Thứ Sáu, 09/09/2022, 10:17 (GMT+7)
.

Đừng bảo bọc, hãy để con lớn khôn!

(ABO) Năm học 2022 - 2023, cả nước có trên 23 triệu học sinh phổ thông đến trường. Có nghĩa gần ¼ dân số đi học phổ thông. Rõ ràng, nguồn lực nhà nước, xã hội và gia đình đã đổ ra rất nhiều cho việc học. Mùa tựu trường cũng nhắc tôi nhớ một vài kỷ niệm khi còn là phụ huynh học sinh.

Một lần vào dịp Tết, trước khi nghỉ, trường con tôi tổ chức cấm trại trong sân trường. Con tôi và các bạn náo nức lắm, nhưng do lần đầu tiên tham dự nên không biết làm sao. Do bản thân từng là hướng đạo sinh có kinh nghiệm dựng lều trại, tôi giảng giải cho con cách làm. Sau đó đảm nhận luôn việc tìm đầy đủ bạt, cây chống và các cọc đủ để dựng lều trại.

Đến ngày tôi đem vào sân trường các thứ đã chuẩn bị, lều được dựng lên, các cháu lo trang trí, tôi đi một vòng sân trường nhìn thấy nhiều lớp được phân dựng lều trại ở phần sân tráng xi măng nên chưa thấy dựng lều gì cả. Một số lớp khác thì đang dựng lên, tôi đến xem thì hóa ra các lớp này thuê dịch vụ dựng rạp trên phần sân của lớp mình, các cháu chỉ cần trang trí vào đó. Lúc đó, tôi mới hiểu lời cảm ơn với ánh mắt thất vọng của thầy chủ nhiệm của con tôi và dĩ nhiên các năm sau sẽ không cần tôi nữa.

Có lần tôi đi họp phụ huynh, một số phụ huynh nêu ý kiến đề nghị giáo viên chủ nhiệm giúp liên hệ với cô lao công trong trường để thuê quét lớp mỗi ngày. Tôi rất ngạc nhiên, học sinh quét lớp của mình từ xưa đã vậy, có khó khăn gì đâu. Tuy nhiên, phụ huynh nêu nhiều lý do của việc thuê lao công quét lớp mỗi ngày, nào là không thuận tiện để mang đi mang về chổi quét lớp, bụi bay ảnh hưởng đến sức khỏe, nào là các cháu quét không sạch, phải vào lớp sớm. Mặc dù năm đó con tôi cũng như con của nhiều phụ huynh khác đã vào lớp 8.

Chuyện cắm trại, đâu chỉ lều trại, chuyện quét lớp đâu chỉ rác, bụi, chổi... Thông qua những việc làm đó nhà trường muốn giáo dục học sinh ý thức giữ gìn vệ sinh, tinh thần trách nhiệm, tinh thần tập thể, hát huy tư duy tổ chức sáng tạo... Nếu trong quá trình làm mà chưa tốt, chưa đúng thì học sinh có thể rút kinh nghiệm, sửa lại được. Tuy nhiên, phụ huynh quá bảo bọc, làm cho không ít học sinh thiếu kỹ năng sống, sau này lớn lên, các cháu sống xa gia đình sẽ gặp nhiều trắc trở.

Được biết chương trình giáo dục mới “chú trọng phát triển kỹ năng, hài hòa giữa đức, trí, thể, mỹ; giúp người học xác định được những vấn đề trong học tập, cuộc sống và bước đầu biết cách để giải quyết các vấn đề đó, hướng tới cá nhân hóa, phát triển con người”. Nhưng khi dạy và học chương trình như vậy, thầy và trò có chú trọng thực chất hay không? Hay như kiểu cũ chỉ để đạt điểm cao, để cả thầy và trò được đánh giá tốt, để được học bạ đẹp nhằm đậu vào các bậc học cao hơn.

Dạy và học làm sao để tránh được việc “học rồi, quên rồi”, đến khi ra làm việc lại mắc những lỗi mà lẽ ra học sinh phổ thông đã thành thạo, không thể sai như chính tả, văn phạm, đổi các đơn vị… Được như vậy, học sinh dù chỉ học đến lớp nào đó rồi phải nghỉ do nhiều nguyên nhân, cũng có thể sống, lao động bằng những tri thức hữu dụng đã được dạy ở nhà trường phổ thông.

NGUYỄN HUỲNH ĐẠT

 

.
.
.