Thứ Năm, 19/09/2019, 15:30 (GMT+7)
.

Những điển hình về phát triển kinh tế gia đình

Với sự chăm lo, hỗ trợ của Nhà nước, các đoàn thể cùng sự nỗ lực, nhạy bén của bản thân, nhiều hộ gia đình đã phấn đấu trở thành những điển hình về phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

* CHỊ TRẦN THỊ THU SƯƠNG: Không ngại khó để phát triển kinh tế

Chị Sương từng là một trong những hội viên phụ nữ nghèo của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Long Thuận, TX. Gò Công. Lấy chồng, ra riêng, vợ chồng chị Sương được gia đình cho mảnh đất nhỏ đủ cất căn nhà lá đơn sơ để ở. Không đất canh tác, không vốn sản xuất, hằng ngày, chị Sương cùng chồng đi làm thuê với công việc không ổn định nên thu nhập rất bấp bênh. Biết được hoàn cảnh gia đình chị Sương, vào năm 2009, Hội LHPN xã Long Thuận tạo điều kiện cho chị Sương vay 4 triệu đồng từ nguồn vốn vay hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội TX. Gò Công (viết tắt là Ngân hàng CSXH). Khi có được vốn, chị Sương quyết tâm phát triển kinh tế gia đình. Chị dùng số tiền vay mua 2 con dê nái sinh sản.

Do chăm sóc tốt nên 2 con dê nái của chị mỗi lần đẻ từ 2 đến 3 dê con. Cứ thế, chị nuôi đàn dê lớn, rồi bán dê thịt và nhân rộng dê nái, mỗi năm chị thu lãi khoảng 7 triệu đồng. Năm 2010, chị Sương hoàn trả hết vốn vay 4 triệu đồng và tiếp tục được hỗ trợ vay vốn từ Dự án Chăn nuôi bò sinh sản của Ngân hàng CSXH, với số tiền 12 triệu đồng. Từ số tiền vay, chị mua 1 con bò nái sinh sản. Mỗi năm, bò nái đẻ 1 bò con và cùng với đàn dê đã mang về cho gia đình chị Sương số tiền tiết kiệm hằng năm hơn 15 triệu đồng.

Năm 2015, chị Sương hoàn trả hết số tiền vay 12 triệu đồng và tiếp tục được Hội LHPN xã Long Thuận hỗ trợ vay vốn từ nguồn vốn vay hộ nghèo của Ngân hàng CSXH 20 triệu đồng. Với quyết tâm mở rộng chăn nuôi, chị đã sử dụng số tiền vay cộng với khoản tiền tiết kiệm hơn 20 triệu đồng đầu tư mua thêm 4 con dê nái và xây chuồng nuôi 100 con gà ta. Do chí thú làm ăn nên mô hình chăn nuôi của gia đình chị Sương ngày càng phát triển, mang lại số tiền tiết kiệm hằng tháng hơn 5 triệu đồng.

Từ đó, giúp gia đình chị có điều kiện xây dựng nhà ở vững chắc. Đặc biệt, vào năm 2016, khi phát triển kinh tế gia đình, có cuộc sống ổn định, chị Sương tự nguyện đăng ký thoát nghèo. Đến năm 2017, gia đình chị đã thoát nghèo bền vững.

* ÔNG NGUYỄN VĂN BA: Trồng dưa lưới trong nhà màng cho hiệu quả kinh tế cao

Ông Ba là một nông dân điển hình, luôn nhạy bén trong phát triển kinh tế nông nghiệp của xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho. Ông thường xuyên tìm hiểu các mô hình trồng trọt với các loại cây trồng phù hợp với địa phương để đưa vào sản xuất, phát triển kinh tế. Vào năm 2016, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng được ông Ba chọn để trồng thử nghiệm 500 m2 và đã cho hiệu quả tốt. Từ đó, ông Ba tiếp tục đầu tư vốn 300 triệu đồng để làm hệ thống nhà màng, công nghệ tưới nhỏ giọt, phát triển mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng công nghệ cao từ 500 m2 lên 1.000 m2 với hơn 2.500 gốc dưa đã cho thu hoạch vụ thứ 10, mang lại hiệu quả kinh tế rất khả quan. Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của ông Ba đang được xem là hướng đi mới cho nông dân xã Mỹ Phong cũng như TP. Mỹ Tho trong phát triển kinh tế.

