Thứ Hai, 24/07/2017, 06:44 (GMT+7)
.

Sức lan tỏa của truyền thống, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"

Để đổi lấy tự do, hòa bình, độc lập, hàng vạn người con ưu tú của dân tộc ta đã không tiếc máu xương, hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước... Họ ngã xuống trên chiến trường, hoặc khi trở về mang trên mình thương tật suốt đời. Hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những bậc ông bà, cha mẹ, những người chồng, người vợ và những người con đã mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu nhất của mình.
 
Phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, những năm qua, công tác chăm lo cho gia đình chính sách và người có công ở tỉnh đã đạt được những kết quả to lớn. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu và đã trở thành nghĩa cử cao đẹp trong đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân, được thực hiện chu đáo từ việc chăm sóc cho người đang sống, đến nơi an nghỉ cho người nằm xuống. Hiện toàn tỉnh có 1 nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) cấp tỉnh, 6 NTLS cấp huyện và 14 NTLS cấp xã. Công tác cải tạo và nâng cấp các NTLS ngày càng khang trang, sạch - đẹp. Ngoài hơn 4.000 liệt sĩ chưa tìm được mộ, toàn tỉnh hiện chăm sóc hơn 34.000 mộ liệt sĩ.
Ông Lê Văn Hưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiễn Đoàn Người có công tham quan Thủ đô Hà Nội.
Ông Lê Văn Hưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiễn Đoàn Người có công tham quan Thủ đô Hà Nội.
Ông Võ Văn Nhi, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, đối với gia đình thương binh, bệnh binh nặng có tỷ lệ mất sức lao động do thương tật và bệnh tật từ 81% trở lên đều được cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và nhân dân chăm lo nhà ở, hỗ trợ vốn làm ăn, trợ cấp phương tiện trợ giúp và dụng cụ chỉnh hình; hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7)...  được thăm hỏi, động viên, tặng quà nên cuộc sống đã cơ bản ổn định. 
 
Ngoài việc đảm bảo chi trả trợ cấp thường xuyên cho gia đình chính sách và người có công, nhiều chính sách hỗ trợ khác cũng được tỉnh thực hiện tốt. Ngân sách đầu tư mua bảo hiểm y tế cho 100% người có công theo quy định; thực hiện chế độ ưu đãi giáo dục, vốn, việc làm đối với con em các gia đình chính sách; mua bảo hiểm y tế cho con liệt sĩ… Đặc biệt, công tác chăm lo cho đối tượng chính sách đã được sự đồng tâm, hợp lực của cộng đồng. Hằng năm, tỉnh vận động được trên 10 tỷ đồng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa để xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; tặng “Sổ tiết kiệm tình nghĩa”; phụng dưỡng cha, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, thương binh nặng; đỡ đầu con thương binh, liệt sĩ... Tiếp tục thực hiện Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26-4-2013 hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở giai đoạn II với số lượng tạm ứng còn lại 4.235 căn (trong đó xây mới 1.983 căn, sửa chữa 2.252 căn), tổng kinh phí thực hiện 124,36 tỷ đồng.

 

aaaaaaaaaaaaa
Thắp nến, hương tri ân các liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ Tiền Giang nhân ngày 27/7. Ảnh: DS
Các hoạt động chăm sóc khác đối với đối tượng chính sách cũng được tỉnh quan tâm thực hiện như: Xây dựng mô hình VAC cho hộ chính sách; hỗ trợ nước sạch và điện thắp sáng; tạo điều kiện để gia đình chính sách tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình, ổn định và nâng cao mức sống… Hiện có gần 98% gia đình chính sách có mức sống ngang bằng và cao hơn mức sống trung bình của dân cư cùng địa bàn cư trú...
 
Sự cho đi vì nền độc lập, tự do cho dân tộc không ai đòi hỏi sự đáp đền. Và sự đáp đền mà chúng ta đã và đang thực hiện cũng không thể sánh bằng sự mất mát, hy sinh cao cả của các Anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh... Trên tất cả là sự lan tỏa của đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” ngàn đời của dân tộc ta.
 
HẠNH NGA
.
.
.