Thứ Sáu, 21/04/2023, 14:48 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Chủ động ứng phó mưa giông, lốc xoáy

Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, tỉnh Tiền Giang đang triển khai các giải pháp để phòng, chống nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.

ĐẦU MÙA ĐÃ GÂY THIỆT HẠI LỚN

Thời điểm này, trên địa bàn tỉnh mới chỉ xuất hiện những cơn mưa đầu mùa. Tuy nhiên, mưa giông đã gây thiệt hại lớn tại các huyện, thị phía Tây của tỉnh Tiền Giang.

Mưa giông làm vườn sầu riêng của anh Đức bị rụng khoảng 400 trái.
Mưa giông làm vườn sầu riêng của anh Đức (ấp Hiệp Nhơn, xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy) bị rụng khoảng 400 trái.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Tiền Giang, cơn mưa lớn kèm gió giật mạnh vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 15-4 làm tốc mái 93 căn nhà (25 căn ở huyện Cai Lậy và 68 căn ở TX. Cai Lậy). Gió giật mạnh còn làm ngã đổ khoảng 14.565 cây ăn trái, rụng khoảng 97,3 tấn trái sầu riêng. Ngoài ra, mưa lớn, gió giật mạnh còn làm gãy đổ 1 trụ điện trung thế trên địa bàn huyện Cai Lậy; ngã đổ các biển báo, bảng ấp văn hóa; 2 người bị thương do tôn cắt trúng. Ước tính, thiệt hại ban đầu khoảng 12,357 tỷ đồng.

Chị Nguyễn Thị Hiền (khu phố Bình Thạnh, thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy) nhớ lại: “Lúc đó, gió thổi rất mạnh, tôi và chồng phải núp sau cánh cửa. Đến khi gió êm, tôi kiểm tra thấy toàn bộ phần tôn nhà sau đã bị gió thổi bay. Đồ đạc ở nhà sau cũng bị ướt hết. Nhà có 2 công mít đang cho trái lứa đầu tiên, nhưng có đến 1 nửa bị gãy cây, rụng trái”.

Mưa giông đã ảnh hưởng trực tiếp đến các vườn sầu riêng trên địa bàn huyện Cai Lậy. Nhiều vườn sầu riêng đang cho trái bị mưa giông làm gãy nhánh, rụng trái gây thiệt hại lớn cho nông dân. Gia đình anh Nguyễn Văn Đức (ấp Hiệp Nhơn, xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy) có 5,3 công sầu riêng. Hiện vườn sầu riêng đang cho trái, dự kiến hơn 1 tháng nữa sẽ đến lứa thu hoạch. Tuy nhiên, cơn mưa giông vừa qua làm cây gãy nhánh, sầu riêng bị rụng khoảng 400 trái; ước tính thiệt hại khoảng vài chục triệu đồng.

Trong chiều ngày 16-4, trên địa bàn huyện Châu Thành, mưa giông cũng làm tốc mái 3 căn nhà tại xã Long Định, tài sản ước tính thiệt hại khoảng 50 triệu đồng. Ngay sau khi xảy ra sự việc, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương triển khai các biện pháp, lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhà bị tốc mái do mưa giông gây ra nhằm sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, thống kê, xác minh và lập hồ sơ hỗ trợ thiệt hại theo quy định.

Trong ngày 17-4, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đức Thịnh đã đến kiểm tra tình hình khắc phục thiệt hại do mưa giông trên địa bàn huyện Cai Lậy. Đến nay, các căn nhà bị tốc mái tại huyện Cai Lậy đã được người dân và chính quyền địa phương khắc phục xong.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang động viên người dân khắc phục thiệt hại sau mưa giông

Ngày 20-4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Gaing Phạm Văn Trọng dẫn đầu Đoàn công tác đến khảo sát thiệt hại về sản xuất và nhà cửa của người dân do mưa giông vào chiều 15-4 tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cai Lậy.

