Thứ Năm, 05/05/2022, 10:24 (GMT+7)
.
Ngược dòng Bảo Định

BÀI 2: Mỹ Tho trên bến dưới thuyền

Bài 1: Tìm lại dòng sông

Theo sử sách của triều Nguyễn, đô thị Mỹ Tho được hình thành và trở nên sầm uất bên dòng sông Mỹ Tho từ mấy trăm năm trước khi Chính thống Nguyễn Cửu Vân cho đào kinh nối liền sông Mỹ Tho với rạch Vũng Gù. Từ khi có dòng kinh mới thông thương, Mỹ Tho càng thêm sầm uất, trở thành trung tâm giao thương của cả miền sông nước Nam bộ nối với Sài Gòn, Biên Hòa và tỏa đi mọi miền Tổ quốc.

TUYẾN ĐƯỜNG THỦY HUYẾT MẠCH

Trước khi kinh Chợ Gạo được đào vào năm 1876 thì kinh Bảo Định là con đường thủy huyết mạch của phương Nam. Trong thời kỳ giao thông thủy là chính, ghe, tàu từ Cà Mau, Hà Tiên, Rạch Giá đều theo sông Hậu, sông Tiền tới Mỹ Tho, rồi từ đây thẳng tới Sài Gòn là đoạn đường ngắn nhất.

Vàm Bảo Định tại TP. Mỹ Tho từng là cảng sông sầm uất một thời. Ảnh tư liệu
Vàm Bảo Định tại TP. Mỹ Tho từng là cảng sông sầm uất một thời. Ảnh tư liệu

Sau khi chiếm Nam kỳ lục tỉnh, người Pháp cho cải tạo, mở rộng kinh Bảo Định để thuận tiện giao thương và bắc cầu Quay qua ngọn sông, là chiếc cầu nổi tiếng từ xưa, hiện nối đường Thủ Khoa Huân (phường 1) với đường Đinh Bộ Lĩnh (phường 2 và phường 3) ở trung tâm TP. Mỹ Tho.

Cầu Quay được người Pháp xây dựng vào khoảng năm 1890, là cây cầu sắt do kiến trúc sư người Pháp Gustave Eiffel thiết kế, có đặc điểm nhịp giữa có hai đoạn rời nhau, điều khiển hai đoạn của nhịp giữa hạ xuống cho xe và người qua lại; hoặc điều khiển tách ra, quay lên như nóc nhà để tạo khoảng không cho tàu bè qua lại.

Vào năm 1938 cầu Quay bị sập do hai đoạn của nhịp giữa sụm xuống. Ngay sau đó, cây cầu được xây cất lại bằng bê tông cốt thép; đến năm 1985 được xây cất lại, mở rộng quy mô hơn. Vàm sông Bảo Định này đến đầu thế kỷ XX đã nổi tiếng là một giang cảng sầm uất, nhộn nhịp:

Đầu đường sáu tỉnh mối giềng
Tiệm ăn, tiệm ngủ khỏe yên bộ hành.

Đường thủy là đường tiện lợi nhất, vì vậy hai bến tàu lục tỉnh Mỹ Tho tại vàm Bảo Định luôn tấp nập, huyên náo ngày lẫn đêm. Nơi vàm kinh này, ngoài tàu đi lục tỉnh, còn có đò, thuyền, ghe buôn thập phương đến Mỹ Tho, từ đây ghe, thuyền nhỏ qua kinh Bảo Định để đi Sài Gòn, Chợ Lớn.

GA CUỐI TUYẾN XE LỬA ĐẦU TIÊN Ở ĐÔNG DƯƠNG

Tuyến đường sắt từ Sài Gòn đến Mỹ Tho có khổ đường rộng 1 m. Dự án được khởi công vào giữa năm 1881, thời gian thi công khoảng 4 năm, kinh phí thực hiện khoảng 6 triệu francs, nguyên vật liệu làm đường được chở từ Pháp sang và họ huy động hơn 11.000 lao động. Ngày 20-7-1885, đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho hoàn thành, với chiều dài 70 km. Chuyến xe lửa đầu tiên xuất phát từ ga Sài Gòn, vượt sông Vàm Cỏ Đông bằng phà tại Bến Lức và đến ga chót bên bờ sông Tiền, gần vàm sông Bảo Định, Mỹ Tho. Đây là tuyến đường sắt đầu tiên ở Đông Dương.

Ga xe lửa Mỹ Tho. Ảnh tư liệu
Ga xe lửa Mỹ Tho. Ảnh tư liệu

Hồi đó, ga xe lửa Mỹ Tho nằm trong dãy nhà ngói, cất theo kiểu Pháp, cùng với hệ thống phòng trọ và dịch vụ kéo dài đến chỗ Bưu điện Mỹ Tho ngày nay. Nằm cạnh ga xe lửa còn có bến tàu với 3 cầu tàu. Toàn bộ hành khách và hàng hóa từ Sài Gòn đi xe lửa tới Mỹ Tho sẽ xuống tàu về các tỉnh miền Tây; và ngược lại, hành khách và sản vật, cây trái từ miền Tây đi bằng tàu tới Mỹ Tho cũng lên xe lửa rồi đi tiếp lên Sài Gòn, Biên Hòa.

Vì vậy Mỹ Tho xưa được xem là “đầu mối trung chuyển”. Vào thời đó, ga xe lửa Sài Gòn nằm ở đầu đường Lê Lai, gần khách sạn Saigon New World bây giờ. Từ Sài Gòn đi Mỹ Tho có 15 ga. Ga thứ nhất gọi là Chợ Lớn Mới, nằm bên hông chợ An Đông. Kế đến là ga Chợ Lớn trên đường Hùng Vương. Các ga tiếp theo là Phú Lâm, Cây Mai, Bình Chánh, Gò Đen, Tân An, Tân Hương, Ông Táo, Tân Hiệp, Trung Lương và Mỹ Tho…

Chính thức khai trương vào năm 1885, đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho ngừng hoạt động vào năm 1958. Dù chỉ dài 70 cây số nhưng ngày xưa đi bằng xe lửa mất đến khoảng 2 tiếng rưỡi đồng hồ. Sở dĩ ga xe lửa Mỹ Tho xưa nổi tiếng trong thời Pháp thuộc vì đây là ga chót nối với các tuyến thủy, bộ đi lục tỉnh; và hồi đó Mỹ Tho là 1 trong 3 đô thị lớn nhất vùng. Nhà ga Mỹ Tho kiến trúc theo kiểu Pháp, mái ngói, vách tường, cửa ô vòng nguyệt, có chỗ bán vé, chỗ hành khách ngồi chờ, có cân dùng để cân hành lý, ai chở nặng thì phải trả nhiều tiền.

Đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho xưa mỗi ngày có 4 - 5 chuyến. Chuyến đầu tiên từ Mỹ Tho đi Sài Gòn khởi hành khoảng 4 giờ sáng, phục vụ công chức nhà ở Mỹ Tho nhưng làm việc ở Sài Gòn. Thế mới hay, dù là thời xa xưa, nhưng giao thông thuận tiện thì khoảng cách không còn là vấn đề.

NHÓM PV - CTV (còn tiếp)

 

.
.
.