Thứ Tư, 28/09/2022, 11:14 (GMT+7)
.

Hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân chất độc da cam

Những năm qua, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (viết tắt là NNCĐDC) trong tỉnh thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC. Trong đó có Mô hình “Hỗ trợ bò giống, heo giống” do Trung ương Hội NNCĐDC Việt Nam phát động đã hỗ trợ sinh kế cho các gia đình NNCĐDC trên địa bàn tỉnh có điều kiện chăn nuôi, từng bước vươn lên, ổn định cuộc sống.

Tiền Giang hiện có trên 12 ngàn người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Hầu hết các gia đình có NNCĐDC luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống, bởi NNCĐDC rất hạn chế về khả năng lao động sản xuất, thậm chí những nạn nhân bệnh nặng hoàn toàn không còn khả năng lao động, họ sống nương tựa vào người thân trong gia đình. Vì vậy, việc hướng dẫn và giúp đỡ công ăn, việc làm cho gia đình NNCĐDC là điều mà Hội NNCĐDC các cấp luôn trăn trở.

Bàn giao bò sinh sản cho gia đình NNCĐDC Lê Thị Tuyết Mai, xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo.
Bàn giao bò sinh sản cho gia đình NNCĐDC Lê Thị Tuyết Mai, xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo.

Qua khảo sát thực tế ở nhiều địa phương trong tỉnh, việc triển khai Mô hình “Hỗ trợ bò giống, heo giống” cho những gia đình NNCĐDC là biện pháp thiết thực và phù hợp, đặc biệt ở vùng nông thôn. Với mô hình sinh kế này, đến nay, toàn tỉnh có 42 hộ NNCĐDC được hỗ trợ vốn (không lãi suất); trong đó có 34 hộ vay mới, tổng số tiền 425 triệu đồng, thời gian vay từ 2 năm trở lên mới hoàn vốn chuyển sang hộ khác, bình quân mỗi hộ nhận 10 triệu đồng để làm vốn chăn nuôi.

Mô hình triển khai nhiều nhất ở huyện Tân Phước với 12 hộ NNCĐDC và TX. Cai Lậy là 9 hộ. Hầu hết các hộ nạn nhân vay vốn từ mô hình đều đầu tư chăn nuôi hiệu quả và hoàn vốn đúng hạn. Tiếp tục thực hiện mô hình, mới đây vào ngày 13-9-2022, Hội NNCĐDC tỉnh cùng đại diện các nhà tài trợ tiến hành bàn giao bò và heo giống sinh sản cho 3 gia đình nạn nhân (vay chăn nuôi, mỗi hộ 15 triệu đồng) ở huyện Chợ Gạo.

Chủ tịch Hội NNCĐDC tỉnh Dương Thị Lệ cho biết, thời gian qua, Mô hình “Hỗ trợ bò giống, heo giống” ngày càng được nhân rộng trong NNCĐDC ở các địa phương của tỉnh, nhất là vùng nông thôn do điều kiện chăn nuôi bò, heo thích hợp bởi nguồn thức ăn dồi dào, bà con có thể tận dụng từ thức ăn thô xanh như thân cây bắp, các loại cỏ, rau, củ, quả…

Hiện nhiều hộ nạn nhân đã nhận vốn đầu tư chăn nuôi bò phát triển tốt, dự kiến sẽ hoàn vốn vào năm sau, như hộ bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, ấp Bình Hưng, xã Bình Phan; hộ ông Dương Văn Sáu, ấp Tân Thành, xã Tân Thuận Bình, thuộc huyện Chợ Gạo…

Chủ tịch Hội NNCĐDC tỉnh Dương Thị Lệ cho biết thêm, từ năm 2020, Trung ương Hội NNCĐDC hỗ trợ vốn cho nạn nhân nuôi bò tăng lên 17 triệu đồng/con, người nuôi có lợi thế mua được bò lớn hơn và thời gian cho thu nhập nhanh hơn.

Ngoài việc nhận vốn nuôi bò, heo sinh sản, các gia đình nạn nhân có thể nhận vốn để nuôi dê sinh sản hoặc dê thịt, tùy theo hoàn cảnh, điều kiện của mỗi gia đình. Mô hình “Hỗ trợ bò giống, heo giống” ngày càng được triển khai rộng rãi cho nhiều NNCĐDC do dễ thực hiện, hiệu quả kinh tế bền vững và phù hợp với khả năng lao động, hoàn cảnh của nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam.

LÊ HUỲNH

.
.
.