.

Đổ vỏ sầu riêng gây ô nhiễm môi trường: Xử lý ra sao?

Cập nhật: 13:56, 20/08/2024 (GMT+7)

(ABO) Một số hộ dân trên địa bàn xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang phản ánh tình trạng đổ vỏ sầu riêng tràn lan làm ô nhiễm môi trường.

Vỏ sầu riêng được đổ tấp nập hằng ngày.
Vỏ sầu riêng được đổ tấp nập hằng ngày.

Theo đơn của anh C.D.N. (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy) cùng 6 hộ dân sinh sống trên địa bàn xã Ngũ Hiệp phản ánh: 2 vựa sầu riêng của M.S. và H.U. thuộc ấp Thủy Tây, xã Ngũ Hiệp có cơ sở tách bốc cơm sầu riêng. Tuy nhiên, 2 cơ sở này không có điểm xử lý vỏ sầu riêng đã bốc tách và đổ vỏ sầu riêng trên phần đất của mình làm ô nhiễm nguồn nước, bốc mùi, ảnh hưởng đến sức khỏe của những hộ sinh sống xung quanh. Cũng theo đơn, người dân đã nhiều lần trình báo chính quyền địa phương để giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục mà còn tiếp tục đổ vỏ sầu riêng hằng ngày.

Cần có giải pháp xử lý cho vỏ sầu riêng hiện nay.
Cần có giải pháp xử lý việc đổ vỏ sầu riêng làm ô nhiễm môi trường.

Cùng ý kiến trong đơn, ông ông N.V.T., người dân sống xung quanh cho biết, tình trạng đổ võ sầu riêng này đã xảy ra gần 2 năm nay, làm ô nhiễm môi trường, xuất hiện ruồi nhặng nhiều, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt hằng ngày của người dân. Mỗi khi mưa lớn, nước từ trong bãi chứa vỏ sầu riêng rò rỉ ra các mương xung quanh, có màu đen gây ô nhiễm. Sau khi người dân phản ánh thì các cơ sở có xây các bức tường bao bọc xung quanh nhưng tình trạng vẫn không khá hơn.

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp Nguyễn Thanh Trung cho biết, vấn đề trên UBND xã đã nắm thông tin và Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy cũng đã ra Quyết định 3292 xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với ông N.V.S. (chủ vựa sầu riêng M.S., ở ấp Thủy Tây, xã Ngũ Hiệp) với số tiền 17,5 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu cơ sở khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu, chuyển giao chất thải rắn thông thường cho đơn vị chức năng xử lý.

Vỏ sầu riêng đỏ dọc tuyến đường trên địa bàn xã Ngũ Hiệp để phơi khô.
Vỏ sầu riêng đỏ dọc tuyến đường trên địa bàn xã Ngũ Hiệp để phơi khô.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Thanh Trung, thống kê trên địa bàn xã Ngũ Hiệp có khoảng 20 cơ sở thu mua sầu riêng lớn và hàng chục vựa nhỏ lẻ nhưng lại không điểm tập kết vỏ sầu riêng, thậm chí không có đơn vị nào thu gom rác thải là vỏ sầu riêng, nên các cơ sở thường đổ vỏ sầu riêng rải rác khắp nơi trên địa bàn mà chưa có giải pháp xử lý khả thi. Chính quyền địa phương cũng thường xuyên vận động các cơ sở đổ vỏ sầu riêng trên vị trí cao, thoáng cho vỏ sầu riêng mau khô, hạn chế đổ chồng lấn lên nhau, tạo vùng ẩm thấp, gây bốc mùi và ô nhiễm môi trường xung quanh. UBND xã Ngũ Hiệp cũng đã kiến nghị ngành Nông nghiệp khẩn trương có giải pháp dài hơi về xử lý vỏ sầu riêng hoặc tạo điều kiện cho cơ sở kinh doanh xay xát vỏ sầu riêng làm phân bón.

Tình trạng đổ vỏ sầu riêng bừa bãi gây ô nhiễm môi trường không chỉ xảy ra ở xã Ngũ Hiệp, mà còn rãi rác trên địa bàn huyện Cai Lậy hiện nay. Một đơn vị xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Cai Lậy cho biết, hiện tại các bãi rác như Tân Lập không cho đổ rác là vỏ sầu riêng và vỏ xoài tại bãi, nên đơn vị cũng không thể nào xử lý các loại rác thải này.

Trước thực trạng trên, người dân mong muốn các ngành chức năng và các cơ sở liên quan đến việc đổ vỏ sầu riêng cần có giải pháp xử lý, khắc phục tình trạng đổ vỏ sầu riêng gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo cuộc sống cũng như sức khỏe cho người dân.

LONG GIANG

.
.
.