Chủ Nhật, 27/01/2019, 06:42 (GMT+7)
.

­­Những nghĩa cử hướng về cộng đồng

Những năm qua, phong trào thi đua yêu nước được các ngành, các cấp phát động sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, qua đó đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến.

* CHÚ PHAN VĂN ĐÔNG: 93 lần hiến máu tình nguyện

Tốt nghiệp Trung cấp Dược vào năm 1981, chú Phan Văn Đông về công tác tại Ban Y tế - Thể dục thể thao của huyện Cai Lậy.

Sau đó, chú được phân công về công tác tại Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Cai Lậy và đến năm 1997 giữ chức Chủ tịch Hội CTĐ huyện. Từ khi thành lập TX. Cai Lậy đến nay, chú Đông làm Chủ tịch Hội CTĐ TX. Cai Lậy.

Nhớ về lần hiến máu đầu tiên, chú Đông kể: Dù đã được tuyên truyền về những mặt tích cực, lợi ích cũng như những điều chú ý trong hiến máu, nhưng chú vẫn có chút hồi hộp. Sau khi hiến máu, chú thấy cơ thể vẫn bình thường và nghĩ mình có thể tiếp tục hiến máu nhiều lần nữa. Vậy là chú hiến máu đến nay đã 24 năm. Trung bình mỗi năm, chú hiến máu 4 lần, cũng có năm hiến 5 - 6 lần do nhu cầu của các bệnh viện.

Chú Đông cho biết: “Tôi thuộc nhóm máu O, nhóm máu được tiếp nhận phổ biến từ nhiều người nên thường bị thiếu. Nhiều khi Bệnh viện Khu vực Cai Lậy, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh thiếu máu gọi điện đến là tôi đi hiến máu ngay, vì nghĩ nếu nhiều người cùng tham gia hiến máu sẽ tạo thêm cơ hội cứu sống cho nhiều bệnh nhân. Và tôi luôn tự nhủ sẽ tiếp tục hiến máu đến khi nào không thể hiến được nữa. Đến nay, tôi đã tự nguyện hiến máu 93 lần”.

Không chỉ tích cực tham gia hiến máu, chú Đông còn vận động những người thân trong gia đình cùng tham gia hiến máu và được mọi người hưởng ứng. Điển hình là vợ chú - cô Huỳnh Thị Thiêm, đã hiến máu 57 lần. Với vai trò Chủ tịch Hội CTĐ, chú Đông nỗ lực tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân tích cực hưởng ứng các đợt hiến máu tình nguyện.

Trung bình mỗi đợt hiến máu, chú vận động trên 100 hội viên, người dân tham gia. “Với chú, vận động hiến máu tình nguyện không chỉ là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác Hội, mà còn là niềm vui, trách nhiệm của bản thân với xã hội” - chú Đông chia sẻ.

Với những thành tích trong phong trào hiến máu tình nguyện cũng như trong công tác Hội, chú Đông đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp trao tặng.

* CÔ NGUYỄN NGỌC HẠNH: Dạy trẻ khuyết tật bằng cả trái tim

Xuất phát từ thực tế cuộc sống của gia đình đã thôi thúc cô Nguyễn Ngọc Hạnh, giáo viên Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh (TP. Mỹ Tho) cần làm những việc ý nghĩa, thiết thực. Với những trẻ không may mắn, bị khiếm khuyết, việc giảng dạy trẻ hòa nhập cộng đồng đòi hỏi giáo viên phải có lòng nhiệt huyết, nhất là đối với các trẻ mắc bệnh chậm phát triển trí tuệ do dị tật não bẩm sinh.

Cô Hạnh cho biết, khi dạy những trẻ này thì thường các em không hợp tác, không trả lời và đôi khi có những hành động như la hét, cào cấu bạn bè và thầy cô. Các em cũng không thích tham gia các hoạt động vui chơi của lớp, đặc biệt là những em không có khả năng tự phục vụ bản thân từ việc thay quần áo cho đến vệ sinh cá nhân.

“Để dạy trẻ khuyết tật, giáo viên phải cố gắng tìm hiểu nhu cầu, năng lực, khả năng của trẻ, từ đó mới có thể xây dựng được kế hoạch giáo dục cho trẻ và các hoạt động hỗ trợ khác” - cô Hạnh chia sẻ.

Để các em hiểu và tiến bộ hơn, cô Hạnh đã tạo ra nhiều tình huống khác nhau cho trẻ nói, trẻ nhớ với những câu ngắn gọn bằng từ ngữ đơn giản. Để dạy những trẻ mắc bệnh chậm phát triển trí tuệ, cô Hạnh phải cầm tay trẻ để hướng dẫn tô theo chữ; sử dụng những đồ dùng trực quan trong giảng dạy... Theo cô Hạnh, trẻ rất thích được khen ngợi, nhẹ nhàng khuyên bảo, động viên khi trẻ thành công.

Cô Hạnh nhận quà  tại Chương trình “Chia sẻ cùng  thầy cô” năm 2018.  Ảnh: PC
Cô Hạnh nhận quà tại Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018. Ảnh: PC

Là thành viên trong Nhóm mạng lưới giáo dục hòa nhập của Sở Giáo dục và Đào tạo, cô Hạnh luôn phối hợp cùng các thầy cô và phụ huynh có con em bị khuyết tật để giúp đỡ các em. Những năm qua, với tấm lòng, tình thương và cái tâm với công việc giảng dạy trẻ hòa nhập cộng đồng, cô Hạnh đã giúp nhiều em khiếm khuyết đạt được mơ ước trở thành trẻ bình thường với những điều cơ bản nhất.

Từ những đứa trẻ chậm nói, không nói, nay các em đã có thể gọi những tiếng ba, mẹ, cùng vui chơi với các bạn, đặc biệt là tự mình có thể thay quần áo, biết đi vệ sinh đúng chỗ hay tự ăn cơm. Điển hình như em Phạm Minh Đ., học sinh lớp 21, qua 2 năm học tại trường, em đã đọc được các vần, các chữ cơ bản.

Với lòng nhiệt huyết yêu nghề, mến trẻ, cô Hạnh là giáo viên duy nhất của tỉnh Tiền Giang được tuyên dương tại Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức.

P. MAI

.
.
.