Chủ Nhật, 09/04/2023, 13:03 (GMT+7)
.

Khi con "đặc biệt"

Con tôi không bình thường như những đứa trẻ khác nhưng chí ít có thể biết ôm mẹ khi vui khi buồn; có lúc nghe lời, có lúc quấn quýt mẹ. Lần tôi quyết định đưa cậu con trai bị chậm phát triển ra Hà Nội điều trị bằng phương pháp cấy tế bào gốc, một bác sĩ nói: “Em suy nghĩ kỹ chưa?..."

"...Can thiệp phẫu thuật có thể gặp rủi ro đấy. Nhìn ra ngoài xem, có những đứa con không thể vận động được tay chân bình thường, bố mẹ sẵn sàng chấp nhận những rủi ro cao để có cải thiện. Với trường hợp của em, con vẫn có thể tiến bộ. Không tính bằng tháng thì tính bằng năm. Không tính bằng năm thì tính bằng chục năm".

1. Mắt tôi chợt ướt nhòa khi nhìn những ông bố bà mẹ quanh mình lúc đấy. Có trường hợp, bà mẹ gãi lưng cho đứa con bao năm như gãi một tượng gỗ, thằng bé không thể nói năng, thậm chí phải thật lâu, nó mới động đậy mí mắt. Có trường hợp ông bố phải dìu đứa con gái từng bước chân nếu muốn con mình bước… Con tôi không bình thường như những đứa trẻ khác nhưng chí ít có thể biết ôm mẹ khi vui khi buồn; có lúc nghe lời, có lúc quấn quýt mẹ. Và kể cả việc tưởng như rất đỗi bình thường là đi chơi cùng nhau, tôi vẫn có thể nắm tay con leo núi, đi biển, thấy rõ sự thích thú trong mắt thằng bé dù con không biết gọi tên những cảm xúc của mình.

Và tôi đưa con về nhà, không ngừng hy vọng, dù sự tiến bộ của con có chậm đi nữa. Không như trước đây, tôi luôn dễ tuột cảm xúc xuống những nốt trầm khi mỗi năm hết tết đến, con lại thêm một tuổi nhưng chỉ lớn về thể xác, còn trí tuệ vẫn chỉ như một đứa trẻ.

Sau lần ấy, tôi bất ngờ thấy những lo âu, cảm giác về sự bất hạnh may mà không ở lại bên mình nữa. Tôi chọn nhìn về hạnh phúc của mình là sự phát triển từng chút, từng chút để đi đến dấu mốc có thể sống hòa nhập với mọi người bình thường của con. Dù hạnh phúc ấy, trong mắt nhiều người vẫn rất đáng thương.

2. Con trai tôi học Trường chuyên biệt Khai Trí. Khác với bọn trẻ bình thường, ngoài Trung thu, khai trường… có thêm một ngày hội cho các bạn nhỏ “VIP” trong trường là ngày 2-4, Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ. Thầy của con chia sẻ những bức tranh các con vẽ về chủ đề này trong ngày hội. Có một bức tranh của lớp con, vẽ những bàn tay sát bên nhau, tô màu rực rỡ như cầu vồng bảy sắc, là sản phẩm của những cậu bé 14, 15 tuổi. Một người mẹ thốt lên: “Các con giỏi quá, tô không bị lem kìa, nhìn màu sắc tươi tắn quá”. Nếu dõi theo hành trình làm bố làm mẹ của một đứa trẻ “đặc biệt”, bạn sẽ thấy bao sự xúc động phía sau đó.

a
Trẻ đặc biệt tham gia vẽ tranh

Cách đây vài năm, Đốm vẽ những bức tranh, màu chủ đạo là nâu và đen với những nét nguệch ngoạc thô, sắc lẹm. Cô giáo nhìn tranh đọc tâm lý, nói điều ấy thể hiện những bức xúc trong tâm trí con không giải tỏa được. Tôi nhìn những sắc màu cam, xanh lá, đỏ… trong bức tranh của các con hôm nay, như cầu vồng bảy sắc, thấy lòng mình ngân nga theo những giai điệu vui tươi khi cảm nhận được niềm rộn ràng trong tâm tưởng của Đốm cũng như những bè bạn.

