Thứ Ba, 15/09/2020, 10:02 (GMT+7)
.
ĐỀ ÁN ĐÀO TẠO NGHỀ LAO ĐỘNG NÔNG THÔN:

Mang đến cơ hội việc làm cho lao động nông thôn

Thực hiện Quyết định 1956 ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, tháng 3-2011, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Quyết định 814 phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020”. Theo đó, mục tiêu chung trong 10 năm là đào tạo nghề nông nghiệp cho 45.000 lao động, tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề đạt 70% vào năm 2015 và 80% vào năm 2020.

Theo thống kê, lao động khu vực nông thôn trên địa bàn Tiền Giang chiếm 61,7% lao động toàn tỉnh. Kinh tế hộ nông thôn đa số sản xuất quy mô nhỏ lẻ, thu nhập bình quân đầu người chỉ trên 34 triệu đồng/năm.

Khai giảng lớp đào tạo nghề lao động nông thôn ở xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông.
Khai giảng lớp đào tạo nghề lao động nông thôn ở xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông.

 KHOẢNG 80% CÓ VIỆC LÀM SAU HỌC NGHỀ

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Hoàng Nhật Nam, sau khi tỉnh ban hành Quyết định 814, từ tỉnh đến cấp huyện đều thành lập Ban Chỉ đạo Đề án “Đào tạo nghề lao động nông thôn đến năm 2020”. Riêng cấp xã thành lập Ban Chỉ đạo hoặc Tổ Công tác để chỉ đạo thực hiện. Hằng năm, trên cơ sở kinh phí bố trí, các cấp, các ngành đều xây dựng kế hoạch, rà soát, xác định đào tạo các nghề để đảm bảo sau khi học nghề, học viên có việc làm, thu nhập ổn định, đặc biệt là công tác dạy nghề phải gắn với thế mạnh đặc thù của xã, gắn với xây dựng nông thôn mới và Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp...

Về cơ sở vật chất thực hiện Đề án, toàn tỉnh có 14 cơ sở dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Số lượng giáo viên, người dạy nghề tham gia dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn khoảng 120 người/năm. Đặc biệt, hầu hết giáo viên cơ hữu, giáo viên thỉnh giảng, cán bộ nông nghiệp tham gia dạy nghề đều có trình độ chuyên môn phù hợp, đã qua đào tạo kỹ năng sư phạm dạy nghề hoặc đã từng giảng dạy trong công tác khuyến nông hay các trường trung cấp nghề nhiều năm.

Kết quả qua 10 năm triển khai Đề án, tổng số lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh được đào tạo nghề nông nghiệp trên 43.422 người (đạt 96,5% mục tiêu Đề án, trong đó giai đoạn 2010 - 2015 đào tạo đến 31.700 người). “Theo khảo sát của Sở NN&PTNT, khoảng 80% - 85% học viên sau khi tốt nghiệp đã tự tạo việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất cao hơn, tiết kiệm chi phí hơn so với trước khi học nghề. Như vậy cũng có thể xem là đã cơ bản hoàn thành mục tiêu Đề án” - đồng chí Trần Hoàng Nhật Nam phấn khởi chia sẻ.

KHÓ KHĂN VÀ GIẢI PHÁP

Kết quả là vậy, nhưng theo đồng chí Trần Hoàng Nhật Nam, mặc dù sở, ngành rất có trách nhiệm trong chấp hành nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh, tham mưu nhiều văn bản tạo thuận lợi trong triển khai, nhưng do kinh phí địa phương còn hạn chế, nên chính sách hỗ trợ các đối tượng tham gia học nghề chưa đáp ứng đủ yêu cầu.

Trong quá trình thực hiện, công tác rà soát nhu cầu, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp hằng năm ở một số địa phương chưa sát với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp triển khai trên địa bàn. Các cơ sở dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn chưa có sự phối hợp, gắn kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã để bao tiêu sản phẩm, ký hợp đồng lao động.

Người tham gia học nghề là lao động chính của gia đình, vừa học vừa làm nên theo học không đầy đủ chương trình; tỷ lệ lao động làm việc theo nghề học cao nhưng thu nhập tăng thêm chưa cao do phụ thuộc nhiều giá cả, mùa vụ. Nhiều học viên sau khi học nghề chưa được hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp để đầu tư phát triển sản xuất, phát huy nghề đã học…

Để công tác dạy nghề cho lao động nông thôn tăng tính hiệu quả trong thời gian tới, Sở NN&PTNT cho rằng, các ngành, các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác này, xác định đây là một trong những chiến lược quan trọng, có tính lâu dài trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương.

“Thực tế 10 năm qua đã cho thấy, nơi nào, địa phương nào, cấp ủy, chính quyền có xây dựng nghị quyết, kế hoạch thực hiện 5 năm và hằng năm, có phân công cụ thể các thành viên phụ trách, chọn đúng người có kiến thức và nhiệt tình trong công việc, nơi đó công tác dạy nghề đạt hiệu quả cao” - đồng chí Trần Hoàng Nhật Nam cho biết.

Bên cạnh đó là cần đẩy mạnh tuyên truyền, có sự tham gia của đoàn thể các cấp, nhất là Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ trong vận động để nâng cao nhận thức cho nông dân, cho lao động nông thôn. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, tùy chức năng, nhiệm vụ, cần tiếp tục rà soát, cập nhật chương trình đào tạo để phục vụ chủ trương cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, tiến tới làm nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất sạch, hữu cơ, nông nghiệp thông minh.

Song song đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát các địa phương, các cơ sở tổ chức dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, tập trung vào các nội dung thực hiện chế độ chính sách, quy định của Nhà nư­­ớc về dạy nghề, chương trình, nội dung và quy trình đào tạo, nền nếp dạy và học, chất lượng đào tạo, việc quản lý cấp phát Chứng chỉ nghề...

PHÙNG QUỐC ANH

.
.
.