cùng địa bàn cư trú.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện vẫn còn một bộ phận người có công đang gặp khó khăn trong cuộc sống, nhất là ở vùng nông thôn. Công tác tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công có lúc, có nơi còn hạn chế, chưa kịp thời. Đến nay vẫn còn nhiều Anh hùng liệt sĩ chưa tìm được hài cốt (hơn 4.000 trường hợp) và chưa xác định được danh tính (7.271 trường hợp)…

Để thực hiện tốt hơn nữa các chế độ, chính sách chăm lo đối với thương binh, liệt sĩ và người có công, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành và vận động toàn xã hội thực hiện nhiều giải pháp, việc làm cụ thể trong thời gian tới. Trước hết, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc; qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội trong triển khai thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công.

Tiếp tục phát động sâu rộng hơn nữa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, tạo điều kiện thuận lợi để gia đình người có công phát huy ý chí tự lực tự cường, cải thiện đời sống và tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước. Cùng với vai trò chủ đạo của Nhà nước, cần xã hội hóa sâu rộng các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, khuyến khích cộng đồng tích cực tham gia chăm sóc, giúp đỡ các đối tượng người có công bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi người có công phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ để mọi chế độ, chính sách đối với người có công được thực hiện đầy đủ và kịp thời. Tiếp tục giải quyết những vướng mắc, tồn đọng sau chiến tranh. Quan tâm tu bổ, tôn tạo mộ, nghĩa trang liệt sĩ và công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ.

Đề cao trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, phát huy vai trò của các đoàn thể và cộng đồng trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách người có công, qua đó chấn chỉnh những sai sót, xử lý vi phạm; đồng thời kịp thời động viên, khen thưởng những đơn vị, cá nhân làm tốt nhiệm vụ quan trọng này.

TRẦN THANH ĐỨC

(Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh)

.
.
.