.

Để không còn những tai nạn giao thông thương tâm

Cập nhật: 22:03, 01/08/2018 (GMT+7)

Vụ tai nạn thương tâm trên QL1A tại Quảng Nam ngày 30-7 làm 13 người tử vong thật sự gây bàng hoàng dư luận. Nỗi đau là tai nạn đã biến ngày đại hỷ thành ngày đại tang của một dòng họ, và qua đó còn cho thấy những bất an trên quốc lộ (QL) 1A, con đường huyết mạch bắc nam.

Tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra gần 9.000 vụ tai nạn giao thông (TNGT), trong đó có 8.889 vụ TNGT đường bộ, khiến hơn 4.000 người thiệt mạng, trên 7.000 người bị thương. Con số cho thấy TNGT thật sự là nỗi ám ảnh, khi số người thương vong như trong thời chiến tranh.Theo tính toán của Ngân hàng Phát triển Châu Á, TNGT gây tổn thất cho Việt Nam vào khoảng 900 triệu USD/năm, chưa kể những đau thương, mất mát mà gia đình, xã hội vẫn phải tiếp tục gánh chịu. Một đất nước chiến tranh đã qua đi gần nữa thế kỷ, thì những tổn thất về con người và vật chất như thế là đáng suy ngẫm.

a
Để đảm bảo an toàn giao thông, cần nhiều tuyến đường như cao tốc TP Hồ Chí Minh- Trung Lương. Ảnh: DS

Qua phân tích các vụ TNGT đường bộ cho thấy, 26% do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường; 8,77% do vi phạm tốc độ; 8,86% do chuyển hướng không chú ý; 6,23% do không nhường đường; 5,97% do vượt xe sai quy định; 7,82% do vi phạm quy trình thao tác lái xe; 2,32% do tránh xe; 4,23% do sử dụng rượu bia…

Rõ ràng ý thức chấp hành luật giao thông của người cầm lái là rất quan trọng, loại trừ yếu tố về sự cố kỹ thuật thì hạ tầng giao thông cũng là nguyên nhân khách quan gây ra những vụ tai nạn thương tâm. Bởi nếu như tất cả các tuyến QL đều có dải phân cách cứng, thì những tai nạn thảm khốc kiểu xe đấu đầu nhau sẽ khó xảy ra.

Ngay từ năm 2007, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã gọi TNGT là “đại họa” và yêu cầu huy động lực lượng tổng hợp của hệ thống chính trị và của toàn xã hội cùng vào cuộc.Trong một bài viết trên báo SGGP ngày 11/ 9/ 2007, nguyên Thủ tướng đã nhận định 4 nguyên nhân dẫn đến TNGT tăng cao là từ: cơ sở hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh; tính răn đe của luật pháp chưa đủ mạnh; ý thức người dân chưa cao và sự “vào cuộc” chưa quyết liệt của các bộ ngành liên quan. 4 nguyên nhân trên đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Ở đây ta chỉ bàn về yếu tố hạ tầng giao thông, trong đó chủ yếu là các tuyến QL, nơi thường xảy ra những TNGT thảm khốc.

Theo thống kê vào cuối năm 2017, trong số chiều dài QL Tổng cục đường bộ Việt Nam đang quản lý thì có 9.937km quá thời hạn sửa chữa lớn hơn 8 năm và 2.577km quá thời hạn sửa chữa vừa 4 năm chưa được đầu tư sửa chữa. Trong số 6.116 cầu trên QL còn 370 cầu yếu, cầu cắm biển hạn chế tải trọng và cầu có khổ nhỏ hơn khổ nền đường và gần 3.000km QL hiện có chất lượng xấu và rất xấu cần được đầu tư, sửa chữa.

Ngoài ra, do lượng xe tăng đột biến, nên mật độ giao thông đã vượt quá năng lực lưu thông của đường bộ, đồng thời sự mất cân bằng giữa các phương thức vận tải, tập trung quá lớn vào vận tải đường bộ là những nguyên nhân tạo sức ép rất lớn lên các tuyến QL.

Rõ ràng để giải bài toán nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó có các tuyến QL xem ra cần nhiều điều kiện, trong đó điều kiện quan trọng là nguồn vốn. Theo Bộ GTVT, nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông trong giai đoạn 2016 - 2020 vào khoảng gần 1 triệu tỷ đồng, trong đó khoảng 60% cần được cân đối từ nguồn ngân sách (vốn ngân sách nhà nước và vốn ODA) và 40% từ nguồn huy động ngoài ngân sách nhà nước. Và như thế, thì việc hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng bằng nhiều hình thức, nhất là hợp tác công - tư (PPP) là điều kiện đầu tiên cần thực hiện ngay.

 40% vốn ngoài ngân sách là con số không nhỏ; và việc từ cơ chế, chính sách đến triển khai thực tế vẫn cần một thời gian. Do đó, lộ trình hoàn chỉnh hạ tầng các tuyến QL xem ra vẫn còn khá xa. Và như thế, với những tuyến QL nhỏ hẹp,  xuống cấp, không dải phân cách, thì vẫn tiềm ẩn đâu đó những TNGT thương tâm cho người tham gia giao thông.

SƠN PHẠM


 

.
.
.