Đoàn thăm hỏi gia đình chính sách tại thị trấn Bình Phú.
Đoàn thăm hỏi gia đình chính sách bị thiệt hại do mưa giông tại thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy.

Đoàn đã khảo sát thực tế tại một số vườn sầu riêng bị thiệt hại nặng do mưa giông gây ra với hàng trăm cây sầu riêng bị gãy đọt, gãy nhánh, rụng trái. Tại các vườn đến khảo sát, đồng chí Phạm Văn Trọng thăm hỏi các nhà vườn về mức độ thiệt hại, động viên nhà vườn tập trung khắc phục thiệt hại, chú trọng chăm sóc sầu riêng để khôi phục sản xuất. Bên cạnh đó, Đoàn cũng đề nghị địa phương hỗ trợ người dân dọn dẹp, vệ sinh, xử lý trái sầu riêng bị rụng và triển khai các biện pháp phòng chống, hạn chế thiệt hại về sản xuất khi có thiên tai xảy ra trong thời gian tới.

Cũng trong buổi khảo sát, Đoàn đã đến thăm gia đình chính sách tại thị trấn Bình Phú bị thiệt hại về nhà cửa do mưa giông gây ra. Tại nơi đến, Đoàn ân cần thăm hỏi sức khỏe, động viên gia đình vượt qua khó khăn, an tâm lao động sản xuất.                                                     

THANH TÙNG


CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Tiền Giang, từ nay đến cuối tháng 4 và tháng 5-2023 sẽ có mưa chuyển mùa. Đây là thời kỳ chuyển từ gió mùa Đông Bắc qua gió mùa Tây Nam, do đó thường xảy ra các nhiễu động thời tiết. Các nhiễu động này thường gây ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: Sấm sét, mưa giông kèm lốc, mưa đá, gió giật mạnh và gió mạnh trên biển... có khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Trong các tháng mùa mưa năm 2023, trên địa bàn tỉnh cũng thường xảy ra mưa giông kèm theo lốc xoáy và gió giật mạnh.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh kiểm tra thực tế tại các căn nhà bị tốc mái trên địa bàn khu phố Bình Thạnh, thị trấn Bình Phú.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Tiền Giang kiểm tra thực tế tại các căn nhà bị tốc mái trên địa bàn khu phố Bình Thạnh, thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy.

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa giông kèm theo lốc xoáy, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Tiền Giang vừa có công văn đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các sở, ban, ngành tỉnh, các huyện, thị xã và thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện; đồng thời, chỉ đạo chặt chẽ các đơn vị, phường, xã, thị trấn trực thuộc thường xuyên tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân một số biện pháp phòng, tránh, ứng phó với mưa giông, lốc xoáy, gió mạnh và giật mạnh trên biển.

Đối với trên đất liền, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Tiền Giang đề nghị các sở, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo từ cơ quan Khí tượng Thủy văn để thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh hiện tượng mưa giông, kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể xảy ra. Đồng thời, sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. Đặc biệt là bố trí lực lượng xung kích, vật tư phương tiện “4 tại chỗ” triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân và tổ chức khắc phục hậu quả nhanh chóng và kịp thời.

Một trong những nội dung trọng tâm là tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa để tăng độ vững chắc nhằm đề phòng giông, lốc xoáy. Khi có mưa kèm theo giông, sét, cần sơ tán người già và trẻ em ra khỏi những căn nhà không an toàn đến những nơi an toàn, vững chắc hơn. Song song đó, cần chặt tỉa cành, nhánh của các cây cao, dễ gãy đổ, cây nằm gần nhà ở, lưới điện...; kiểm tra mức độ an toàn, vững chắc của các biển quảng cáo, pa nô, áp phích; các khu vực nhà lá, nhà không an toàn và các dàn giáo của công trình cao tầng đang thi công…

Đối với trên sông, trên biển, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Tiền Giang yêu cầu cần theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến gió mạnh, sóng lớn trên biển để thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Đồng thời, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu…

T. ĐẠT

.
.
.