Thứ Tư, 28/07/2021, 20:30 (GMT+7)
.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi: Có thể cần thêm 1 đến 2 tuần giãn cách

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu người dân TPHCM thực hiện tốt việc giãn cách, ai ở nhà nấy, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với mọi người xung quanh, không đi ra ngoài khi không cần thiết. Theo đồng chí những biện pháp này do chính người dân thực hiện, cần sự đồng lòng, nghiêm túc thực hiện của người dân và có sự giám sát của nhân dân, của cộng đồng.

a
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chiều 28-7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 và các vấn đề dư luận quan tâm. Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM chủ trì tại điểm cầu Thành ủy. Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì tại điểm cầu Trung tâm Báo chí TPHCM.

Thực hiện triệt để giãn cách xã hội

Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi nhận xét, trong những ngày qua, TPHCM triệt để thực hiện giãn cách xã hội, giới hạn di chuyển sau 18 giờ. Qua 2 tối, người dân đã đồng tình, ủng hộ, tuân thủ rất tốt việc không ra đường sau 18 giờ hàng ngày.

a
Lực lượng chức năng ra quân kiểm tra, xử lý người ra đường không cần thiết tại chốt cầu Kênh Tẻ, quận 7 TPHCM, tối 26-7. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tuy nhiên, trong ngày từ 6 giờ sáng đến 18 giờ, vẫn còn tình trạng người dân ra đường. Với mục tiêu giảm sự tiếp xúc, giảm nguồn lây, TPHCM tiếp tục hạn chế hơn nữa việc ra đường từ 6 giờ sáng đến 18 giờ hàng ngày. Đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn TPHCM, đặc biệt các cơ quan của TPHCM, thực hiện nghiêm việc giãn, giảm số lượng cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại công sở. Chỉ duy trì tối đa không quá 1/3, thậm chí bố trí tối thiểu nhất số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại trụ sở cơ quan, đơn vị.

TPHCM khuyến khích các cơ quan tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà, hạn chế tối đa việc đi ra đường hàng ngày. Song song đó, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh TPHCM sẽ tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và xử lý các vi phạm. Việc xử lý sẽ chú trọng xử lý cả các cấp, các ngành chức năng, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm đảm bảo giãn cách nhưng chưa thực hiện tốt, chưa làm hết trách nhiệm. TPHCM sẽ kiểm tra các quận, huyện, kiểm tra các cơ sở để kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn và xử lý các hạn chế.

“TPHCM triệt để thực hiện nghiêm giãn cách, không để lãng phí thời gian “vàng” giãn cách nhằm giảm tối đa tiếp xúc, cắt đường lây của dịch bệnh”, đồng chí Phan Văn Mãi nói.

Đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu người dân TPHCM thực hiện tốt việc giãn cách, ai ở nhà nấy, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với mọi người xung quanh, không đi ra ngoài khi không cần thiết. Theo đồng chí những biện pháp này do chính người dân thực hiện, cần sự đồng lòng, nghiêm túc thực hiện của người dân và có sự giám sát của nhân dân, của cộng đồng. Người dân cần giám sát xem lực lượng chức năng nào chưa thực hiện đúng chức năng, nhóm dân cư nào chưa thực hiện tốt giãn cách thì có thể phản ánh qua tổng đài 1022, qua đường dây nóng của xã, phường, quận, huyện để TPHCM xử lý nghiêm.

Đồng chí khẳng định, TPHCM thực hiện triệt để giãn cách xã hội. Từng người dân, từng tổ chức thực hiện nghiêm. “Ý thức của từng người dân chính là phòng tuyến đầu tiên, quan trọng nhất và không thể thay thế. Đây chính là yếu tố quyết định cho giãn cách được thực hiện triệt để, giúp TPHCM đạt được kết quả trong thực hiện Chỉ thị 12”, đồng chí Phan Văn Mãi đánh giá và mong muốn từng người, từng cơ quan chức năng thực hiện triệt để, ít nhất từ đây đến ngày 1-8 để TPHCM có thể ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Điều trị F0 là nhiệm vụ quan trọng nhất

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM nhấn mạnh nhiệm vụ hàng đầu – quan trọng nhất hiện nay, đó là công tác điều trị F0. Trong đó, đề cập về cách ly F0, F1 tại nhà và thu dung F0 tại các khu cách ly tập trung tại quận huyện, đồng chí Phan Văn Mãi dẫn chứng nghiên cứu từ các chuyên gia cho thấy, có đến 70%-80% F0 không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ. Các F0 này sẽ tự khỏi sau một thời gian. Ở những đợt dịch mà số lượng F0 đạt số lượng rất lớn thì sẽ dẫn tới quá tải tại trong việc tổ chức cách ly tập trung, quá sức phục vụ.

