Thứ Hai, 03/05/2021, 08:21 (GMT+7)
.

Bức tranh thêu của 2 nữ cựu tù Côn Đảo

“Ngày xưa, làm được cái khăn thêu này là cả quá trình…”. Nói rồi, bà lấy trong túi xách ra một ống tròn, từ từ mở ra, đó là bức tranh thêu tay. Bà Nguyễn Ngọc Ánh cuốn vào đôi đũa rồi cho vào túi mũ, cuốn tròn lại rất trân trọng, đó là cách bảo quản tranh gần 50 năm của bà. Và đó là Quà Tháng Tư bà tặng Bảo tàng Tiền Giang.

Bức tranh bà Nguyễn Ngọc Ánh tặng Bảo tàng Tiền Giang.
Bức tranh thêu bà Nguyễn Ngọc Ánh tặng Bảo tàng Tiền Giang.

Sáng 29-4-2021, bà Phan Thị Bé Tư, ngụ quận 7, TP. Hồ Chí Minh (nguyên quán ấp Phước Hòa, xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) và bà Nguyễn Ngọc Ánh, ngụ huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh, hiện tham gia sinh hoạt trong Ban liên lạc Nữ cựu tù Côn Đảo TP. Hồ Chí Minh, về thăm quê Tiền Giang và đến thăm những nơi năm xưa bà được người dân che chở và bảo vệ để hoạt động cách mạng.

Chuyến thăm quê lần này của bà Tư và bạn tù bà Ngọc Ánh đã tặng Bảo tàng Tiền Giang một kỷ vật, đó là bức tranh thêu trong thời gian bà Ngọc Ánh bị tù đày ở Côn Đảo (bà bị đày tù Côn đảo từ năm 1969 - 1973). Tranh thêu hai mặt, thêu cảnh chùa Một Cột cùng hai cô gái viếng chùa. Ngày bà thêu thì không nhớ, nhưng ngày kết thúc là tháng 2-1973 khi hay tin Hiệp định Pari được ký kết, đồng nghĩa với việc trao trả tù binh; và năm ấy hai bà cũng được trao trả.

Theo bà Ngọc Ánh, hai cô gái trong tranh là người Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được bà thể hiện là ước nguyện đất nước thống nhất. Để hoàn thành một bức tranh thêu tranh trong tù là cả một quá trình, không chỉ lén lút gửi mua vải, mua kim, chỉ để thêu; những lúc không còn chỉ, bà phải rút chỉ áo để thêu.

Ngày được trao trả, để tránh sự lục soát của giám thị nhà tù, bà phải may bức tranh vào áo để mang về. Để có được bức tranh là cả quá trình và tâm huyết của bà. Nay bà đem tặng để góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho khách đến tham quan Bảo tàng Tiền Giang.

H.G

.
.
Liên kết hữu ích
.