Thứ Hai, 02/01/2023, 15:36 (GMT+7)
.

Hội Người mù tỉnh Tiền Giang: Vượt khó chăm lo cho hội viên

Trong những năm qua, Hội Người mù (HNM) tỉnh Tiền Giang đã thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là quan tâm chăm lo đời sống và tạo việc làm cho hội viên. Qua đó, giúp hội viên có thêm nghị lực và niềm tin ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC

Với mục tiêu xây dựng “điểm tựa tinh thần” của người khiếm thị, thời gian qua, HNM tỉnh tích cực tuyên truyền, động viên và kết nạp người khiếm thị đủ tiêu chuẩn tham gia vào tổ chức Hội, góp phần giúp người khiếm thị tự tin hòa nhập cộng đồng. Đến nay, HNM tỉnh có 985 hội viên (514 nam, 471 nữ) trên tổng số 1.125 người mù, sinh hoạt ở 10 chi hội các huyện, thành, thị.

Hội viên HNM tỉnh tham gia học các lớp xoa bóp do Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang giảng dạy.  Ảnh: TẤN TRUNG
Hội viên HNM tỉnh tham gia học các lớp xoa bóp do Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang giảng dạy. Ảnh: TẤN TRUNG

Năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm hội viên nhưng các hoạt động của các cấp HNM trong tỉnh vẫn đảm bảo ổn định. Tỉnh hội thường xuyên tập trung tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho cán bộ, hội viên, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của các cấp Hội; tích cực hưởng ứng thực hiện tốt 3 cuộc vận động “Cải cách hành chính”, “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng hòa nhập với cộng đồng” và “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Bên cạnh đó, các cấp Hội còn quán triệt trong hội viên thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “Tàn nhưng không phế” để vươn lên trong lao động, sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Ngoài ra, HNM tỉnh còn mở các lớp dạy xóa mù chữ Braille cho hội viên tại Tỉnh hội, HNM TP. Mỹ Tho và huyện Cai Lậy; đồng thời, thực hiện tốt chế độ phân phát báo chữ nổi cho các Hội cơ sở. Nhằm giúp các hội viên gắn kết với nhau, các Hội cơ sở đã tổ chức nhiều câu lạc bộ như: “Gia đình hạnh phúc” (TP. Mỹ Tho), “Tổ gia đình hạnh phúc”, “Dân số kế hoạch hóa gia đình” (huyện Cai Lậy), “Tiếng hát Người khiếm thị”…

QUAN TÂM, CHĂM LO HỘI VIÊN

Xác định người mù là đối tượng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, dễ bị tổn thương nên ngay từ những ngày đầu thành lập, HNM tỉnh luôn chú trọng đến công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của hội viên, tạo mọi điều kiện để hội viên vươn lên, hòa nhập cuộc sống. Những năm qua, không chỉ nỗ lực trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, các cấp HNM trong tỉnh còn huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có thêm điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh cải thiện thu nhập.

Các cấp Hội thường xuyên quan tâm thực hiện chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người khiếm thị được hưởng chế độ đãi ngộ theo quy định cũng như Luật Người khuyết tật. Từ những hoạt động trợ giúp thiết thực, HNM tỉnh đã trở thành ngôi nhà chung của cộng đồng người khiếm thị.

Chủ tịch HNM tỉnh Lê Văn Khôi cho biết, người khiếm thị gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, từ việc đi lại, sinh hoạt hằng ngày cũng như phát triển kinh tế. Thấu hiểu những điều đó, HNM tỉnh cùng các chi hội thường xuyên giúp đỡ họ có điều kiện cải thiện sinh kế, hòa nhập cộng đồng.

Hằng năm để giúp người khiếm thị tự tin hòa nhập cộng đồng và tham gia sinh hoạt hội, HNM tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác củng cố tổ chức, phát triển hội viên, chăm lo đời sống, dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên. Không chỉ tạo điều kiện về vốn, các cấp HNM còn mở các lớp đào tạo nghề cho hội viên.

Tiêu biểu như HNM TP. Mỹ Tho mở 1 lớp dạy nghề làm bàn chải chà sàn cho 6 hội viên; mở lớp đào tạo xoa bóp, bấm huyệt cho khoảng 30 hội viên. Hiện nay, trong HNM tỉnh có 5 cơ sở xoa bóp do Hội quản lý, đã tạo việc làm thường xuyên cho 30 hội viên, thu nhập bình quân từ 1,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng.

Song song với các hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, HNM tỉnh còn chăm lo đời sống cho hội viên với nhiều hình thức như quan tâm nắm bắt, đề xuất giải quyết chế độ chính sách cho hội viên; vận động các nguồn quỹ để hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, sửa chữa nhà cho hội viên, với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng mỗi năm; tổ chức góp vốn xoay vòng, nuôi heo đất hỗ trợ cho các hộ gia đình hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Đến cuối năm 2022, số hội viên người mù thuộc diện hộ nghèo trong toàn tỉnh giảm còn 19,55%.

Trong quá trình hoạt động, các cấp HNM trong tỉnh luôn xem công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, cần phải ưu tiên thực hiện. Do đó, thời gian tới, Tỉnh hội sẽ củng cố và phát triển các dịch vụ tập trung, mở thêm lớp đào tạo nghề, tiếp tục huy động tốt các nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời, hiệu quả hơn cho hội viên.

SONG AN

.
.
.