Hiện nay, TPHCM có hơn 70.000 F0 – một con số rất lớn. Vì thế, TPHCM chuyển hướng chiến lược điều trị. Có nghĩa là các trường hợp F0 có triệu chứng nặng, có bệnh nền thì tiếp nhận chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế. Trong khi đó, F0 không triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ thì cách ly tại nhà, thực hiện nghiêm việc hạn chế tiếp xúc, giãn cách, gắn với việc giám sát y tế, tư vấn y tế cũng như là TPHCM có cơ chế phản ứng nhanh khi có tình huống cấp cứu.

Đây là việc mà TPHCM sẽ tập trung thực hiện nhiều hơn nữa trong thời gian sắp tới. Như thế, F0 vừa có điều kiện tâm lý, điều kiện sinh hoạt thoải mái hơn và giảm áp lực cho cơ sở thu dung, cơ sở điều trị. Đồng chí cho biết, quá trình triển khai TPHCM sẽ làm đồng bộ với giám sát y tế.

Mới đây, đã có mạng lưới tư vấn online của cộng đồng các giáo sư, bác sĩ trong cả nước. Mỗi giáo sư, bác sĩ sẽ phụ trách một số lượng F0 nhất định, hàng ngày giữ liên lạc để tư vấn, thăm hỏi và xử lý tình huống y tế khi có yêu cầu. Về việc này, TPHCM sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới, nhằm đảm bảo F0 ngay khi ở nhà, hay ở cơ sở thu dung, thì đều được tư vấn online, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, TPHCM tăng tờ rơi, hướng dẫn thêm về các loại thuốc giúp tăng sức khỏe, tăng đề kháng đối với F0 chăm sóc tại nhà, tại cơ sở thu dung.

 Về việc điều trị F0, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, số lượng ca F0 tăng lên, thì khoảng 70%-80% F0 không triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ thì sẽ chăm sóc tại nhà hoặc tại cơ sở thu dung và sau một thời gian sẽ vượt qua, khỏi bệnh. Tuy nhiên, dự kiến có khoảng 20%-30% cần can thiệp y tế, chăm sóc y tế. Trong số đó, có trường hợp trở nặng, hoặc rất nặng, cần điều trị tại các cơ sở y tế chuyên sâu, nâng cao. Vì thế, TPHCM đã có phương án tăng năng lực điều trị tại các cơ sở y tế.

Cụ thể, đối với bệnh viện quận, TPHCM đã có chủ trương và đang rà soát lại, giữ một phần bệnh viện hoạt động thông thường, và chuyển một phần bệnh viện sang phục vụ thăm khám, điều trị bệnh nhân Covid-19. Thời gian qua, việc này chưa làm đồng đều và TPHCM đang tăng cường tổ chức lại, tăng cường trang thiết bị y tế và phân chia nhân lực để phụ trách, đảm nhiệm việc này. Bởi, nếu tập trung điều trị Covid-19 tại một số bệnh viện thì áp lực lớn, nhưng có thể chia áp lực, chia nhiệm vụ cho các bệnh viện thì có thể thuận lợi cho việc tiếp nhận bệnh nhân Covid-19.

Cùng với đó, TPHCM có chủ trương huy động các cơ sở y tế tư nhân, bệnh viện tư nhân tham gia điều trị Covid-19. Việc này giúp năng lực điều trị được mở rộng ra. TPHCM cũng lập thêm nhiều bệnh viện dã chiến tham gia vào điều trị tầng 3, tầng 4. Hiện nay, TPHCM đã chuyển bệnh viện dã chiến số 6 thành bệnh viện điều trị tầng 3 và có một số chức năng có thể nâng cao hơn. TPHCM tiếp tục thành lập 1-2 bệnh viện như thế ngay trong tuần tới.

Cùng với tăng cường trang thiết bị và nhân lực cho điều trị ở tầng 3 và tầng 4, TPHCM cũng tổ chức lại, liên thông điều trị tầng 3, tầng 4 và tầng 5 để có thể chăm sóc tốt hơn, hạn chế F0 chuyển nặng, đặc biệt là hạn chế tử vong. Đối với tầng 5, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TPHCM đang được hoàn thiện để đạt công suất 1.000 giường. TPHCM đang cố gắng tăng thêm trang thiết bị và nguồn nhân lực cho bệnh viện này. Cộng với các bệnh viện khác ở tầng 5 và với sự tham gia của các bệnh viện lớn, các bệnh viện tư nhân thì sẽ giúp TPHCM điều trị cho F0 rất nặng trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi về áp lực đối với ngành y tế hiện nay đang như thế nào, đồng chí Phan Văn Mãi đánh giá, áp lực đang rất lớn. Với công suất hiện tại và số lượng F0 ra tăng hàng ngày, gần như các cơ sở y tế của TPHCM đã đầy công suất, thậm chí có nơi, có lúc gần như quá tải. Điều đó đòi hỏi TPHCM phải cố gắng hơn, phải rà soát sắp xếp lại để các tầng điều trị bố trí khoa học hơn, sự phối hợp kịp thời, nhuần huyễn hơn… Cộng với trong thời gian sắp tới, TPHCM tiếp tục thi công, tăng năng lực cho bệnh viện dã chiến có chức năng điều trị ở tầng 3, tầng 4 nhằm đáp ứng yêu cầu điều trị bệnh nhân Covid-19.

