Thứ Năm, 28/06/2018, 15:03 (GMT+7)
.

Nỗ lực, đoạn tuyệt để làm lại cuộc đời

Nhằm giúp những người nghiện cắt cơn nghiện, trở về với cuộc sống đời thường, đội ngũ cán bộ, nhân viên Cơ sở cai nghiện ma túy (gọi tắt là Cơ sở) của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã và đang nỗ lực ngày đêm giúp học viên (HV) đoạn tuyệt với “cái chết trắng” - ma túy hay còn gọi là “nàng tiên nâu”.

HV tham gia lao động sản xuất.
HV tham gia lao động sản xuất.

MỘT NGÀY VỚI HV CAI NGHIỆN

Cơ sở nằm giữa màu xanh của những rừng tràm, đồng rau xanh mướt của xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành. Dẫn chúng tôi đi một vòng xuống các dãy phòng là nơi ăn, chốn ở của các HV.

Giám đốc Cơ sở Nguyễn Văn Bé Ba cho biết, sau khi được tiếp nhận vào đây, người nghiện ma túy được cắt cơn, giải độc, được chăm sóc sức khỏe và hằng ngày tham gia lao động trị liệu. Một ngày của HV bắt đầu từ lúc 6 giờ và kết thúc lúc 21 giờ. Các hoạt động diễn ra liên tục, khép kín.

Một trong những hoạt động nổi bật trong quá trình cai nghiện tại Cơ sở là lao động trị liệu được tổ chức khoa học, bài bản. Sau khi ăn sáng, các HV được phân công tham gia lao động sản xuất hoặc học nghề, gia công hàng thủ công mỹ nghệ…

Đối diện với dãy nhà chính của Cơ sở là những cánh đồng trồng lúa, rau màu xanh mơn mởn do các HV chăm sóc hằng ngày. Màu xanh của những liếp rau muống, bí đỏ, ớt… ở đây như sự gửi gắm niềm tin và hy vọng của những HV đang cố gắng đoạn tuyệt với “nàng tiên nâu” mà họ đã trót vướng vào.

Giám đốc Cơ sở nhận xét: “Các HV sau khi được cắt cơn tâm lý đã ổn định, sức khỏe phục hồi và tham gia lao động rất nhiệt tình. Ngoài mục đích đảm bảo cung cấp thêm rau xanh cho các bữa ăn hằng ngày, việc tổ chức lao động sản xuất góp phần giúp HV quên đi cơn nghiện ma túy. Ngoài sản xuất nông nghiệp, HV còn được học nghề sửa xe gắn máy...”.

Một trong những điểm mới trong hoạt động trị liệu được Ban Giám đốc Cơ sở đã và đang thực hiện là dạy cho HV làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Nguyên liệu sản xuất được cán bộ cơ sở mua, giao HV làm và bày bán cho thân nhân HV khi đến thăm vào 2 ngày trong tuần.

Nhằm tạo điều kiện cho HV có thêm thu nhập và có tay nghề sau khi về nhà, Cơ sở không thu một khoản phí nào. Hiện mô hình này có 20 HV tham gia, sản phẩm được bày bán trong tủ bán hàng lưu niệm tại Phòng Thăm hỏi của Cơ sở và được thân nhân HV ủng hộ khá nhiều.

Ngoài lao động trị liệu, các HV còn được tham gia các hoạt động vui chơi giải trí như đá bóng, đánh bóng chuyền, đá cầu, xem ti vi và các hoạt động sinh hoạt tập thể do cán bộ Cơ sở tổ chức định kỳ hằng tuần.

 ĐOẠN TUYỆT VỚI “NÀNG TIÊN NÂU”

Cơ sở đang quản lý 650 HV, đa số là cai nghiện bắt buộc, chỉ có 20 HV cai nghiện tự nguyện. Với xu hướng số lượng người nghiện ma túy tổng hợp ngày càng tăng nên hầu hết HV khi mới vào Cơ sở có biểu hiện tâm lý không ổn định, không làm chủ được hành vi, gây khó khăn rất nhiều cho cán bộ, nhân viên Cơ sở trong tiếp nhận cũng như tổ chức các hoạt động cắt cơn, điều trị, tổ chức sinh hoạt, học tập, lao động trị liệu…

Mặc dù vậy, cán bộ, nhân viên Cơ sở luôn nỗ lực hết mình, tăng cường công tác quản lý, đảm bảo việc tiếp nhận, quản lý đối tượng theo đúng quy trình, duy trì nghiêm kỷ luật, kỷ cương, đảm bảo trực ban 24/24 giờ.

