Thứ Bảy, 01/12/2018, 09:43 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Nỗ lực khắc phục tình trạng sạt lở

Nỗ lực phòng, chống cũng như khắc phục các điểm sạt lở; đồng thời, hạn chế tác hại ở các khu vực có khả năng sạt lở trên các sông, kinh, rạch và các tuyến đê trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành, địa phương triển khai quyết liệt.

Sạt lở ngày càng diễn biến phức tạp.
Sạt lở ngày càng diễn biến phức tạp.

Tiền Giang là tỉnh có nhiều hệ thống kinh, rạch và chịu tác động của thiên tai. Do đó, những năm qua, tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp và ngày càng nghiêm trọng.

Để chủ động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh cũng như khắc phục sạt lở, giảm bớt tác động đến sản xuất và đời sống của người dân, ngày 29-1-2018, UBND tỉnh ban hành Công văn 352 về việc hướng dẫn quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, công tác dự báo, cảnh báo, thông tin về thiên tai được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thường xuyên chuyển tải đến các sở, ngành, địa phương và người dân biết để chủ động ứng phó, đảm bảo sản xuất.

Đặc biệt trong thời gian gần đây, tình hình sạt lở diễn biến rất phức tạp, nhất là ở các huyện phía Tây của tỉnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, đi lại và sinh hoạt của người dân.

Trước tình hình này, thời gian qua cũng như trong năm 2018, UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp các địa phương khảo sát và đề xuất chủ trương xử lý 99 điểm sạt lở, với chiều dài 23.648 m, với kinh phí xử lý hơn 82 tỷ đồng.

Trong đó, tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các huyện, thị xử lý 21 điểm sạt lở có quy mô lớn, với mức độ sạt lở nguy hiểm vượt quá khả năng xử lý của huyện, với kinh phí hơn 56 tỷ đồng; các điểm sạt lở còn lại, địa phương chủ động sử dụng nguồn ngân sách dự phòng cấp huyện để tiến hành xử lý.

Theo thống kê đến thời điểm hiện nay, các địa phương đang xử lý 97 điểm sạt lở, còn lại 2 điểm sạt lở trên địa bàn huyện Châu Thành đang lập hồ sơ chuẩn bị thi công.

Bảo vệ vùng chuyên canh

Trong thời gian qua, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị, thành triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ diện tích tại các vùng chuyên canh; thực hiện gia cố, nâng cấp các cống, bọng xuống cấp, các tuyến đê bao thấp, hở, chưa khép kín…

Kết quả, các huyện, thị đã triển khai thực hiện gia cố, nâng cấp 73 tuyến đê bao, với chiều dài 147,8 km, với kinh phí hơn 26 tỷ đồng; đắp xong 133 đập; sửa chữa, gia cố xong 119 cống để ngăn lũ và triều cường; thi công nạo vét, duy tu, sửa chữa 612 công trình, với chiều dài 609,7 km…

Bên cạnh đó, từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ theo Quyết định 795 ngày 29-6-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ vốn từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018 cho các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển, UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp các địa phương thực hiện xử lý 4 công trình gồm: Xử lý sạt lở trên sông Tiền tại cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy)); xử lý sạt lở bờ Tây sông Ba Rài (TX. Cai Lậy), đoạn từ cầu Cai Lậy trên Quốc lộ 1 đến UBND xã Tân Bình; xử lý sạt lở bờ sông Tiền khu vực cù lao Tân Long (TP. Mỹ Tho) và xử lý sạt lở khu vực Cồn Cống (xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông).

Riêng tình trạng sạt lở tại ấp Cầu Muống  (xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông), UBND tỉnh đã cho chủ trương lập dự án di dời khẩn cấp 47 hộ dân bị ảnh hưởng trong khu vực sạt lở.

Trong khi chờ Trung ương duyệt dự án, UBND tỉnh đã có chủ trương cho xử lý bằng giải pháp kè mềm, với chiều dài 1.500 m từ Khu du lịch Vạn Bình An đến Ban Quản lý Cồn Bãi, với kinh phí hơn 14 tỷ đồng. Hiện nay, UBND huyện Gò Công Đông đang lập Báo cáo Dự toán - Thiết kế bản vẽ thi công.

Nhìn nhận từ thực tiễn cho thấy, tình hình sạt lở trên các tuyến sông, kinh, rạch, nhất là ở các huyện phía Tây của tỉnh ngày càng phức tạp, với mức độ nguy hiểm hơn. Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Mẫn cho biết, Tiền Giang là tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, nằm trong khu vực Đồng Tháp Mười.

Theo quy hoạch kiểm soát lũ, Tiền Giang có các trục thoát lũ từ khu vực Đồng Tháp Mười chảy ra sông Tiền (các tuyến thoát lũ chảy qua địa bàn các huyện phía Tây của tỉnh).

Mặt khác, là tỉnh giáp Biển Đông chịu ảnh hưởng mạnh của chế độ bán nhật triều và có biên độ triều rất lớn. Từ đó, tình trạng sạt lở bờ sông, kinh, rạch đang có xu hướng ngày càng gia tăng về số lượng, quy mô và cả về tốc độ.

Sạt lở thường xảy ra dọc các trục kinh, rạch là các tuyến giao thông thủy chính; các tuyến sông, kinh, rạch là trục thoát lũ, có mật độ tàu thuyền lưu thông lớn.

Theo số liệu thống kê từ năm 2010 - 2017, trên địa bàn tỉnh đã tiến hành xử lý 545 điểm sạt lở bờ sông, kinh, với tổng chiều dài 26.135 m, kinh phí xử lý 154 tỷ đồng. Từ đầu năm 2018 đến nay,  trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 97 điểm sạt lở.

Như vậy, quy mô, mức độ sạt lở hiện nay lớn hơn và đang có xu hướng gia tăng, không chỉ xảy ra trên kinh trục chính, mà còn cả kinh cấp 2, cấp 3 làm ảnh hưởng đến nhà ở của người dân. Sạt lở còn làm mất đường giao thông, đê bao, tiềm ẩn nguy cơ vỡ đê gây ngập úng đối với các tuyến dân cư, vườn cây ăn trái ở các huyện phía Tây là rất lớn.

Theo ngành Nông nghiệp, việc khắc phục sạt lở nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân trong những năm qua trên địa bàn các huyện phía Tây được áp dụng thông qua nhiều giải pháp: Xử lý bằng bê tông cốt thép tường đứng; xử lý bằng bê tông cốt thép kết hợp với tấm dal chắn đất và giải pháp xử lý tạm thời bằng các vật liệu địa phương sẵn có như cừ tràm, bạch đàn, lưới B40 và bao đất (kinh phí khoảng 5 -7 triệu đồng/m dài) được địa phương áp dụng nhiều.

Bên cạnh đó, mô hình kè giữ lục bình, trồng cây để phòng, chống sạt lở trên địa bàn các huyện, thị phía Tây được triển khai tại những vị trí kinh, rạch có độ dốc thấp, ghe tàu lưu thông nhiều gây sạt lở mặt và không có dòng chảy ngầm…

A.P

.
.
.