BÀI 3: Bắt nhịp kinh tế số
Bài 1: Nỗ lực cải thiện Chỉ số PCI
BÀI 2: Tăng tốc cải cách hành chính
Tiền Giang phát triển Chính quyền điện tử làm nền tảng hướng tới Chính quyền số. Đây được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm hiện đại hóa nền hành chính, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Bắt nhịp với kinh tế số là bước đi quan trọng để Tiền Giang đi kịp với xu hướng chung trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
TĂNG TỐC
Nhiều năm qua, Tiền Giang quyết tâm xây dựng Chính quyền điện tử làm nền tảng xây dựng Chính quyền số. Cụ thể hóa chủ trương này, năm 2021 Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 08 về chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, sau đó UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 370 về chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả Nghị quyết 08.
Cụ thể, đối với phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh, Tiền Giang phấn đấu đạt mục tiêu cơ bản đến năm 2025 là tỷ trọng kinh tế số chiếm 15% GRDP của tỉnh (đến năm 2030 đạt 25%); tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10% (đến năm 2030 đạt 15%) và năng suất lao động hằng năm tăng bình quân trên 7% (đến năm 2030 đạt 8%).
Tiền Giang hiện có 1.255 sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn thương mại điện tử. |
Trên cơ sở những định hướng chung, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cũng đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm đẩy nhanh việc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Một trong những nội dung quan trọng là Sở TT-TT tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Khung kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Tiền Giang (phiên bản 2.0), Khung kiến trúc đô thị thông minh tỉnh Tiền Giang (phiên bản 1.0) và các nội dung khác liên quan đến công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Tiền Giang cũng đã thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang và ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang nhằm tăng cường công tác chỉ đạo chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Kinh tế số là các hoạt động kinh tế có sử dụng thông tin số, tri thức số, công nghệ số, dữ liệu số như là yếu tố sản xuất chính; sử dụng mạng Internet, mạng CNTT làm không gian hoạt động chính; sử dụng công nghệ số, nền tảng số để tăng năng suất lao động. Đặc trưng của kinh tế số là sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính; sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính; sử dụng công nghệ số và dữ liệu số để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền. Kinh tế số gồm 3 cấu phần, lần lượt là kinh tế số ICT (lĩnh vực công nghiệp điện tử - viễn thông - CNTT), kinh tế số Internet/nền tảng và kinh tế số ngành/lĩnh vực. Một trong những điểm đặc biệt là sự dịch chuyển kinh tế số ngành/lĩnh vực. Đây là các hoạt động kinh tế dựa trên việc áp dụng các công nghệ số, nền tảng số vào các ngành, lĩnh vực truyền thống nhằm tăng năng suất lao động, tạo giá trị kinh tế mới, tăng thêm, gồm các hoạt động như quản trị điện tử, thương mại điện tử, nông nghiệp thông minh, sản xuất thông minh hay du lịch thông minh… |
Thông qua nhiều giải pháp, đến nay, hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại cơ quan hành chính các cấp được đầu tư khá đầy đủ. Tỉnh xây dựng được các trung tâm dữ liệu cho Chính quyền điện tử và hạ tầng truyền dẫn của mạng truyền số liệu chuyên dùng phủ đến cấp xã; 100% cơ quan tỉnh, huyện, xã đã được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống mạng nội bộ.
Trung tâm dữ liệu của tỉnh được đầu tư, nâng cấp, tạo nền tảng cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ cho các cơ quan nhà nước. Các trang thiết bị bảo đảm an toàn thông tin được đầu tư theo hướng chuyên dụng, hiện đại, thường xuyên cập nhật, đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ theo hướng dẫn của Bộ TT-TT. Cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng hộp thư công vụ cho công việc. Đến nay, hạ tầng kỹ thuật phục vụ hội nghị trực tuyến đã được đầu tư đồng bộ từ tỉnh đến tất cả các điểm cầu cấp huyện, cấp xã.
THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN
Một trong những nội dung quan trọng mà Tiền Giang hướng đến là đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế số và đã đạt được những kết quả quan trọng. Theo kết quả Báo cáo đánh giá DTI của Bộ TT-TT, Tiền Giang xếp hạng 12/63 tỉnh, thành cả nước về chỉ số kinh tế số, đạt 0,4856 so với giá trị trung bình kinh tế số năm 2021 cấp tỉnh là 0,4098, cao hơn so với trung bình chung cả nước là 0,0758. Với những kết quả cụ thể đã đạt được, giá trị tăng thêm của kinh tế số năm 2021 là 8.619 tỷ đồng/100.314 tỷ đồng, chiếm 8,59% GRDP của tỉnh.
Đẩy mạnh tuyên truyền Tỉnh cũng đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Cụ thể, Sở TT-TT đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh trên nhiều phương tiện như: Xây dựng Chuyên trang chuyển đổi số của tỉnh (http://chuyendoiso.tiengiang.gov.vn), chuyên mục Chuyển đổi số trên Cổng thông tin điện tử tỉnh (https://tiengiang.gov.vn/chuyen-doi-so), Báo điện tử Báo Ấp Bắc (http://www.baoapbac.vn/khoa-hoc-doi-song/chinh-quyen-dien-tu), Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang thực hiện các video, phóng sự tuyên truyền, phổ biến năng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp về ý nghĩa vai trò, lợi ích của triển khai chuyển đổi số. |
Hiện nay, Tiền Giang có 51 doanh nghiệp công nghệ cung cấp dịch vụ viễn thông - CNTT, trong đó có 44 doanh nghiệp đã triển khai nền tảng số, chiếm hơn 86%; 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia chuyển đổi số qua nền tảng SMEdx. Tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt hơn 84%; 100% doanh nghiệp đang hoạt động sử dụng hóa đơn điện tử.
Tiền Giang cũng đã tập trung phát triển thương mại điện tử trên các sàn thương mại điện tử như: Postmart.vn, Voso.vn, đã có 1.255 sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được đưa lên sàn thương mại điện tử với trên 8.479 lượt giao dịch.
Trong thời gian qua, Tiền Giang cũng chú trọng phát triển theo hướng thương mại điện tử. Theo đó, các sở, ngành, địa phương thực hiện tuyên truyền, quảng bá thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; triển khai các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử Postmart, Voso, sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Tiền Giang (TienGiang Trade).
Theo thống kê từ Cổng thông tin của Bộ TT-TT đến hết quý II-2022, Tiền Giang có 178.667 hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (voso.vn và postmart.vn) với 1.031 loại sản phẩm và 4.355 lượt giao dịch trên các sàn thương mại điện tử. Chưa kể, Tiền Giang cũng không ngừng phát triển theo hướng xã hội số.
Đến nay, Tiền Giang có 2.212.325 thuê bao di động, đạt 124%; tỷ lệ người sử dụng điện thoại thông minh đạt 85%. Nền tảng công dân số TienGiangS phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, tính đến ngày 30-5-2022 đã có hơn 259.961 lượt cài đặt và sử dụng ứng dụng.
Theo đánh giá của Sở TT-TT, sau gần một năm triển khai thực hiện chuyển đổi số đã mang lại nhiều hiệu quả bước đầu cho doanh nghiệp. Đặc biệt, phát triển kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức từ cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm lên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ giới hạn trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh ra ngoài tỉnh và toàn quốc.
Kinh tế số cũng giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, trải nghiệm khách hàng và đặc biệt là khả năng cạnh tranh trên thị trường; đồng thời, thúc đẩy phát triển giao dịch thương mại điện tử, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch.
Kinh tế số cũng giúp người dân quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp thông qua sàn thương mại điện tử; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên kênh phân phối mới; hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử, giảm phụ thuộc vào thương lái hoặc trung gian.
LÊ PHƯƠNG - A.P
(Còn tiếp)