Y sĩ Nguyễn Thị Tuyết có hơn chục năm công tác ở Cơ sở trao đổi: “Sau thời gian cắt cơn nghiện từ 15 - 20 ngày, HV sẽ ổn định về mặt tâm lý, phục hồi sức khỏe, tham gia lao động bình thường.

Tuy nhiên, tỷ lệ tái nghiện sau khi cai nghiện là không ít, vì một bộ phận người nghiện sau khi trở về cộng đồng đã không làm chủ được bản thân, tiếp tục bị bạn bè xấu rủ rê sử dụng ma túy trở lại...”.

Gặp HV L.Q.D (49 tuổi, ngụ TP. Mỹ Tho) - là HV lớn tuổi nhất tại Cơ sở sau giờ lao động buổi sáng, gương mặt vẫn còn lấm tấm mồ hôi, anh D. cho biết: “Tham gia lao động mới thấy bản thân mình có ích và sức khỏe sớm hồi phục.

Đây là lần thứ 3 tôi vào đây (lần đầu tiên vào năm 2011, lần 2 vào năm 2013 và lần này vào đã được 10 tháng). Cai nghiện khó lắm. Khó là bởi vì sự cám dỗ bên ngoài quá lớn, trong khi bản thân mình không tự chủ, nghề nghiệp không ổn định...”.

HV H.N.T (31 tuổi, ngụ TP. Mỹ Tho) vào đây cai nghiện được 7 tháng, cho rằng: “Cắt cơn nghiện không khó, nhưng cái khó là sợ sẽ bị tái nghiện, do sau khi quay về nhà bị cộng đồng kỳ thị, không tìm được việc làm và bị bạn bè rủ rê sử dụng ma túy trở lại”.

HV N.Q.T.B (17 tuổi, ngụ huyện Chợ Gạo) là HV trẻ tuổi nhất, vào Cơ sở đã được 6 tháng. Lý do B. nghiện ma túy là do bạn bè rủ “thử một lần cho biết” trong lần đi chơi sau khi nghỉ học. B. mong sớm hết thời gian cai nghiện để về nhà đi làm kiếm tiền phụ mẹ nuôi em.

Các HV chuẩn bị khẩu phần ăn trưa.
Các HV chuẩn bị khẩu phần ăn trưa.

Theo đánh giá của những cán bộ tại Cơ sở, vòng luẩn quẩn nghiện - cai nghiện - tái nghiện đang là “bài toán khó” đối với bản thân người nghiện và cả những cán bộ, nhân viên của Cơ sở. HV vượt qua những ngày tháng cai nghiện tại Cơ sở chỉ là qua “cửa ải” thứ nhất.

“Cửa ải” thứ hai là vượt qua chính mình. Vượt qua mặc cảm do bị xã hội kỳ thị mới thực sự là “cửa ải” khó vượt qua hơn cả. “Trăn trở của chúng tôi hiện nay là làm sao công tác cai nghiện ma túy có tính bền vững. Trong đó, học nghề, giải quyết việc làm được coi là giải pháp căn bản để HV tái hòa nhập cộng đồng thành công” - Giám đốc Cơ sở cho biết thêm.

Từ thực tế này, Cơ sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, doanh nghiệp liên quan để triển khai tốt công tác dạy nghề trị liệu và giải quyết việc làm cho đối tượng cai nghiện.

Về giải pháp để công tác cai nghiện ma túy ngày càng hiệu quả hơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phạm Minh Trí trao đổi: “Từ thực tế số người đưa vào Cơ sở hiện vượt quá khả năng quản lý của Cơ sở, nên việc tổ chức ăn, ở, sinh hoạt, cắt cơn cai nghiện cho HV… gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù ngành LĐ-TB&XH và các cán bộ, nhân viên Cơ sở đã có nhiều cố gắng, nỗ lực khắc phục trong thời gian qua. Kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục đầu tư nâng cấp, xây dựng và mở rộng khu nhà ở, sân vận động của HV, từng bước hoàn thiện về cơ sở vật chất nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, điều trị người nghiện có xu hướng ngày một gia tăng".

PHÙNG LONG

.
.
.