Thứ Sáu, 05/04/2024, 08:27 (GMT+7)
.

Sớm khắc phục tình trạng lục bình dày đặc ở các tuyến kinh

(ABO) Gần đây, một số tuyến kinh trên địa bàn huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang lục bình phát triển quá nhiều, gây khó khăn cho các phương tiện thủy, đặc biệt là vận chuyển hàng hóa nông sản.

Phương tiện thuỷ lưu thông khó khăn trên tuyến kênh 500.
Phương tiện thủy lưu thông khó khăn trên tuyến kinh 500.

Thời gian qua, chính quyền địa phương các xã trên địa bàn huyện Tân Phước nỗ lực thực hiện trục vớt, xử lý… và nhiều giải pháp khác nhằm hạn chế tình trạng cây lục bình phát triển nhanh. Tuy nhiên, cây lục bình vẫn đã và đang gây cản trở lưu thông đường thủy, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân vùng Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước.

Theo ông Nguyễn Văn Mười, một tài công thu mua khóm trên địa bàn huyện Tân Phước cho biết, khi điều khiển phương tiện thủy đi ngang tuyến kinh 500 gặp nhiều khó khăn khi lưu thông vì lục bình dày đặc. Các phương tiện thủy tốn rất nhiều nhiên liệu mới vượt qua đám lục bình lớn này. 

Lục bình dày đặc, các phương tiện không thể qua đoạn kênh này.
Lục bình quá dày đặc, các phương tiện không có thể qua đoạn kinh 500.

Khi phương tiện thủy không thể lưu thông, khóm phải vận chuyển bằng đường bộ với chi phí tăng cao, vì phải vận chuyển chuyền qua nhiều đoạn đường mới có thể đưa khóm từ ruộng ra tới đường chính. Ông Nguyễn Văn Đạt, nông dân trồng khóm tại xã Hưng Thạnh, huyện Tân Phước cho biết: "Tuyến kinh 500 bị lục bình bao phủ dày đặc, thương lái đi bằng ghe khó vô tới ruộng khóm, phải vận chuyển bằng xe nhỏ để chở khóm ra đường ra đường lớn.".

Thời gian qua, huyện Tân Phước chưa có giải pháp nào khả thi để xử lý, cũng như sử dụng cây lục bình theo hướng có lợi, mà hiện tại loại cây này đang cản trở dòng chảy, cản trở lưu thông trên các tuyến kinh. Ở một số địa bàn, người dân phun chất hóa học diệt cây lục bình, đã gây tác động xấu đến môi trường.

Theo ghi nhận của chúng tôi, vừa qua khu vực kinh 17, thuộc khu phố 3, thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước (đoạn từ kinh 250 đến kinh 1.000), người dân xịt thuốc phát quang diệt cỏ, lục bình chết trên tuyến kinh, dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm (đen và thối). Nguồn nước ô nhiễm này lan rộng ra đến kinh Lộ Mới như người dân đã phản ánh. Hiện tại, nước kinh đã giảm màu đen và ít hôi thối. Thực tế, dùng thuốc xịt để diệt lục bình, thì sau một buổi lục bình sẽ héo dần, phương tiện đi lại dễ dàng nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Được biết, chủ trương của huyện Tân Phước, đối với các tuyến kinh mặt ngang trên 6 mét có lục bao phủ thì trách nhiệm của huyện sẽ trục vớt, còn dưới 6 mét thì cấp xã trục vớt. Tuy nhiên, một số tuyến kinh lớn chưa được cấp huyện tổ chức thực hiện, còn cấp xã thì nguồn lực và kinh phí khó khăn khiến lục bình ngày càng phát triển mạnh mẽ, dày đặc trên một số tuyến kinh trên địa bàn huyện Tân Phước.

Chủ tịch UBND xã Hưng Thạnh, huyện Tân Phước Hồ Tấn Sơn cho biết: “Giải pháp trước mắt của địa phương là tuyên truyền vận động người dân không dùng thuốc để diệt lục bình. Đồng thời, UBND xã phối hợp với các đoàn thể vận động người dân tham gia trục vớt lục bình trên các tuyến kinh trên địa bàn xã, làm sao tạo dòng chảy lưu thông cho ghe tàu đi thu mua khóm thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã đề nghị với huyện hỗ trợ trục vớt lục bình trên tuyến kinh 500 (dài khoảng 4 km) và huyện cũng đã tiến hành khảo sát chuẩn bị thực hiện". 

Trước vấn đề trên, Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Trần Hoàng Phong cho biết, vấn đề trục vớt lục bình có phân cấp theo các tuyến kênh từ tỉnh, huyện và cấp xã xử lý. Hiện tại nguồn kinh phí huyện là có giới hạn, tới mùa thì lục bình bên ngoài đổ về quá nhiều qua tuyến kênh Nguyễn Văn Tiếp khiến diện tích lục bình tăng cao. Do đó, năm nay huyện chỉ thực hiện trực vớt khi lục bình không còn tiếp tục trôi vào, nhằm đảm bảo hiệu quả, vớt xong là kênh thông thoáng và không bị tái lại.

VIỆT LONG

.
.
.