Thứ Sáu, 02/06/2023, 14:34 (GMT+7)
.

Sạt lở đe dọa Bến phà Tân Long, đê biển Gò Công

Thời gian qua, tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển trên địa bàn tỉnh Tiền Giang xảy ra ngày càng thường xuyên và khó lường.

BẾN PHÀ TÂN LONG: SẠT LỞ NGHIÊM TRỌNG

Vài năm trở lại đây, tình hình sạt lở bờ sông Tiền xảy ra thường xuyên và phức tạp đe dọa đến đời sống và sản xuất của người dân. Trong đó, khu vực Bến phà Tân Long (xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) đang bị sạt lở nghiêm trọng.

Khu vực Bến phà Tân Long bị sạt lở nghiêm trọng.
Khu vực Bến phà Tân Long bị sạt lở nghiêm trọng.

Qua ghi nhận thực tế, sạt lở ngày càng ăn sâu vào đất liền. Lo ngại hơn nữa, sạt lở làm cho khoảng cách từ sông đến tuyến đê giao thông ngày càng mong manh. Nhiều đầm nuôi tôm của người dân cặp theo bờ sông này đã bị sạt lở tấn công. Một số hộ dân vì muốn giữ tài sản đã tự bỏ kinh phí để gia cố bờ bao, nhưng chỉ mang tính chất tạm thời…

Báo động nhất, sạt lở tại khi vực này đang đe dọa trực tiếp đến khu vực nhà chờ, bãi đỗ, cầu phao của Bến phà Tân Long. Trung bình 1 ngày đêm có khoảng 2.000 lượt hành khách và hàng trăm phương tiện vận chuyển hàng hóa qua bến phà.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Bùi Thái Sơn cho biết: “Hiện tình hình sạt lở tại Bến phà Tân Long rất nghiêm trọng. Nước lớn nhìn đã thấy nguy hiểm rồi, nhưng khi nước cạn thì càng thấy sợ. Hàm ếch ăn sâu vào bên trong đe dọa trực tiếp đến cầu phao. Hiện địa phương đã báo cáo tỉnh để có phương án đề xuất xử lý tạm thời. Đồng thời, kiến nghị xin vốn Trung ương để đầu tư kè chống sạt lở với chiều dài ít nhất 1 km”.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Tiền Giang vừa chấp thuận chủ trương đầu tư chống sạt lở bờ Nam Bến phà Tân Long, huyện Tân Phú Đông với kinh phí khoảng 5 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách cấp tỉnh năm 2023 chi cho các nhiệm vụ cấp bách. Hiện UBND huyện Tân Phú Đông đang thực hiện các thủ tục đầu tư công trình với chiều dài 50 m. Đối với những đoạn sạt lở còn lại có chiều dài khoảng 1 km, dự kiến kinh phí đầu tư chống sạt lở khoảng 100 tỷ đồng. Hiện tỉnh đang kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí đầu tư kè chống sạt lở các đoạn này.

ĐÊ BIỂN GÒ CÔNG BỊ XÓI LỞ DẦN

Trước kia, phía ngoài tuyến đê biển Gò Công từng có một đai rừng phòng hộ khá dày. Tuy nhiên, giờ đây, rừng phòng hộ đã dần biến mất, cây rừng đã bị sóng biển cuốn trôi, nước biển vào sát chân đê. Gay gắt nhất là đoạn đê biển thuộc xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Hiện tại một số vị trí, đai rừng phòng hộ không còn. Sóng biển đánh thẳng vào thân đê, đe dọa an toàn của tuyến đê này.

Đê biển Gò Công đoạn từ cống Rạch Bùn đến cống Tân Thành cần được đầu tư đê giảm sóng để chống xói lở bờ biển.
Đê biển Gò Công đoạn từ cống Rạch Bùn đến cống Tân Thành cần được đầu tư đê giảm sóng để chống xói lở bờ biển.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Điền Trần Thị Kim Nguyên cho biết: “Dự án Nâng cấp đê biển Gò Công giai đoạn 1 khi hoàn thành đã giúp ngăn sóng biển, bảo vệ sản xuất của người dân phía trong đê. Tuy nhiên, những lúc triều cường cao, sóng biển đánh qua khỏi đê gây xói mòn mặt đê và ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Do đó, xã đề xuất tỉnh trong thời gian tới đầu tư đê giảm sóng để tránh sóng đánh trực tiếp vào tuyến đê và nước biển không văng vào bên trong nhằm bảo vệ sản xuất của người dân”.

Trước nhu cầu cấp thiết để phòng, chống sạt lở bờ biển khu vực này, tỉnh đang đề xuất Trung ương hỗ trợ kinh phí triển khai thực hiện tuyến đê giảm sóng đoạn từ cống Rạch Bùn đến cống Tân Thành với tổng chiều dài khoảng 6,5 km. Tuyến đê giảm sóng này sử dụng cấu kiện bê tông cốt thép đúc sẵn lắp đặt thành tuyến, đặt xa bờ từ 100 - 200 m và bố trí các mỏ hàn giảm sóng để tái tạo lại rừng phòng hộ.

Trước đó, cũng với giải pháp thi công này, trong năm 2020 - 2021, từ nguồn vốn Trung ương, tỉnh đã đầu tư đê giảm sóng kết cấu rỗng, gây bồi, chống xói lở đê biển Gò Công tại đoạn thuộc xã Tân Thành, có chiều dài 3.237 m. Qua thời gian đưa vào sử dụng, phía trong khu vực kè đã bồi lắng bùn cát khoảng 0,5 - 0,7 m. Phía bên trong đê giảm sóng, cây rừng bắt đầu tái sinh, hứa hẹn hình thành đai rừng phòng hộ, bảo vệ đê biển.

Hiện tỉnh cũng đang triển khai Dự án “Nâng cấp đê biển Gò Công giai đoạn 2”. Dự án sẽ xây dựng tuyến đê giảm sóng có chiều dài khoảng 5,4 km, nhằm mục tiêu chống sạt lở bờ biển tại đoạn từ cống Rạch Bùn đến bãi rác Kiểng Phước.

Tuyến đê biển Gò Công có tổng chiều dài khoảng 21,2 km, trong đó có 11,279 km đã được xây dựng kè bảo vệ mái đê. Việc đầu tư các công trình đê giảm sóng, gây bồi để bảo vệ diện tích rừng hiện có và phục hồi lại diện tích đất ven biển đã mất do xói lở gây ra đang là giải pháp được đưa ra mang tính dài hơi.

T. ĐẠT

.
.
.