Chủ Nhật, 19/04/2020, 20:51 (GMT+7)
.

Nơi sẻ chia khó khăn, lan tỏa yêu thương

“Không phải cái gì lấp lánh cũng là vàng” và không phải cứ bị chê trách đều là xấu. Đôi khi phải đặt trong những hoàn cảnh cụ thể thì một số sự việc mới bộc lộ rõ hết những vấn đề tốt xấu của nó, như mạng xã hội là một minh chứng rõ rệt. 
 
a
Những điểm phát quà miễn phí cho bà con khó khăn,  những tấm lòng thiện nguyện hỗ trợ nhau bằng việc thông tin trên mạng xã hội
Không ít những vấn đề quanh nó khiến người ta ngao ngán, thậm chí là sợ khi nói về chốn thật giả, thị phi lẫn lộn này. Nhưng những ngày cả nước phòng chống dịch Covid-19, mạng xã hội cũng đồng hành và lan tỏa không ít giá trị tốt đẹp.
 
Tin xấu bị loại trừ, tin tốt lan tỏa
 
Không ít ý kiến cho rằng, mạng xã hội chẳng khác nào “tòa soạn một người”, viết tùy ý và không phải chịu trách nhiệm vì chỉ cần xóa bài coi như phủi sạch. Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy. Trong những ngày chống dịch, bên cạnh nhiệm vụ cấp bách, thông tin trên mạng xã hội cũng được kiểm soát, tin giả (fake news), những đồn đoán không căn cứ, thất thiệt, đều phải trả giá với mức phạt hành chính từ vài triệu đến hơn chục triệu đồng. Thống kê trong cả nước đã có hơn 600 trường hợp bị xử phạt.
 
Cũng từ mạng xã hội, không ít những lời kêu gọi, #hashtag chạm đến trái tim nhiều người để cùng tạo nên một sức mạnh thông tin, góp phần vào “cuộc chiến” chống dịch. Ngay trong đêm họp khẩn của UBND TP Hà Nội về ca nhiễm thứ 17 trong cả nước, nhiều nội dung chia sẻ trên mạng xã hội cũng bắt đầu với điệp khúc “toang”, khiến người ta không tránh khỏi những cảm xúc ảm đạm, tiêu cực.
 
Tuy nhiên, trang cá nhân của Khanh Nguyen (Nguyễn Quốc Khánh, một bác sĩ, với hơn 83.000 lượt theo dõi) đã chia sẻ bài viết với nhiều nội dung xúc động: “Tùy tình hình, Chính phủ Việt Nam biết sẽ phải làm gì từ việc cách ly cục bộ một số tuyến phố ở Hà Nội, thậm chí không loại trừ phương án cách ly trên diện rộng hơn. Và là công dân của một đất nước pháp quyền, hãy ngồi yên khi đất nước cần bạn ngồi yên.
 
Sự kiện này càng khẳng định Việt Nam chưa bao giờ giấu dịch. Việc của chúng mình là ngừng loan tin chưa kiểm chứng trên Facebook, trong group công ty, hội phụ huynh... đôi lúc vô tình thôi nhưng tạo nên ác nghiệp vô cùng. Hãy động viên, chỉ bảo, nhắc nhở nhau phòng dịch. Đó là việc nên làm. Tổ quốc này rõ ràng chưa bao giờ bỏ công dân ở phía sau…”.
 
Nội dung này nhận hơn 9.000 lượt like, hơn 3.600 lượt chia sẻ và được các trang tin online dẫn lại. Ngay sau đó hashtag #oyenkhitoquoccan cũng được nhiều người ủng hộ để kêu gọi người dân hạn chế đi lại (thời điểm này chưa có Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về “cách ly xã hội”).
 