Hình thành trung tâm tiếp nhận, điều phối hàng cứu trợ

Liên quan đến việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, càng giãn cách càng lâu thì càng đòi hỏi phải đảm bảo trong việc cung ứng hàng hóa thiết yếu và chăm lo cho người có hoàn cảnh khó khăn. Đến giờ này, TPHCM đáp ứng tương đối nhu cầu mua sắm hàng thiết yếu của người dân. Tuy nhiên, với tinh thần không chủ quan, TPHCM sẽ tiếp tục bổ sung nguồn hàng, tăng điểm cung ứng hàng, đảm bảo cung ứng hàng về tận xã, phường, thị trấn.

Cùng với đó là các hình thức mua hàng trực tuyến, “đi chợ thay” đối với các khu phong tỏa. Bằng các giải pháp này, TPHCM đảm bảo đáp ứng cơ bản nhu cầu của người dân. “Càng kéo dài giãn cách, càng giãn cách triệt để thì việc cung ứng hàng hóa càng phải được đảm bảo thì người dân mới giữ nghiêm được giãn cách”, đồng chí Phan Văn Mãi đánh giá.

Trong hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, đồng chí Phan Văn Mãi cho hay, TPHCM đã nhận sự giúp đỡ lớn từ người dân các tỉnh, thành trong cả nước. TPHCM tiếp nhận, điều phối, chuyển tới từng khu phố, từng điểm phong tỏa, từng người dân. TPHCM cũng chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ không đăng ký tạm trú trên địa bàn TPHCM để có hình thức hỗ trợ phù hợp. Bên cạnh tổng đài 1022 (nhánh 2), TPHCM đang triển khai các kênh đường dây nóng giúp người dân thuận tiện phản ánh nhu cầu lương thực thực phẩm cũng như các khó khăn gặp phải.

TPHCM cũng đang hình thành trung tâm tiếp nhận, điều phối hàng cứu trợ tới từng xã, phường, thị trấn và từ đó tới từng khu phố, từng khu nhà trọ, từng nơi sinh sống của công nhân, người lao động. Đặc biệt, TPHCM cố gắng không bỏ sót các khu nhà trọ, nơi đông công nhân, người lao động sinh sống.

Về tiêm vaccine, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM đang đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng theo hướng đơn giản hóa quy trình, đội hình tiêm vaccine, làm sao tổ chức được nhiều đội hình tiêm vaccine cho người dân. TPHCM cũng đề nghị Trung ương tăng cường lượng vaccine cho TPHCM, giúp người dân tăng cơ hội tiếp cận vaccine.

Đề cập đến quy định hạn chế ra đường sau 18 giờ, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM sẽ tổ chức tiêm vaccine sau 18 giờ trong những ngày sắp tới. Phạm vi tiêm chủ yếu diễn ra trên từng phường, mỗi phường có 2 điểm. Chỉ những người 65 tuổi, có bệnh nền thì tiêm tại bệnh viện. Như vậy, phạm vi giới hạn ở phường hoặc rộng hơn là quận và TPHCM sẽ có bộ nhận diện cụ thể để người tiêm vaccine có thể đi ra đường sau 18 giờ.

Trả lời câu hỏi các chuyên gia có kịch bản gì cho TPHCM và liệu đến ngày 1-8 có thể kết thúc đợt giãn cách hay không, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, đến giờ này có nhiều ý kiến về việc này. Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TPHCM đang tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp theo Chỉ thị 12 của Thành ủy TPHCM, theo văn bàn 2468 của UBND TPHCM.

“Tôi nghĩ rằng sau ngày 1-8, TPHCM sẽ cần thêm thời gian để tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách. Thời gian đó có thể 1 tuần, hoặc 2 tuần. Đến ngày 1-8, TPHCM sẽ đánh giá và có chủ trương cụ thể cho thời gian sắp tới”, đồng chí Phan Văn Mãi thông tin.

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, hiện nay, có tình trạng nhiều công nhân ở Đồng Nai, Bình Dương muốn trở về quê và đi ngang qua TPHCM trong thời điểm giãn cách xã hội. Để tránh tình trạng “mắc kẹt” ở địa bàn giáp ranh với TPHCM, đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng, công nhân, người lao động cần liên hệ với chính quyền địa phương. Các địa phương tổ chức chu đáo việc về quê sẽ giúp đường về quê của người dân bớt vất vả hơn, vừa đảm bảo sức khỏe, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.