Ông Ba cho biết, sau khi tìm hiểu mô hình mẫu trồng dưa lưới trong nhà màng cho hiệu quả tại Trung tâm Công nghệ sinh học Tiền Giang, ông mạnh dạn đăng ký, liên hệ Phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho để được hướng dẫn làm Dự án Trồng dưa lưới trong nhà màng tưới theo công nghệ nhỏ giọt, với giống dưa Takii cho năng suất cao. “Trồng dưa lưới trong nhà màng không quá khó nhưng đòi hỏi người trồng phải được chuyển giao kỹ thuật, giống từ đơn vị chuyên môn thì mới có thể trồng được. Trồng dưa lưới trong nhà màng cho hiệu quả kinh tế khá cao, với 1 m2 đất có thể trồng được 2,5 gốc dưa, 1 vụ thu hoạch
(65 ngày) khoảng 3 kg sẽ cho thu nhập 100.000 đồng, cao hơn so với trồng 1 m2 rau màu” - ông Ba chia sẻ.

Theo ông Ba, trồng dưa lưới trong nhà màng là quá trình canh tác tiết kiệm được phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Phương pháp này giúp cây giảm thiểu tác động của thời tiết, ít sâu bệnh, cho năng suất ổn định. Đến nay, tuy số hộ trồng thành công dưa lưới trong nhà màng chưa nhiều, nhưng đây thực sự là mô hình phát triển kinh tế, có thể làm giàu nhanh do giá bán của loại dưa này trên thị trường tương đối cao.

* ÔNG NGUYỄN VĂN BÉ HAI: Làm giàu từ cây nhãn xuồng cơm vàng

Mô hình trồng nhãn xuồng cơm vàng (gọi tắt là nhãn xuồng) của ông Hai bắt đầu từ việc cải tạo 4.000 m2 nhãn da bò truyền thống cho hiệu quả kinh tế không cao. Qua tìm hiểu về thổ nhưỡng của vùng đất cát giồng ở phường 4, TX. Cai Lậy (trước đây là xã Nhị Mỹ, huyện Cai Lậy) thích hợp với nhiều loại nhãn, ông Hai mạnh dạn đốn bỏ toàn bộ diện tích nhãn da bò lâu năm để trồng nhãn xuồng và hiện mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Để việc chuyển đổi, phát triển thành công vườn nhãn xuồng chuyên canh như hiện nay, ông Hai phải trải qua quá trình kiên trì học hỏi kinh nghiệm và những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng nhãn xuồng.

Chia sẻ kinh nghiệm về trồng nhãn cơm xuồng hiệu quả, ông Hai cho biết: “Áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình chăm sóc theo phương châm “Nhất giống, nhì cần, tam phân, tứ nước”, cùng với sự hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tiền Giang, tôi đã chăm sóc cây nhãn xuồng từ năm thứ 6 là cho năng suất cao, thu hoạch ổn định. Nhãn xuồng phải mất 4 tháng từ giai đoạn làm bông cho đến khi thu hoạch trái, giai đoạn này phải tuân thủ những kỹ thuật chăm sóc như: Bón phân đúng lúc, đúng loại phân sẽ giảm bớt tình trạng rụng trái, cho trái to, cơm dày, mọng nước, ngọt... Nắm được thời gian sinh trưởng và phát triển của cây, tôi chủ động cho cây ra trái theo thời điểm bán được giá cao. Bên cạnh đó, nhà nông phải nắm bắt tình hình cung cầu của thị trường, tìm đầu ra sản phẩm để sản xuất thành công”.

Hiện vườn nhãn xuồng của ông Hai có 160 cây, cho thu hoạch mỗi năm từ 4 đến 5 tấn trái, với giá bán từ 45.000 - 60.000 đồng/kg đã góp phần cải thiện đáng kể thu nhập và đưa gia đình ông trở thành một trong những hộ khá giàu của phường 4.  

LỆ HẰNG - PHƯƠNG MAI- MAI THẢO

.
.
.