Chuyển đổi số trong giáo dục: Thay đổi để nâng chất
Tiền Giang đang tận dụng tiến bộ công nghệ để nâng cao chất lượng quản lý giáo dục, đổi mới sáng tạo trong dạy và học nhằm xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số.
ĐỔI MỚI TƯ DUY
Theo Thạc sĩ Nguyễn Phương Toàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang, hiện nay học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường đa phần thuộc thế hệ Z (những người sinh từ cuối năm 1990 đến năm 2010). Các thành viên của thế hệ Z còn được mệnh danh là những “công dân thời đại kỹ thuật số”; bởi đây là thế hệ đầu tiên lớn lên với sự tiếp cận Internet cùng các thiết bị kỹ thuật số và nền tảng công nghệ thông tin.
Giáo viên hỗ trợ học sinh thao tác thực hành trên máy vi tính tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho). Ảnh: Sửu Minh |
Theo số liệu thống kê tại Việt Nam, "thế hệ Z" đang chiếm khoảng 25% lực lượng lao động. Do đó, trong tương lai, học sinh, sinh viên là thế hệ kế cận, là nguồn lực lao động chính, khách hàng chính, những người quyết định tồn vong và phát triển của nền kinh tế trong giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Hiện nay, đặc điểm của các ngành - nghề ở Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng đã có những thay đổi rõ rệt. “Thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên giờ đây không chỉ cần chuẩn bị cho mình hành trang phù hợp với những công việc cụ thể, mà quan trọng hơn hết, phải có nhận thức sẵn sàng trong việc tự làm quen và nâng cao các kỹ năng số, phục vụ cho việc học tập và phát triển sự nghiệp trọn đời của mình sau này” - Thạc sĩ Nguyễn Phương Toàn chia sẻ thêm.
Để phát huy tối đa lợi thế nguồn nhân lực sẵn có, việc nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của đội ngũ cán bộ, giáo viên, người đầu tàu trong công tác tuyên truyền, nhận thấy rõ tầm quan trọng của công nghệ thông tin và truyền thông để mạnh dạn đổi mới phương thức trong công tác quản lý, dạy học rất quan trọng.
Nhận thức được lợi ích này, thời gian qua, Trường Đại học Tiền Giang sử dụng các nền tảng dạy học trực tuyến sẵn có để triển khai các hoạt động giảng dạy như sử dụng nền tảng ENGO để dạy tiếng Anh, cùng với chức năng dạy trực tuyến cho hệ thống tích hợp thông tin của trường.
Để phục vụ cho công tác giảng dạy, hội nghị, hội thảo, trường đã tuyên truyền, hướng dẫn trong cán bộ, giảng viên và sinh viên sử dụng các nền tảng, phần mềm trực tuyến sẵn có như Quickom, Zoom, Google Meet, Microsoft Team. Bên cạnh đó, Trường Đại học Tiền Giang còn giới thiệu cho cán bộ, viên chức cài đặt và sử dụng các ứng dụng tiện ích TienGiangS, TienGiangG; các dịch vụ công trực tuyến được tỉnh cung cấp và các phương thức thanh toán học phí, tiền lương không dùng tiền mặt…
Ngoài ra, trường còn cử viên chức tham gia các hội thảo chuyển đổi số trong doanh nghiệp và Nhà nước tại các tỉnh Tiền Giang, Phú Yên, Hậu Giang, TP. Cần Thơ…; tham gia hội thảo A Hybrid Learning Model - Các giải pháp đồng bộ cho mô hình dạy học kết hợp nhằm nâng cao kỹ năng và năng lực giảng dạy của giảng viên, gia tăng năng lực chuyển đổi số các trường đại học, cao đẳng Việt Nam giai đoạn 2022 - 2026; tham gia đào tạo đội ngũ giáo viên giảng dạy về thương mại điện tử…
Về chuyển đổi số tại trường trung học phổ thông, thầy Võ Hoài Nhân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho) cho biết, trong những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022, nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 được diễn ra chặt chẽ nhưng vẫn triển khai có hiệu quả công tác giảng dạy, trường đã lên phương án xây dựng một số phần mềm hỗ trợ, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành từ xa về đăng ký phòng thực hành thí nghiệm, đơn xin phép vắng, sổ đầu bài, điểm danh học sinh… bằng nhiều phần mềm, nền tảng trực tuyến. Hướng dẫn học sinh và phụ huynh sử dụng các ứng dụng giao tiếp trực tuyến trên các loại điện thoại thông minh để trao đổi thông tin, liên lạc, giao tiếp với nhà trường. Nhờ đó, kết quả học tập của học sinh vẫn giữ vững thành tích và dần thích nghi với công tác quản lý, điều hành, giảng dạy trực tuyến của nhà trường.
