Thứ Năm, 14/07/2022, 09:09 (GMT+7)
.

Để Nghị định 100 của Chính phủ thực thi hiệu quả

(ABO) Hiện nay khó hình dung đám tiệc nào mà không có rượu, bia. Người làm công ăn lương dù là cán bộ, công chức, viên chức hay những người lao động khác, hiếm ai không có lúc phải “chén chú, chén anh” với đồng nghiệp.

Cuối năm 2019, Nghị định 100 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt ra đời, mọi người đều dè chừng việc lái xe đi nhậu. Bởi chẳng ai muốn vi phạm để phải bị phạt tiền rất nặng theo Nghị định này.

Gần 2 năm xảy ra đại dịch Covid-19, hàng ăn, quán nhậu đều gặp khó khăn. Đến khi, công cuộc chống dịch có thành quả tốt, kinh tế dần khôi phục nhà hàng, quán nhậu dần trở lại hoạt động bình thường nhưng việc thực thi kiểm tra nồng độ rượu chưa thấy anh em nào cảnh báo.

Mới đây, có thông tin Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP. Hồ Chí Minh) yêu cầu các chủ quán cam kết đồng hành phòng, chống tác hại của rượu, bia...

Theo Chương trình Chào buổi sáng của VTV1 ngày 4-6-2022, thì từ đầu năm 2022 đến nay (ngày 4-6-2022) có đến 118 vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia. Và không khó để tìm các số liệu thống kê về tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia trong những thời gian khác nhau.

Giống như không đốt pháo, chạy xe gắn máy 2 bánh phải đội mũ bảo hiểm, quy định “đã uống rượu, bia thì không lái xe” sẽ làm thay đổi nếp văn hóa ăn uống, tiệc tùng ở Việt Nam, khi mà đại đa số người dân dùng phương tiện xe gắn máy 2 bánh để đi lại.

Vấn đề đặt ra là các cá nhân, đơn vị chấp pháp thi hành nhiệm vụ như thế nào, hành xử với người vi phạm ra sao? Khó khăn đầu tiên là họ xử phạt thế nào với những người vi phạm khi đó là người thân, bạn bè, đồng nghiệp kể cả cấp trên trực tiếp, gián tiếp của "người cầm còi". Để cả xã hội tuân thủ thì chuyện “pháp bất vị thân” là điều trước tiên.

Tiếp theo là điều kiện vật chất, kỹ thuật hỗ trợ công tác xử lý. Khi người chấp pháp kiểm tra phát hiện người lái xe vi phạm nồng độ cồn, đâu chỉ lập biên bản phạt là đủ. Xe, người lái, tạm giữ hay cử người đưa về nhà? Đâu chỉ lập biên bản xong rồi mặc kệ, phải tính đến kế hoạch kiểm tra, chấn chỉnh đồng loạt, ngắn hạn và dài hạn. Nếu không lại vướng vào thắc mắc: Có tiêu cực không mà sao kiểm tra chỗ này, không kiểm chỗ khác?

Tóm lại, để thay đổi hành vi lái xe sau khi uống rượu, bia là cần thiết. Càng chậm thực thi càng có nhiều người lẽ ra được sống một cuộc sống khỏe mạnh lại phải ra đi hay bị tàn tật vĩnh viễn. Vấn đề là sự vào cuộc của chính quyền và ý thức người dân có sẵn sàng thay đổi văn hóa ăn nhậu hay chưa?

NGUYỄN HUỲNH ĐẠT


 

 

.
.
Liên kết hữu ích
.