Thứ Ba, 10/09/2019, 21:14 (GMT+7)
.

Tạo lực mới cho nông thôn

Thời gian qua, những chuyển động trong ngành Nông nghiệp thông qua các mô hình ứng dụng công nghệ cao, thực hiện chuỗi giá trị… đã góp phần tạo động lực mới cho nông thôn.

1. Các mô hình kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã và đang được hình thành, góp phần rất lớn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Ba, ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho cho biết, sau thời gian dài trồng lúa cho hiệu quả thấp, cuối năm 2016, sau khi tìm hiểu các mô hình sản xuất hiện đại của ngành Nông nghiệp, được sự hỗ trợ của Phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho, gia đình bắt đầu thực hiện thí điểm mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, với diện tích khoảng 500 m2, vốn đầu tư khoảng 350 triệu đồng.

Cây thanh long đã góp phần tạo động lực mới cho nông thôn.
Cây thanh long đã góp phần tạo động lực mới cho nông thôn.

Đây là mô hình sản xuất nông nghiệp mang tính công nghệ cao, được áp dụng quy trình canh tác tiên tiến. Sau thời gian trồng, dưa cho thu hoạch khoảng 1,5 tấn/vụ, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lợi nhuận từ 25 - 40 triệu đồng. Thu hoạch sau 9 vụ trồng dưa lưới, gia đình ông Ba đã thu hồi được vốn đầu tư ban đầu.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nông nghiệp trong thời gian tới là ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh để tạo đột phá về năng suất, chất lượng, nâng cao tỷ lệ sản xuất đạt tiêu chuẩn GAP, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và khả năng cạnh tranh sản phẩm. Theo đó, ngành Nông nghiệp thực hiện 3 nhóm sản phẩm: Sản phẩm Quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh thực hiện tái cơ cấu và sản phẩm đặc sản của địa phương theo mô hình mỗi xã một sản phẩm.

Ngành Nông nghiệp cũng sẽ mời gọi đầu tư Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các dự án nuôi thủy sản công nghệ cao (khu 352 ha và khu 28,7 ha tại huyện Tân Phú Đông) làm cơ sở tác động hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đồng thời tiếp tục triển khai Dự án Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025; Dự án Vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025 và nhân rộng các kết quả đạt được.

Nhận thấy mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2018 gia đình ông Ba mạnh dạn vay vốn đầu tư thêm 2 nhà màng trồng dưa.

Để đảm bảo nguồn cung ứng thường xuyên cho khách hàng, gia đình ông đã bố trí thời gian trồng 3 nhà màng dưa lưới khác nhau, với mỗi tháng thu hoạch khoảng 2 tấn dưa lưới.

“Trước đây, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng còn mới so với địa phương nên nông dân rất ngại bỏ vốn để đầu tư. Tuy nhiên, qua nhiều lần chia sẻ kinh nghiệm, nhiều nông hộ trong khu vực đã tham gia đầu tư vào mô hình này. Trong thời gian tới, tôi sẽ liên kết với các hộ nông dân khác để mở hướng tiêu thụ sản phẩm, ký kết hợp đồng với hợp tác xã trên địa bàn và doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra ổn định cho mô hình trồng dưa lưới” - ông Ba cho biết.

Lựa chọn cách thức chăn nuôi và kênh phân phối đã giúp cho Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi thủy sản Gò Công không ngừng ổn định và phát triển.

Giám đốc HTX Chăn nuôi thủy sản Gò Công Nguyễn Quốc Kiệt cho biết, hiện nay trên thị trường có 3 hình thức chăn nuôi gồm hình thức chăn nuôi truyền thống, nhỏ lẻ, mô hình này sẽ rất khó tồn tại trong cơ chế kinh tế thị trường.

Hình thức chăn nuôi thứ 2 là theo chuỗi cung ứng, bán ra thị trường những sản phẩm mình có và hình thức nuôi theo mô hình chuỗi giá trị, đây là 2 hình thức mà HTX Chăn nuôi thủy sản Gò Công đang triển khai thực hiện.

Một trong những điểm khác biệt trong quy trình nuôi gà của HTX là tập trung vào chất lượng sản phẩm; trong đó chú trọng vào thời gian nuôi dài (từ 100 - 120 ngày), mật độ nuôi thưa (chỉ từ 7 - 8 con/m2), chưa kể chú trọng vào thời gian cải tạo chuồng trại sau khi xuất chuồng cũng như kỹ thuật cho ăn.

Ngoài khâu kỹ thuật chăn nuôi, HTX còn liên kết với các đơn vị phân phối để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Nhờ đó, thương hiệu Gà ta Gò Công của HTX luôn giữ ổn định trên thị trường.