Và cũng cách đây vài năm, Đốm vẽ một bức tranh, thằng bé đứng tách rời bố mẹ và em gái. Cô giáo hỏi ai đây, con nói: “Đốm, bố, mẹ, em Bống”. Cô giáo hỏi tôi, trong cuộc sống thường nhật có phải vì con cảm thấy không được quan tâm nhiều nên mới vẽ như thế không?

Thực ra, như rất nhiều bà mẹ có con là trẻ “VIP” khác, tôi luôn có sự quan tâm đặc biệt cho con hơn với một đứa trẻ bình thường vì cảm giác thương con thua thiệt. Nhưng trong suy nghĩ của những đứa trẻ đặc biệt, con vẫn thấy mình không hòa nhập được với thế giới cuộc sống bình thường. Đó đã là khoảng trống mà phải tính bằng nhiều năm, nhiều thầy cô và gia đình cùng nỗ lực xích gần lại.

3. Làm bố mẹ của một đứa trẻ “đặc biệt” dĩ nhiên cũng phải là người thật đặc biệt. Trong bộ phim Cậu bé đặc biệt của Ấn Độ kể về một cậu bé tự kỷ, bố mẹ nói với con - một cậu bé đặc biệt rằng - mày vô tích sự, mày chẳng làm được gì, mày làm phiền tao... Cho tới khi thầy giáo dạy vẽ của con kể cho họ nghe về việc đốn hạ một cái cây: “Một bộ lạc ở vùng hoang đảo nọ muốn chặt bỏ một cái cây nhưng không có công cụ gì, họ liền đi vòng quanh cái cây chửi rủa, xúc phạm nó. Họ không thèm quan tâm chăm sóc gì… và quả thực, một thời gian ngắn sau đó cây lụi tàn, mất sức sống. Họ tin rằng cái cây đã bị hạ bằng lời chửi rủa, xúc phạm”. Câu chuyện khiến ông bố lặng đi, bà mẹ bật khóc vì thương con. Tôi cũng đã khóc theo từng cơn nức nở của người mẹ ấy.

Người thầy dành cho cậu bé tự kỷ nhiều lời khen tặng, luôn nhìn cậu bé với thái độ hết sức trân trọng và nhẫn nại lắng nghe cậu, dù sự lắng nghe có khi chỉ là ánh mắt thấu hiểu vì cậu bé nhất định không nói năng, chia sẻ gì. Và cậu bé đã xứng đáng với niềm tin của người thầy khi vượt qua tất cả học sinh lẫn giáo viên, đoạt giải nhất cuộc thi hội họa toàn trường, điều mà không ai có thể ngờ tới.

Người thầy dạy vẽ ấy vốn từng là một đứa trẻ tự kỷ; từng bị tổn thương và từng hiểu lời khen tặng dành cho một đứa trẻ khiếm khuyết có ý nghĩa lớn lao thế nào. Niềm tin được trao đi sẽ nhận về những quả ngọt. “Con là một món quà đặc biệt. Đơn giản chỉ là vậy”. Đó là thông điệp mà bộ phim gửi tới, có ý nghĩa như một câu thần chú để mỗi ông bố, bà mẹ có thể nắm tay con bước qua những chông gai.

Và với tôi, sau tất cả, vẫn luôn nghĩ, con đến với mình không chỉ là món quà mà còn để đặt mình vào hoàn cảnh biết nhẫn nại hơn, chịu khó hơn, thấu hiểu hơn, nỗ lực hơn mỗi ngày…

Theo sggp.org.vn


 

 

.
.
.