Thứ Sáu, 02/12/2022, 09:51 (GMT+7)
.

Vai trò phụ nữ trong phổ biến, giáo dục pháp luật

Nhìn lại 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) trong tỉnh Tiền Giang luôn phát huy vai trò, tích cực, sáng tạo trong chỉ đạo, triển khai Luật PBGDPL gắn với thực hiện phong trào thi đua và các nhiệm vụ trọng tâm của Hội.

NHIỀU MÔ HÌNH, CÁCH LÀM HIỆU QUẢ

Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Tiền Giang đã triển khai quán triệt kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các bộ luật sửa đổi, bổ sung… theo đúng tinh thần của Luật PBGDPL năm 2012. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ (HVPN) trong việc chấp hành các quy định của pháp luật. Với vai trò là thành viên của Hội đồng phối hợp PBGDPL, Hội LHPN từ tỉnh đến cơ sở luôn thực hiện tốt các nhiệm vụ, bám sát các nội dung, chương trình, đề án PBGDPL của Trung ương và địa phương, triển khai thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với từng cán bộ, HVPN.

HVPN các cấp tham gia Hội thi Tuyên truyền, PBGDPL.
Hội LHPN huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thi Tìm hiểu các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

Trong 10 năm qua, các cấp Hội LHPN đã tổ chức 56.388 cuộc tuyên truyền, có trên 1,6 triệu lượt cán bộ, HVPN và người dân tham dự; cấp phát trên 100 ngàn tờ rơi tuyên truyền nhiều nội dung về quy định pháp luật cho HVPN và người dân. Thông qua, các hoạt động do Hội tổ chức đã nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, HVPN; đồng thời, vận động chị em và gia đình thực hiện nghiêm “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”. Bên cạnh đó, phát huy vai trò, chức năng của tổ chức Hội trong việc tham gia góp phần đưa luật pháp đi vào cuộc sống.

Quá trình thực hiện Luật PBGDPL, các cấp Hội đã có nhiều mô hình, cách làm hiệu quả, như duy trì sinh hoạt các mô hình PBGDPL hiện có (Tổ phụ nữ không có người thân phạm tội và tệ nạn xã hội, câu lạc bộ (CLB) gia đình hạnh phúc, CLB phụ nữ với pháp luật, CLB tình thương và trách nhiệm…). Qua đó, góp phần phát huy vai trò nòng cốt của thành viên các CLB, tổ, nhóm trong đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL.

Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội thực hiện tốt hơn vai trò thành viên Hội đồng tuyên truyền, PBGDPL cùng cấp; tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình tuyên truyền, giáo dục pháp luật hiệu quả tại địa phương. Bản thân cán bộ Hội các cấp cũng thường xuyên tự học tập, tìm hiểu, nghiên cứu chính sách, pháp luật, nhất là tiếp cận nhanh các văn bản mới để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Mô hình tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý trực tiếp cho HVPN, nhất là đối tượng phụ nữ nông thôn được các cấp Hội quan tâm thực hiện. Trong 10 năm qua, các cấp Hội đã thực hiện được trên 500 cuộc, tuyên truyền cho trên 26 ngàn HVPN; tư vấn, hỗ trợ cho 895 lượt HVPN. Bên cạnh đó, các cấp Hội phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 1.200 cuộc truyền thông tuyên truyền, tọa đàm, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, các lớp kỹ năng, nâng cao nghiệp vụ dành cho chị em phụ nữ và các hoạt động liên quan đến pháp luật, phòng, chống bạo lực gia đình cho HVPN và trẻ em.

Với mục tiêu đưa pháp luật đi vào cuộc sống, Luật PBGDPL năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo điều kiện cho công tác PBGDPL có những bước phát triển mới, công tác tuyên truyền ngày càng đi vào nền nếp, thống nhất, hiệu quả. Việc đổi mới các hình thức, nội dung PBGDPL đã nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, HVPN. Việc tự học tập, nghiên cứu pháp luật của các cá nhân được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu, mọi người dân đều có thể tra cứu, nghiên cứu và am hiểu pháp luật được nâng lên rõ rệt.

Có thể nói, với những mô hình, phần việc ý nghĩa, thiết thực trong thực hiện Luật PBGDPL, các cấp Hội LHPN tỉnh đã đẩy mạnh công tác Hội và phong trào phụ nữ, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng chính quyền, đoàn thể ngày càng vững mạnh.

CHÚ TRỌNG NHÓM ĐỐI TƯỢNG PHỤ NỮ YẾU THẾ

Cùng với việc tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về pháp luật, các cấp Hội LHPN còn phối hợp tuyên truyền lồng ghép nội dung kiến thức pháp luật đến toàn thể HVPN thông qua các buổi sinh hoạt CLB, tổ, nhóm phụ nữ theo chuyên đề, sinh hoạt định kỳ. Trong triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào phụ nữ và công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các cấp Hội LHPN tỉnh luôn quan tâm, chú trọng đến nhóm đối tượng phụ nữ đặc thù, yếu thế, trong đó có nhóm đối tượng phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình.

Bởi trong gia đình, phần lớn nạn nhân bị bạo lực chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, những nạn nhân này thường phải gánh chịu nhiều hậu quả tổn thương về thể xác, tinh thần, kinh tế, nhất là những gia đình thường xảy ra tình trạng bạo lực sẽ gây nhiều tác động xấu đến trẻ em, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và hành vi của trẻ…

Hội LHPN tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức về nguy cơ, tác hại của bạo lực gia đình, buôn bán và xâm hại phụ nữ, trẻ em. Theo đó, Hội thường xuyên tuyên truyền các nội dung của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình… Trong 10 năm qua, Hội luôn duy trì sinh hoạt các CLB “Phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em”, “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”, “Gia đình hạnh phúc”, “Nhóm cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ thơ”; tọa đàm “Giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới”…

Trong thời gian qua, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh chỉ đạo của các cấp Hội phát huy tinh thần trách nhiệm trong tham gia phòng, chống bạo lực gia đình; củng cố, nâng cao hiệu quả các “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”, đảm bảo là nơi tạm lánh, là địa chỉ an toàn để nạn nhân bạo lực gia đình tìm đến để được tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ; đồng thời, mạnh dạn lên tiếng tố giác các hành vi bạo lực và tích cực tham gia các tổ hòa giải ở địa phương nhằm góp phần hạn chế các vấn đề bạo lực xảy ra ngay từ trong gia đình. Trong 10 năm qua, Hội LHPN tỉnh đã tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ 59 trường hợp và ở cấp huyện là 325 trường hợp phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình…

NHƯ NGỌC

.
.
.