2.  trong những địa phương có nhiều chuyển biến trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là huyện Chợ Gạo. Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo Phạm Văn Tiếu cho biết, qua gần 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, dựa trên điều kiện thổ nhưỡng, thông qua việc xác định cây, con chủ lực thế mạnh của huyện đã mang lại nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực từ trồng trọt đến chăn nuôi. Chẳng hạn, trên lĩnh vực trồng trọt, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, diện tích sản xuất lúa đang có xu hướng giảm nhanh.

Cây thanh long đã góp phần tạo động lực mới cho nông thôn.
Cây thanh long đã góp phần tạo động lực mới cho nông thôn.

Một trong những điểm nhấn quan trọng là thực hiện Đề án Phát triển cây thanh long giai đoạn 2016 - 2020, năm 2015 diện tích trồng thanh long trên địa bàn huyện là 4.075 ha, đến nay đạt khoảng 6.500 ha; trong đó, thanh long ruột đỏ chiếm 60%.

Năng suất thanh long chỉ đạt khoảng 25 tấn/ha vào năm 2015, đến nay đạt trên 30 tấn/ha. Nhìn chung, thu nhập từ thanh long cao gấp 5 - 7 lần so với trồng lúa. Đặc biệt, Đề án Phát triển cây thanh long đã được triển khai ở 15 xã của huyện Chợ Gạo, trong đó có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Bên cạnh lĩnh vực trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi cũng được triển khai thực hiện theo mô hình trang trại, áp dụng liên kết theo chuỗi giá trị cung ứng con giống, thức ăn, thú y và thu mua lại toàn bộ thịt và trứng.

Từ đó, trên địa bàn huyện Chợ Gạo xuất hiện nhiều mô hình liên kết giữa người dân với doanh nghiệp hoặc nông dân với HTX, điển hình như mô hình chim cút, gà ác, heo thịt...

Nhờ đó, lợi ích của các hộ chăn nuôi được đảm bảo ổn định. Kết quả rõ nét là vào năm 2015, Chợ Gạo có 140 trang trại chăn nuôi, đến năm 2019 con số này của huyện đã tăng lên 270 trang trại.

Cũng theo đồng chí Phạm Văn Tiếu, việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất được chú trọng, đặc biệt là đối với cây thanh long được thực hiện theo mô hình VietGAP, với gần 400 ha được cấp giấy chứng nhận; phấn đấu đến cuối năm 2019 đạt khoảng 1.000 ha và thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc đảm bảo xuất khẩu chính ngạch.

Đó là chưa kể đến mô hình trồng dưa lưới, rau ăn lá trong nhà màng đang được nông dân trên địa bàn huyện tập trung đầu tư.

Kết quả của việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, sản xuất tập trung, bước đầu hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, nhất là hình thành trên 50 doanh nghiệp đầu tư kho bãi, sơ chế sản phẩm nông sản; từ đó góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đến năm 2019 còn 2,35%.

Đến tháng 8-2019, huyện có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); phấn đấu cuối năm 2019 có 100% xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn NTM.

Đến nay, huyện Chợ Gạo đã đạt 4/9 tiêu chí huyện NTM, phấn đấu đến cuối năm 2019 đạt 6/9 tiêu chí và đến năm 2020 hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM.

3. Một trong những thành công cơ bản sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là đối với ngành hàng trái cây.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Văn Hóa, ngoài việc hình thành vùng chuyên canh tập trung, với sản lượng lớn cung cấp cho thị trường; việc ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; đầu tư hạ tầng kỹ thuật cũng được tập trung thực hiện.

Một trong những nét chuyển biến rõ nét nhất của ngành hàng trái cây là áp dụng thành công việc điều khiển ra hoa theo ý muốn nhiều loại cây ăn trái như: Xoài, sầu riêng, thanh long, nhãn, chôm chôm, trái cây có múi…

Đây là lợi thế rất lớn cho việc sản xuất trái cây nghịch vụ, điều tiết hợp lý mùa vụ để bán trái cây được giá cao, tiêu thụ thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, hạ tầng vùng trồng cây ăn trái được tiếp tục nâng cấp.

Ngành Nông nghiệp đã triển khai thực hiện Tiểu dự án Kiểm soát và giảm rủi ro do lũ vùng Ba Rài - Phú An từ nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển châu Á và Tổ chức phát triển Úc (AusAID), góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho sản xuất tại các huyện phía Tây, giúp người dân ổn định sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn…

A.P

.
.
.