Thứ Hai, 01/06/2020, 10:13 (GMT+7)
.

Xin đừng làm ngơ khi trẻ bị xâm hại!

Tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận xã hội. Đáng lo ngại là tình trạng ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em ít được cộng đồng chủ động tố giác, trình báo với các cơ quan chức năng.

Đa số các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em được thống kê chủ yếu dựa trên các tiêu chí về thể chất, chưa tính đến bạo lực xâm hại về tinh thần. Do đó, số vụ bạo lực, xâm hại trẻ em bị phát hiện chỉ là một phần nhỏ so với thực tế.

Trẻ em bị bỏ rơi được tiếp nhận và chăm sóc tại Trung tâm Công tác xã hội.
Trẻ em bị bỏ rơi được tiếp nhận và chăm sóc tại Trung tâm Công tác xã hội.

NỖI ĐAU DAI DẲNG

Báo cáo của UBND tỉnh tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội vừa qua, Tiền Giang hiện có gần 420 ngàn trẻ em từ 0 đến dưới 16 tuổi, chiếm 24,4% dân số của tỉnh, trong đó có 36.307 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 201 trường hợp trẻ em bị xâm hại, trong đó có 196 nữ, 5 nam. Số trẻ em bị xâm hại theo từng hình thức được quy định tại Điều 4 và các điều khác của Luật Trẻ em gồm: 10 trẻ bị bạo lực, 181 trẻ (đều là bé gái) bị xâm hại tình dục, 10 trẻ bị các hình thức gây tổn hại khác (bị cướp tài sản).

Theo số liệu thống kê của cơ quan Công an và Tòa án nhân dân tỉnh, trong các vụ xâm hại, có 7 trẻ em bị tử vong, 11 trẻ em bị thương tật, 33 trẻ em có thai do bị xâm hại tình dục, 14 trẻ em phải bỏ học do bị xâm hại tình dục, 150 trẻ em bị các tác động khác về thể chất, tinh thần do bị xâm hại. Hậu quả lớn nhất đối với trẻ em bị xâm hại là tổn thương về tinh thần và ảnh hưởng đến tương lai, dễ bị mặc cảm, phát triển không bình thường, khó hòa nhập với xã hội và đặc biệt là tổn thương về sức khỏe thể chất.

Đối với các em nữ, việc bị xâm hại tình dục có thể khiến các em mang thai ngoài ý muốn, gây nguy hiểm cho bản thân và thai nhi vì cơ thể các em chưa phát triển hoàn chỉnh hoặc là nguyên nhân dẫn đến vô sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sinh sản và hạnh phúc gia đình của các em về sau. Các em rơi vào trạng thái hoảng sợ và cảm thấy bế tắc. Nghiêm trọng hơn, sau khi bị xâm hại tình dục, không ít em có suy nghĩ tìm đến cái chết do bị sốc về mặt tinh thần.

Nhiều trường hợp, các em không dám kể với người khác, tố cáo đối tượng phạm tội, một phần do xấu hổ, một phần khác do bị đe dọa dẫn tới ảnh hưởng tâm lý ngày càng nghiêm trọng. Đối với các em nam, khi bị xâm hại tình dục thì các em sẽ không phát triển tự nhiên về mặt sinh lý, mà có nguy cơ bị lệch lạc về tình dục. Những ám ảnh về việc bị lạm dụng, đặc biệt là hành vi tình dục đồng giới sẽ khiến các em trở thành những người đồng tính.

CÙNG HÀNH ĐỘNG XÓA BỎ BẠO LỰC

Những năm qua, tỉnh Tiền Giang đã đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, góp phần kiềm chế tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Một số nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành. Nhiều mô hình bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ trẻ em được triển khai như “Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng”; “Xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em”; “Ngôi nhà an toàn”; “Trường học an toàn”; “Cộng đồng an toàn”; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí… tạo môi trường để trẻ em phát triển.

Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 46 trẻ em bị xâm hại (gồm xâm hại tình dục, ngược đãi...) được áp dụng các biện pháp can thiệp; đã đưa về hòa nhập cùng cộng đồng là 30, hiện còn 16 em đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Tùy theo tính chất, mức độ bị xâm hại của trẻ em mà cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp phù hợp. Trẻ em bị bỏ rơi sẽ được đưa về Trung tâm Công tác xã hội tỉnh nuôi. Nếu cá nhân có nhu cầu nhận con nuôi sẽ thực hiện theo quy định pháp luật. Trẻ em bị bạo lực, ngược đãi nếu phát hiện đều được phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan can thiệp như trao đổi, tư vấn với gia đình... Đối với trẻ em bị xâm hại tình dục, nếu phát hiện, cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối kết hợp cùng Công an địa phương tiếp nhận thông tin và xử lý.

Cùng với việc tuyên truyền, vận động, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã tham gia can thiệp, phát hiện kịp thời các trường hợp trẻ em trong gia đình, cộng đồng có nguy cơ bị ngược đãi, bạo lực, xâm hại tình dục hoặc nguy cơ phải đi lang thang kiếm sống, phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, nguy hiểm và lao động xa gia đình. Đồng thời, tạo điều kiện để hỗ trợ vốn, giúp đỡ gia đình có đối tượng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn buôn bán nhỏ, chăn nuôi hoặc học nghề tùy theo lứa tuổi thông qua hoạt động mô hình Trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng. 

Tuy nhiên, theo nhận định của UBND tỉnh tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh, thời gian qua hiệu quả của việc thực thi pháp luật và các mô hình phòng, chống bạo lực chưa được đánh giá một cách khách quan, tồn tại những khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế thực hiện. Vẫn còn những khoảng trống, điểm mờ pháp lý trong nỗ lực đưa ra ánh sáng những hành vi bạo hành thể xác và tinh thần, trong đó có xâm hại, lạm dụng tình dục phụ nữ, trẻ em. Kiến thức và nhận thức pháp luật về bạo lực gia đình của người dân, cha mẹ, thầy cô giáo và những người có trách nhiệm vẫn còn hạn chế, lệch lạc.

Do đó, để trẻ em được sống, học tập, làm việc trong một môi trường an toàn, trước hết cần kiên quyết thay đổi nhận thức, hành vi của những thành viên trong mỗi gia đình và toàn xã hội. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần thực thi nghiêm túc quy định pháp luật, xử lý nghiêm với những người gây ra bạo lực; phối hợp các cấp Hội phụ nữ tiến hành biện pháp nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho trẻ em.

MAI HÀ

.
.
.