Kênh thông tin qua mạng xã hội có thể nói chiếm ưu thế khá nhiều, chỉ vài cú click, người ta dễ dàng sở hữu một tài khoản và gần như có thể “kết nối với cả thế giới”. Đi cùng những chỉ đạo ứng phó với tình hình dịch bệnh từ Chính phủ, nhiều hashtag cũng được khơi mào từ mạng xã hội kêu gọi mọi người ý thức trong việc hạn chế đi lại như: #stayhome, #toionha, #workfromhome… Và cũng trong “cuộc chiến” này, có lẽ không ít lần khi lướt mạng xã hội, người ta dễ dàng bắt gặp những nội dung động viên và củng cố niềm tin cho nhau để cùng vượt qua dịch bệnh từ những tài khoản Facebooker mà trước đây vốn “không an toàn” với nhiều thông tin thật - giả hay phiến diện, cực đoan. 
 
Trang cá nhân của các bác sĩ cũng trở thành kênh thông tin để mọi người nương tựa niềm tin bởi những chia sẻ trung thực, tích cực, như bác sĩ Lương Quốc Chính (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ kiến thức chuyên môn về dịch, về tình hình ở Bạch Mai và những con số về ca nhiễm để mọi người hiểu đúng về dịch và cách phòng tránh đúng.
 
Sau khi thêm một tuần “cách ly xã hội” tại TPHCM, bài viết của bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1) với nội dung: “Rồi cũng qua, rồi sẽ ổn. Mỗi ngày nhanh, một tuần nhanh thôi. Thiết yếu thì làm, không gấp thì khoan. Hòa nhập sẽ đến, mọi việc y chang” nhận hơn 1.200 lượt like… Đây cũng là cách tiếp thêm niềm tin để người dân yên lòng trước những ngày dịch bệnh còn hoành hành.
 
Cầu nối chia sẻ
 
Những ngày dịch bệnh mới bùng phát, chuyện xuất khẩu nông sản bị ảnh hưởng, nhiều lời kêu gọi “giải cứu” dưa hấu, thanh long, sầu riêng… Tôi không quen với những lời kêu gọi “giải cứu” nông sản hay điều gì đó trên mạng xã hội, nhưng bài viết về kêu gọi mua giúp sầu riêng từ một Fanpage khiến tôi thực sự lay động. Hình ảnh người đàn ông độ chừng ngoài 60 tuổi, trải tạm tấm bạt nằm bên cạnh đống sầu riêng chất cao ngất ngay chân cầu Him Lam (hướng từ quận 7 sang quận 8, TPHCM) khiến người ta thật sự mủi lòng. 
 
Tôi tìm tới mua thì cả chú và mớ sầu riêng không còn, hỏi ra, cô bán nước tên Hà (50 tuổi) ngay gần đó, mừng rỡ kể: “Hôm qua, có mấy cậu trai tới mua rồi chụp hình, quay phim ổng đăng lên mạng, người ta tới mua giúp đông lắm, sầu riêng ngon nên ai cũng lựa 2, 3 trái. Ổng mừng quýnh, bán xong lật đật về quê liền. Tui với mấy ông xe ôm ngồi đây cũng thấy mừng cho ổng, chứ dòm đống sầu riêng chất có ngọn, bán hông biết chừng nào mới hết, mà dịch bệnh này cũng không xuất khẩu đi đâu được”.
 
Còn nhớ, trong lần trò chuyện, anh Trần Thanh Long (ngụ quận 7, TPHCM người sáng lập chuỗi Nhà ăn không đồng Nhất Tâm) bộc bạch: “Tưởng đâu là dẹp hết rồi, cũng nhờ “ông thần” mạng xã hội đó, nhà ăn ít người biết quá nên tui đăng lên mạng. Nhiều người biết rồi tới ăn, chứ mấy tháng đầu, ngày nào nấu xong cũng dư hơn một nửa”. Và hiện tại cũng nhờ “ông thần” mạng xã hội, mỗi ngày anh Long chia sẻ thông tin để tình nguyện viên theo dõi, tới phụ nấu và chuẩn bị hơn 4.000 phần xôi hoặc cơm chay phát cho người khó khăn trong thành phố. 
 
