Thứ Bảy, 17/09/2022, 20:49 (GMT+7)
.

Dạy con trong thời đại số

Ngày nay không khó bắt gặp những đứa trẻ dí mắt vào những chiếc điện thoại, iPad mà không quan tâm điều gì đang xảy ra bên ngoài. Nhưng việc cấm trẻ xem hoàn toàn thật sự là rất khó trong thời đại này. Vậy đâu là giải pháp để nuôi dạy trẻ an toàn và hiệu quả trong thời đại số hiện nay?

Thật ra thời đại số mang lại cả cái được và cái mất không chỉ cho người lớn mà cả với trẻ nhỏ. Cái được là trẻ có cơ hội tiếp cận giáo dục từ sớm, có đa dạng công cụ giao tiếp và tìm kiếm. Báo cáo hiện trạng về Ngăn chặn hành vi gây tổn hại ở Việt Nam mà Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) mới công bố vào đầu tháng 8-2022 cho thấy: 82% số trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12 - 13 tuổi có sử dụng Internet. Đối với trẻ từ 14 - 15 tuổi, con số này tăng lên 93%. 75% số trẻ trong độ tuổi từ 12  - 13 tuổi sử dụng ít nhất một lần mỗi ngày, và tăng vọt ở độ tuổi 14 -15 tuổi là 90%.

Đối với mức độ sử dụng như vậy, trẻ em ngày nay được tiếp xúc với công nghệ từ khi còn nhỏ, điều này giúp trẻ tiếp cận với nhiều kiến thức đa dạng, dễ dàng thu thập và tham khảo cùng lúc nhiều nguồn thông tin, tích hợp trải nghiệm từ ảo cho tới thực tế. Do đó, tư duy phản biện của trẻ em có lẽ chưa bao giờ mạnh mẽ như ngày nay. Với sự tò mò, ham mê tự tìm hiểu, trẻ em ngày nay có thể biết mọi thứ thông qua vài cú nhấp chuột, dẫn tới các em chủ động hơn, tự tin hơn vào bản thân, luôn muốn thử thách và phát triển bản thân.

Phụ huynh hỗ trợ con trẻ học trực tuyến trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát không thể đến trường. 		Ảnh: P. CÔNG
Phụ huynh hỗ trợ con trẻ học trực tuyến trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát không thể đến trường. Ảnh: P. CÔNG

Tuy nhiên, việc nuôi dạy con trẻ trong thời đại công nghệ số đã đặt ra nhiều suy nghĩ và cách tiếp cận sao cho đúng đắn và mang lại hiệu quả tích cực nhất cũng làm đau đầu nhiều phụ huynh. Việc tiếp xúc với công nghệ tiên tiến vừa giúp trẻ có nhiều điều kiện học hỏi cái mới, nhưng cũng kéo theo không ít hệ luỵ bởi sự lạm dụng, không kiểm soát gây ảnh huởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần cho các em.

Với sự bận rộn công việc ngoài xã hội, không ít phụ huynh đã chủ quan, lơ là trong việc kiểm soát con em mình, khiến cho các em bị nghiện máy tính, điện thoại, truy cập vào các nền tảng có nội dung không lành mạnh và khó tập trung học tập. Nhiều phụ huynh vô cùng lo lắng khi con trẻ dành nhiều thời gian trên không gian mạng dẫn đến việc tư duy thiếu thực tế, lệch lạc, tiêu cực, thậm chí kỹ năng giao tiếp bị hạn chế.

Các chuyên gia về công nghệ mạng cũng đưa ra nhiều cách thức giúp cha mẹ có thể kiểm soát dễ dàng việc con cái online như thế nào cho hiệu quả. Đầu tiên phụ huynh phải biết tạo tài khoản riêng cho trẻ, không nên để trẻ sử dụng chung tài khoản với phụ huynh trên máy tính hoặc trên những trình duyệt web mà trẻ đang sử dụng, nên để vào đó 1 tài khoản gmail chẳng hạn, để khi trẻ gõ vào máy sẽ lưu lại hết lịch sử các cuộc tìm kiếm, sử dụng đã qua để kiểm soát.

Từ những thông tin lưu lại, phụ huynh kiểm tra và phân loại. Nếu là thông tin tốt mà trẻ yêu thích thì phụ huynh sẽ nghiên cứu, giúp trẻ phát triển các tố chất sẵn có theo hướng tích cực. Còn thông tin xấu thì phụ huynh tìm hiểu nguồn xuất xứ từ đâu và tìm cách chặn lại. Cha mẹ cũng cần nói thẳng với con về những chương trình tốt - xấu để con hiểu và đi dần vào quỹ đạo. Và trẻ chỉ nên xem giải trí từ 30 phút, ngồi 30 - 40 phút thì đứng dậy vận động và không ngồi xem quá 2 giờ trong một lần vào mạng.

