Thứ Bảy, 11/03/2023, 09:40 (GMT+7)
.

Cảnh báo nguy cơ lây lan dịch tả lợn châu Phi

Tuy dịch tả lợn châu Phi có giảm hơn năm 2022, nhưng theo khuyến cáo của Cục Thú y, nguy cơ dịch tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao. Nguyên nhân là do đặc điểm của virus dịch này có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại Hội nghị phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2023, do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 10/3, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) thông tin, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 68 ổ dịch bệnh tả lợn châu Phi tại 22 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 2.984 con lợn. So với cùng kỳ năm 2022, số tỉnh có dịch giảm 50%, số ổ dịch giảm 87,4%, số lợn phải tiêu hủy tại các ổ dịch giảm gần 87,95%.

Tuy dịch có giảm hơn năm 2022, nhưng theo khuyến cáo của Cục Thú y, nguy cơ dịch tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao. Nguyên nhân là do virus dịch tả lợn châu Phi có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp. Thêm vào đó, chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỉ lệ lớn, trong khi không bảo đảm các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học; thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, diễn biến phức tạp, gây bất lợi cho sức khỏe đàn vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh…

Đối với tình hình dịch bệnh cúm gia cầm, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 4 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 4 huyện của 4 tỉnh. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 6.569 con. So với cùng kỳ năm 2022, số ổ dịch giảm 33,33%, số gia cầm bị dịch phải tiêu hủy giảm hơn 71,26%.

Các ổ dịch cúm gia cầm chủ yếu xảy ra tại hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, chưa được tiêm phòng vaccine cúm gia cầm. Các địa phương đã phát hiện, xử lý kịp thời, không để lây lan diện rộng.

Cục Thú y khuyến cáo, trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao, do: Tổng đàn gia cầm lớn, chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm đa số, chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, chưa an toàn dịch bệnh, nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vaccine; virus cúm gia cầm (các chủng A/H5, bao gồm H5N1, H5N6, H5N8...) lưu hành ở nhiều địa phương với tỉ lệ khá cao (khoảng 6%);

Giao thương buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm trong nước gia tăng, giết mổ nhỏ lẻ còn rất phổ biến (cả nước còn trên 22.000 điểm giết mổ nhỏ lẻ); tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm còn xảy ra tại các tỉnh biên giới…

"Cán bộ thú y cơ sở do UBND xã trả lương, mức lương rất thấp, nên phần lớn thời gian trong tuần phải làm các công việc khác, vì vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh ở cơ sở rất hạn chế, như báo cáo không kịp thời, thống kê không chính xác, tiêm phòng không đảm bảo", ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Tháp nêu thêm một nguyên nhân khiến cho công tác phòng, chống dịch bệnh ở cơ sở rất hạn chế.

Tập trung các nguồn lực để triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: "Quy mô đàn vật nuôi hiện nay rất lớn: Đàn lợn trên 28,5 triệu con, đàn gia cầm 550 triệu con, đàn trâu bò hơn 9 triệu con, tốc độ tăng trưởng chăn nuôi là 5,93%, tổng sản lượng thịt là 7,06 triệu tấn, sản lượng trứng 18,3 tỷ quả, sữa 1,28 triệu tấn. Ngành thủy sản cũng lần đầu đạt mốc 9 triệu tấn. Để chăn nuôi và thủy sản phát triển và chiếm tỷ trọng trên 53% của toàn ngành nông nghiệp như hiện nay, vai trò của ngành thú y đặc biệt quan trọng trong việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh một cách hệ thống, bài bản, từ văn bản quy phạm pháp luật đến chiến lược, kế hoạch, các giải pháp".

Với nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên gia súc, gia cầm thời gian tới là rất cao, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật Thú y; khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vaccine phòng các bệnh, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, bệnh tai xanh trên lợn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

Tập trung, đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật...

Một trong những nguyên nhân dẫn tới nguy cơ tái phát và lây lan diện rộng với nhiều dịch bệnh động vật nguy hiểm trong thời gian tới liên quan đến công tác tiêm phòng. Hiện nay, trên cả nước, nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vaccine; việc tiêm phòng vaccine lở mồm long móng chưa triệt để; một số địa phương chưa thực hiện tốt việc tiêm phòng vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục cho trâu bò mới và tiêm phòng bổ sung cho trâu bò đã hết thời gian miễn dịch; nhiều địa phương chưa thực hiện tốt việc tiêm phòng cho đàn gia súc mới, đàn gia súc đã hết miễn dịch.

Tỉ lệ virus lưu hành còn khá cao (khoảng 6%) đang là nguy cơ lớn làm tái phát và lây lan dịch cúm gia cầm. Tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm còn xảy ra tại các tỉnh biên giới đang dẫn tới nguy cơ xuất hiện một số chủng virut cúm gia cầm (A/H7N9, A/H5N2...) xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc.

Tỉ lệ chăn nuôi, giết mổ nhỏ lẻ còn phổ biến cũng đang tiềm ẩn nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh.

Các địa phương cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; hướng dẫn chủ vật nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng bệnh bằng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc; 

Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới; tập trung, đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh; đặc biệt các chuỗi, các vùng cần an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE/WOAH để phục vụ xuất khẩu

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương khẩn trương kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực thú y các cấp và chấn chỉnh công tác thú y tại tuyến huyện, tuyến xã. Thực tế cho thấy hoạt động của thú y cơ sở ở nhiều địa phương đang rất bất cập.

(Theo baochinhphu.vn)

 

 

.
.
.