“Ban đầu chỉ có nhà ăn không đồng nên kinh phí tôi và nhóm bạn lo được, không kêu gọi đóng góp. Hiện tại, mấy nhà ăn cũng đóng cửa vì dịch, nhưng lại cần mọi người chung tay vì mỗi ngày nấu khá nhiều phần ăn mang đi phát cho bà con. Tôi để lại lịch thông báo mỗi ngày sẽ nấu món gì, thời gian nấu nướng cụ thể ra sao và kèm theo đó là số tài khoản trên mạng xã hội, để mọi người có lòng tới phụ nấu hoặc muốn đóng góp thì cứ gửi vào”, anh Trần Thanh Long kể thêm.
 
Nhiều câu chuyện giúp đỡ nhau cũng được mạng xã hội kết nối để những tấm lòng đến với những hoàn cảnh. Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều quanh chuyện từ thiện hay giúp nhau, như chuyện thầy giáo Tây cầm bảng xin giúp đỡ tiền thuê phòng trọ vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hay những tranh luận quanh 100.000 chữ A giúp trẻ tự kỷ… Nhưng mặc kệ những ý kiến trái chiều, chúng ta thử một lần “khờ dại” để thấy mạng xã hội cũng lan tỏa những điều tốt đẹp, chứ đâu chỉ có chuyện xấu xa, hay nơi chực chờ để ném đá nhau.
 
Nếu nói dịch bệnh là một phép thử để con người thay đổi thói quen tốt hơn, nhận ra những vấn đề khó khăn của bản thân để khắc phục và chú trọng đến bảo vệ môi trường sống nhiều hơn; thì dịch bệnh cũng là một phép thử để cho mỗi chúng ta ý thức hơn khi tham gia mạng xã hội.
 
Thấy được hậu quả và cái giá của việc tung tin giả; thấy được sức mạnh và sự ảnh hưởng của thông tin trên mạng xã hội trong việc lan tỏa điều tốt đẹp và giữ yên lòng người trong những ngày xô lệch. Mạng xã hội không tốt toàn diện nhưng cũng không xấu hoàn toàn, nó cũng không đúng không sai, nó phụ thuộc vào cách ứng xử của mỗi chúng ta ở đó. 
 
Ngay sau khi Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ ban hành, mạng xã hội bắt đầu chia sẻ hình ảnh những túi thực phẩm được xếp gọn gàng cùng dòng chữ “Nếu khó khăn, cứ lấy một phần. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác” tại một khu công nghiệp ở Bến Cát, Bình Dương.
 
Liền sau đó, những túi quà tương tự, phát miễn phí cho bà con lao động khó khăn xuất hiện ở nhiều quận trong TPHCM như: quận 10, Bình Thạnh, Tân Phú, Gò Vấp, Bình Chánh; hay bánh tét miễn phí ở quận 8… Và lan tỏa dần ở nhiều địa phương khác như: Thái Nguyên, Cần Thơ, Hà Nội, Gia Lai, Đồng Nai...
 
Cũng trong những ngày chống dịch, mạng xã hội vừa là kênh giải trí vừa tuyên truyền những thông điệp vui tươi đến với nhiều người một cách hiệu quả. Vũ điệu rửa tay trên nền nhạc cổ động chống Covid-19 được nhiều bạn trẻ hưởng ứng và chia sẻ.
 
Đội ngũ y bác sĩ ở các bệnh viện cũng ủng hộ bằng việc cover lại vũ điệu rửa tay để gửi đi thông điệp rửa tay đúng cách phòng chống dịch bệnh hiệu quả, hay chia sẻ hình ảnh với khẩu hiệu “Chúng tôi đi làm vì bạn. Bạn ở nhà vì chúng ta” để kêu gọi mọi người hạn chế ra đường. Và để việc ở nhà không nhàm chán trong những ngày “cách ly xã hội”, nhiều nghệ sĩ bắt đầu các buổi livestream trên trang cá nhân để giao lưu cùng khán giả và truyền tải tinh thần lạc quan.
 
(Theo sggp.org.vn)
.
.
.