Thời gian vừa qua, không ít các ứng dụng, diễn đàn, mạng xã hội, kênh video... trên Internet xuất hiện các bài viết, clip, hình ảnh “gắn mác” dành cho trẻ em, nhưng mang nội dung không có tính giáo dục, phản cảm. Chị Nguyễn Thu Hoa (phường 10, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) chia sẻ: “Tôi có hai con trai 9 tuổi và 6 tuổi. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên có một thời gian dài, các cháu chủ yếu tự trông nhau và tự học trên Internet.

Sau thời gian này, tôi rất lo lắng vì thấy các cháu thỉnh thoảng có hành động, lời nói không phù hợp độ tuổi của mình, thậm chí có xu hướng hay gây gổ, bạo lực hơn trước. Tìm hiểu, vợ chồng tôi mới biết các cháu thường xuyên xem những clip trên kênh Youtube có nhiều hình ảnh chửi bới, bạo lực và bị ảnh hưởng từ đó”.

Hay anh Nguyễn Trung Kiên (xã Nhị Quý, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết, do thường xuyên xem các clip dạy tiếng Anh trên mạng mà khả năng nghe, nói tiếng Anh của các con anh tiến bộ từng ngày. Tuy nhiên, khi không có sự kiểm soát của người lớn, có thể các cháu sẽ truy cập vào các video có nội dung vô bổ, nhảm nhí. Chưa kể, trẻ cũng rất dễ bắt chước theo các nhân vật ưa thích.

Vừa qua, nhiều vụ trẻ em gặp nguy hiểm vì làm theo các clip nhào lộn, chế tạo pháo…, thậm chí các bé còn có thể bị gạ gẫm, quấy rối. Vì vậy, vợ chồng anh Kiên phải thường xuyên thay phiên nhau kiểm soát việc sử dụng Internet của con và hướng dẫn bé chỉ dùng, truy cập các ứng dụng, trang web có ích, phù hợp độ tuổi.

Theo các chuyên gia chuyên cứu về những vấn đề của trẻ em, để nuôi dạy con trẻ hiệu quả và an toàn trong thời đại số thì sự quan tâm của các bậc phụ huynh sẽ đóng vai trò then chốt. Với các độ tuổi khác nhau, phụ huynh có thể đồng hành để giúp con ứng dụng công nghệ số một cách an toàn.

Các bậc phụ huynh cần đồng hành cùng con với tinh thần cởi mở và hiểu biết, thay vì cấm đoán. Cha mẹ nên trò chuyện có trách nhiệm với con về những lợi ích và rủi ro khi tham gia không gian mạng để con tự do thử nghiệm trong phạm vi cho phép và rút ra bài học cho riêng mình. Các bậc phụ huynh cần thảo luận với con về thời gian dành cho mạng xã hội để cân bằng các hoạt động thể chất khác.

Tốt nhất, cha mẹ nên hạn chế đến mức tối đa việc giới thiệu các thiết bị màn hình điện tử như iPad, điện thoại, hay tivi cho trẻ dưới 5 tuổi. Đặc biệt, không dùng những thiết bị ấy để “mua thời gian” yên tĩnh hay để “giết thời gian” của trẻ.

Nếu cho trẻ xem, cha mẹ cần lựa chọn các video mang tính giải trí (video có âm nhạc hoặc có các nhân vật hoạt hình, hình ảnh đẹp) hoặc các video mang tính truyền tải hoạt động gần gũi (vừa vui nhộn vừa có tính giải trí với trẻ nhỏ, nhưng cũng truyền tải những nội dung về các hoạt động hằng ngày của trẻ, ví dụ như đi tắm, đánh răng, đi ngủ, hoặc đi chơi công viên...

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cha mẹ không nên quá hoang mang, dẫn đến chuyện cấm đoán con tiếp cận với công nghệ trong thời đại công nghệ số. Đừng vì sợ rủi ro mà cấm, xóa, khóa… Trước tiên, cha mẹ nên cùng con trao đổi, để con nhận thức về sự phát triển đa dạng của công nghệ thông tin và các nguy cơ có thể gặp phải.

Từ đó, dạy con kỹ năng sử dụng công nghệ, như dùng khi nào, trong bao lâu, các kênh nào nên theo dõi… Khi các con đã bắt đầu “cứng cáp”, cha mẹ hãy cho con sử dụng và có giám sát theo cách hợp lý (xem cùng con, cài một số trang được dùng trong máy...); đồng thời, có quy dịnh và hình thức thưởng phạt rõ ràng, áp dụng khi con dùng Internet.

P. NGHI

.
.
.