Thứ Ba, 17/03/2020, 10:11 (GMT+7)
.
PHỤ NỮ TIỀN GIANG:

Chú trọng sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn

Thời gian qua, thực hiện Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) trong tỉnh triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ (HVPN) sản xuất, kinh doanh, lựa chọn sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, đảm bảo chất lượng với phương châm hành động “Nói không với thực phẩm bẩn”.

Theo đó, các cấp Hội LHPN, HVPN trong toàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, nông sản an toàn, đáp ứng nhu cầu bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thời gian qua, thực hiện Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) trong tỉnh triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ (HVPN) sản xuất, kinh doanh, lựa chọn sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, đảm bảo chất lượng với phương châm hành động “Nói không với thực phẩm bẩn”.
Mô hình trồng rau thủy canh của chị Ngọc Diệp ở xã Trung An, TP. Mỹ Tho.

NHỮNG MÔ HÌNH KHỞI NGHIỆP HIỆU QUẢ

Chị Nguyễn Thị Thu Giang, phường 4, TX. Gò Công, chủ Cơ sở sản xuất bánh bông lan Giang Sơn cho biết làm bánh bông lan là nghề truyền thống của gia đình, nên khi tiếp quản công việc làm bánh, chị Giang vẫn giữ lối sản xuất bánh từ trước đến nay. Tuy nhiên, qua tham gia Lớp tập huấn khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh tổ chức, chị Giang đã mạnh dạn cải tiến quy trình sản xuất bánh bông lan về mẫu mã sản phẩm; tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính vì vậy, bánh bông lan của cơ sở chị làm ra luôn được khách hàng tin dùng, ủng hộ với số lượng ngày càng nhiều.

Gia đình chị Trần Thị Út Một, ấp Tân Phong, xã Tân Lập 2, huyện Tân Phước, sau nhiều năm canh tác theo lối truyền thống, ruộng khóm nhà chị luôn cho năng suất thấp. Do đó, chị Một quyết định chuyển 1,5 ha khóm sang trồng chanh không hạt được 2 năm nay. Đặc biệt, sau khi chuyển qua trồng chanh, chị Một đã tham gia vào Tổ Phụ nữ sản xuất nông sản sạch. Qua tuyên truyền, tập huấn, chị dần thay đổi phương pháp trồng trọt, sử dụng các loại phân bón hữu cơ sinh học thay thế thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo nguyên tắc “4 đúng”. Qua đó, với 1.000 gốc chanh, chị Một thu hoạch trên 3 tấn/năm, chất lượng trái đẹp và bán được giá.

Cùng với ý tưởng khởi nghiệp từ mô hình sản xuất sạch, song chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp, ấp Bình Tạo, xã Trung An, TP. Mỹ Tho, lại chọn khởi nghiệp từ mô hình trồng rau thủy canh trong nhà kính. Chị Diệp chia sẻ: “Ấp ủ ý tưởng trồng rau sạch từ rất lâu nhưng do diện tích đất canh tác ít nên vợ chồng tôi quyết định vay vốn đầu tư nhà kính để trồng rau thủy canh, với diện tích 350 m2. Do áp dụng phương pháp xuống giống xen kẽ nên ngày nào vườn rau thủy canh của gia đình tôi cũng cung ứng cho thị trường khoảng 20 đến 30 kg rau, với giá bán dao động từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, tùy loại rau”.

HƯỚNG ĐẾN TIÊU CHÍ “ĐẸP, AN TOÀN VÀ CHẤT LƯỢNG”

Qua tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình và người tiêu dùng của các cấp Hội LHPN tỉnh, nhiều HVPN đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình về an toàn thực phẩm như: “2 dao, 2 thớt”, Tổ Phụ nữ trồng rau an toàn, “Góc bếp an toàn”, “Rau an toàn - Rau sạch tại nhà”... Bên cạnh đó, các cấp Hội còn đưa nội dung an toàn thực phẩm vào tiêu chí “3 sạch” của Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, Cuộc vận động “Phụ nữ tích cực thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”…

Bà Trần Thị Chính, thành viên Tổ trồng rau sạch ở xã Long Thuận, TX. Gò Công cho biết: “20 năm qua, thu nhập của gia đình tôi phụ thuộc vào trồng rau và nuôi heo. Khi tham gia Tổ trồng rau sạch của xã, tôi và các thành viên trong tổ được tiếp cận với phương thức canh tác mới, khoa học, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, gia đình tôi đã thực hiện nghiêm túc, đảm bảo tiêu chí an toàn thực phẩm, lựa chọn những thức ăn chăn nuôi công nghiệp an toàn; đồng thời, thực hiện trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP”.

Theo Hội LHPN tỉnh, hiện nay, số lượng doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trên địa bàn tỉnh khá lớn và hầu hết đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Sản xuất sạch không chỉ dừng lại ở việc tăng năng suất, tăng giá bán, mà xa hơn là khẳng định thương hiệu sản phẩm trên thị trường. Trong các mô hình sản xuất, kinh doanh của HVPN, các cấp Hội luôn đặt ra tiêu chí “đẹp, an toàn và chất lượng” cho các sản phẩm và xác định đây là con đường sản xuất, kinh doanh lâu bền, có giá trị.

P. MAI

.
.
.