Thứ Ba, 24/07/2018, 22:32 (GMT+7)
.

Chuyện "vua lúa giống" một thời: Ông hai Chung

Đến ấp Lương Phú B, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo hỏi nhà ông Hai Chung bán lúa giống không ai không biết. Tên đầy đủ của ông là Võ Văn Chung, ngoài ra ông còn nhiều tên gọi thân thương khác được người dân khắp vùng thời ấy đặt cho như: “Vua giống”, “ông Thần Nông”...

Ông Hai Chung bên đàn heo của mình.
Ông Hai Chung bên đàn heo của mình.

Với thân hình vạm vỡ, tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, tiếng nói cười sang sảng và trí nhớ minh mẫn, nên khi tiếp xúc, trò chuyện, ít người nghĩ ông nay đã ở tuổi 88.

Uống ngụm nước trà, lật từng trang sổ lưu niệm nay đã phai màu theo thời gian, xem lại từng dòng ghi chép, lão nông Hai Chung bắt đầu kể lại câu chuyện những năm 80 của thế kỷ XX.

Đó có thể được xem là những năm thử thách cam go của nền nông nghiệp không chỉ ở tỉnh Tiền Giang, mà là của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long  (BĐSCL) trước nạn “giặc” sâu, rầy. Khi đó, cùng một giống lúa, nhưng cánh đồng 3,2 ha của ông luôn cho năng suất vượt trội.

Do vậy, ông được Trường Đại học Cần Thơ mời đến để chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của nông dân trong việc đồng áng cho sinh viên.

Sau dịp đó, ông nghe có giống lúa mới kháng rầy (IR36) của Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) mang về từ Philippines, liền lặn lội đến Trường Đại học Cần Thơ để xin thì đã hết do đã phân bổ cho các tỉnh ĐBSCL để trồng thử nghiệm, nhưng không còn giữ được sau trận lụt lớn.

Thấy ông Hai Chung thành tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ lúc bấy giờ là GS.TS. Võ Tòng Xuân tặng ông 7 hạt lúa giống, ông cẩn thận gói kỹ mang về trồng.

Ông nói với mọi người: “Đối với nông dân như tôi, được cho 7 hạt giống tốt là quý hơn cho 7 hột xoàn”. Sau này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đổi tên thành giống Nông nghiệp 3A.

Với những thành tích trong trồng lúa,  ông Hai Chung đã được Nhà nước cử đi dự Hội nghị những người trồng lúa tiêu biểu trên thế giới được tổ chức tại Philippines năm 1985. Đích thân Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos đã nghe ông báo cáo thành tích trồng lúa và tặng thưởng bằng danh dự cho ông.
 

Từ 7 hạt lúa ấy, ông Hai Chung đã nhân giống theo cấp số nhân. Trong thời gian ngắn, lúa IR36 đã phủ kín diện tích 3,2 ha ruộng của ông.

Nông dân khắp các tỉnh lân cận kéo về Tiền Giang tìm nhà ông Hai Chung mua lúa giống và nhờ ông hướng dẫn kỹ thuật trồng.

Bất kể giàu hay nghèo, ông Hai Chung đều tặng cho mỗi người 1 giạ (1 giạ bằng 20 kg) lúa giống. Lúc ấy, mỗi giạ lúa tương đương 1 chỉ vàng.

Trong vòng 3 năm (1977 - 1979), ông Hai Chung đã cho trên 60 tấn lúa giống kháng rầy, giúp vùng đồng bằng Nam bộ thoát khỏi cảnh khủng hoảng lương thực.

Trong một lần cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, lúc ấy là Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nói với ông: “Trồng trọt thì phải chăn nuôi chứ!”. Thế là cố Thủ tướng gửi tặng cho 2 con heo nái giống của Pháp, ông đã nuôi và nhân giống đến nay.

Trong 5 ha đất hiện nay, ông Hai Chung dành 1,2 ha làm chuồng trại nuôi 30 con heo nọc để lấy tinh phối giống, 200 con heo nái, từ 800 - 1.000 con heo con và heo thịt. Với số lượng heo ấy, bình quân mỗi năm ông xuất chuồng 4 lần, thu trên 4 tỷ đồng.

Những năm qua, đàn heo của ông không một lần bị nhiễm bệnh lở mồm long móng hay bệnh tai xanh. Chính vì vậy mà trang trại của ông được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng thưởng “Trang trại Vàng”.

Ngoài trang trại heo, ông Hai Chung còn trồng 800 - 1.000 gốc bưởi da xanh, hàng trăm gốc cam dây, dừa thu được hơn 500 triệu đồng/năm. Lão nông này còn nuôi cá tai tượng trên 3.000 m2 mặt nước thu về hơn 150 triệu đồng/năm.

Như vậy, với 5 ha đất, mỗi năm ông Hai Chung thu về được hơn 4,6 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, ông lãi hơn 1 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 5 - 15 lao động, với mức lương 6 triệu đồng/tháng.

Ngoài việc nuôi trồng, ông Hai Chung còn tham gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ông đã vận động bà con hiến đất làm tuyến đường nối từ ấp An Lạc A qua ấp Lương Phú B (xã Lương Hòa Lạc) dài hơn 500 m, ngang 3 m.

Ông còn hiến 0,2 ha đất và góp hơn 200 triệu đồng xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, ông còn tặng hàng trăm triệu đồng để xây cầu, nhà và giúp đỡ các hộ khó khăn trên địa bàn huyện.

Uống thêm ngụm nước trà, ông Hai Chung bày tỏ: “Mong muốn bây giờ của tôi là có thật nhiều sức khỏe để góp sức vào phát triển ngành Nông nghiệp tỉnh nhà, giúp đỡ nông dân cây giống, con giống. Hy vọng, nông dân nào cũng giàu là tôi mừng rồi”.

VĂN THẢO

.
.
.