Thứ Năm, 20/08/2020, 14:50 (GMT+7)
.

Xây dựng chính quyền số: Xu hướng tất yếu

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, hướng đến phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, trên nền tảng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), Tiền Giang đã xây dựng Đề án Chính quyền số giai đoạn 2019 - 2030, định hướng đến năm 2045 (viết tắt là Đề án). Theo đó, Đề án gồm các giai đoạn: Giai đoạn 2019 - 2021: Thí điểm; giai đoạn 2021 - 2025: Số hóa; giai đoạn 2025 - 2030: Số hóa và tích hợp; giai đoạn 2030 - 2045: Tiến tới Chính quyền thông minh.

Tiền Giang xây dựng Chính quyền số nhằm hướng đến việc phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Tiền Giang xây dựng Chính quyền số nhằm hướng đến việc phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

HƯỚNG ĐẾN NHIỀU MỤC ĐÍCH

Đề án hướng đến các mục đích là: Xây dựng tỉnh Tiền Giang thành một tỉnh văn minh, hiện đại và phát triển bền vững trên nền tảng CNTT. Xây dựng Chính quyền số cho phép nâng cao hơn nữa tính minh bạch và khả năng tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền. Việc xây dựng Chính quyền số trong đó sử dụng các công nghệ số như một phần thiết yếu trong các chiến lược hiện đại hóa chính quyền để tạo ra các giá trị công trong tỉnh Tiền Giang.

Bên cạnh đó, xây dựng Chính quyền số sẽ tác động mạnh đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thể hiện trên các khía cạnh: Việc xây dựng Chính quyền số thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong việc phát triển kinh tế - xã hội của Tiền Giang theo hướng kinh tế số. Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực sẽ mở rộng thị trường CNTT phát triển, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế.

Việc xây dựng Chính quyền số trên toàn tỉnh sẽ tạo ra môi trường an toàn, quản lý tốt các dịch vụ, giúp người dân, doanh nghiệp có thể tăng cường sự tương tác với chính quyền tạo ra tính minh bạch trong công tác vận hành và quản trị xã hội.

Đồng thời, xây dựng Chính quyền số sẽ cung cấp đầy đủ thông tin hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng kịp thời, giúp cho công tác chỉ đạo điều hành hiệu quả và tiết kiệm, đặc biệt là công tác quản lý hành chính sẽ được thay đổi căn bản, tăng cường hiệu quả, tiết kiệm, không chồng chéo, đảm bảo phát triển nền kinh tế bền vững.

Hiện nay, Tiền Giang đang thực hiện giai đoạn thí điểm, trong đó Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất ưu tiên triển khai 3 ứng dụng gồm: Tổng đài dịch vụ công 1022 tiếp nhận phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân.

Ứng dụng thứ hai là hệ thống tiếp nhận, phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, trong đó người dân sẽ tương tác tiếp cận với chính quyền thông qua App, kiến nghị phản ánh trên phần mềm di động trên 5 lĩnh vực gồm: An ninh, trật tự an toàn giao thông; thông tin và truyền thông; tài nguyên và môi trường; công thương; văn hóa, thể thao và du lịch.

Ứng dụng thứ ba là mô hình trung tâm giám sát, điều phối thông tin đô thị thông minh và Chính quyền số với các nội dung như: Giám sát thông tin trên các trang báo mạng đang vận hành trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; giám sát sự vận hành hệ thống camera an ninh…

XÂY DỰNG NỀN TẢNG VỮNG CHẮC

Năm 2016, tỉnh đã thực hiện Dự án Xây dựng mạng LAN cho UBND các xã, phường, thị trấn kết nối với mạng chuyên dùng của UBND cấp huyện. Năm 2017, tỉnh triển khai thực hiện 5 dự án: Trang bị máy vi tính phục vụ hoạt động HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; Nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh; Xây dựng ứng dụng CNTT vào giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình Một cửa - Một cửa liên thông tỉnh Tiền Giang (giai đoạn 2); Số hóa tài liệu lịch sử tỉnh giai đoạn 1; Xây dựng hệ thống phần mềm công báo điện tử.

Đến năm 2018, tỉnh triển khai 6 dự án: Nâng cấp, mở rộng mạng LAN -WAN; Nâng cấp hệ thống mạng, máy chủ, hệ thống bảo mật và backup dữ liệu; Nâng cấp hạ tầng CNTT tại Tòa soạn Báo Ấp Bắc; Phần mềm quản lý đầu tư công; Tin học hóa công tác thi đua khen thưởng trên địa bàn tỉnh; Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Đảng tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2015 - 2020.

Để thực hiện các mục tiêu xây dựng Chính quyền số, tỉnh Tiền Giang xác định tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Nhóm 1: Hình thành nền tảng số quản lý, vận hành, khai thác chính quyền số. Nhóm 2: Hình thành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các cơ sở dữ liệu dùng chung. Nhóm 3: Xây dựng ứng dụng số phục vụ người dân, doanh nghiệp. Nhóm 4: Xây dựng, nâng cấp các ứng dụng số trong hoạt động nội bộ cơ quan hành chính nhà nước.

Theo đó, tỉnh sẽ từng bước xây dựng ứng dụng số phục vụ người dân, doanh nghiệp; xây dựng, nâng cấp các ứng dụng số trong hoạt động nội bộ cơ quan hành chính nhà nước; đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, ứng dụng CNTT…

Trong giai đoạn thí điểm, Tiền Giang sẽ ưu tiên triển khai các nhiệm vụ: Nâng cấp hệ thống thông tin dùng chung; đầu tư trang thiết bị phần cứng phục vụ Chính quyền số; xây dựng hệ thống báo cáo đa ngành; xây dựng hệ thống thông tin quản lý cơ sở hạ tầng đa ngành; xây dựng hệ thống kết nối thông tin nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Tiền Giang….

Việc chuẩn bị tốt các hạ tầng kỹ thuật, có bước đi, nhiệm vụ cụ thể cho từng giai đoạn sẽ là tiền đề thuận lợi cho Tiền Giang triển khai thực hiện tốt Đề án.

LÊ PHƯƠNG

.
.
Liên kết hữu ích
.