Mục tiêu của Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu là từng bước xây dựng “trường học thông minh”, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý và dạy học. Do đó, ngoài các phần mềm mà giáo viên trường đã xây dựng, nhà trường tiếp tục “đặt hàng” giáo viên chuyên môn viết các phần mềm theo yêu cầu công việc.
Một trong những mục tiêu đặt ra là số hóa toàn bộ các tài liệu cũ của trường đã lưu trữ gần 100 năm trên các văn bản giấy. “Để nâng cao nhận thức và phát triển kỹ năng số, ngoài công tác truyền thông, tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thì việc áp dụng vào công việc và lấy hiệu quả công việc làm thước đo đã góp phần nâng cao nhận thức của giáo viên và học sinh trong việc chuyển đổi số. Phải làm cho giáo viên và học sinh thấy được hiệu quả của việc chuyển đổi số thì mọi người sẽ ủng hộ và thực hiện một cách tự giác” - thầy Trung chia sẻ thêm.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang, từ năm học 2021 - 2022, trong Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông, Tiền Giang có 10.099/15.266 thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến, với 32.287 lượt đăng ký nguyện vọng. Tất cả các khâu từ đăng ký dự thi, xét tốt nghiệp và đăng ký phương thức xét tuyển vào các trường đại học đều được thực hiện trực tuyến thông qua hệ thống tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia, vừa giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực và các chi phí phát sinh khác, được đa số học sinh và dư luận xã hội đồng tình hưởng ứng.
CỦNG CỐ, NÂNG CHẤT
Hiện nay, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Tin học đã chính thức trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh từ lớp 3 đến lớp 9. Môn Tin học đóng vai trò chủ đạo trong việc chuẩn bị cho học sinh khả năng tìm kiếm, tiếp nhận, mở rộng tri thức và sáng tạo trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư và toàn cầu hóa. Môn Tin học giúp học sinh thích ứng và hòa nhập được với xã hội hiện đại, hình thành và phát triển cho học sinh năng lực tin học để học tập, làm việc và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu trong giờ học môn Tin học. |
Thạc sĩ Nguyễn Phương Toàn cho biết, thời gian tới, toàn ngành Giáo dục sẽ đẩy mạnh các giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo nhằm đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hằng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học.
Để thực hiện mục tiêu này, ngành sẽ tập trung vào các giải pháp về tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá; triển khai đồng bộ hệ thống thông tin quản lý giáo dục và đào tạo, cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục; đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học; huy động các nguồn lực tham gia ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.
Song song đó, hiện nay Tiền Giang đã đưa ra giải pháp nâng cao nhận thức, mà tiên quyết là ngành Giáo dục trong việc triển khai Kế hoạch 246 của UBND tỉnh về thực hiện Quyết định 131 của Thủ tướng Chính Phủ về phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Theo đó, tỉnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong ngành Giáo dục đến toàn thể đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên, người học trong ngành và ngoài xã hội; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học để đảm bảo quản lý, làm việc hiệu quả trên môi trường số.
Cùng với đó, ngành Giáo dục sẽ thí điểm bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo về kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin tiếp cận chuẩn quốc tế tại một số cơ sở giáo dục, địa phương có đủ điều kiện và yêu cầu cao về nhân lực chuyển đổi số; triển khai hệ thống bồi dưỡng giáo viên đảm bảo tất cả các nhà giáo có hồ sơ và tài khoản sử dụng để tự bồi dưỡng một cách chủ động, thường xuyên theo nhu cầu.
Đồng thời, ngành triển khai mô hình giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học và nghệ thuật, phát triển tư duy lập trình, triển khai các chương trình về khoa học máy tính phù hợp; đưa nội dung phổ cập kỹ năng số và an toàn, an ninh mạng, các nền tảng mở, phần mềm nguồn mở vào chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học để hình thành sớm các kỹ năng cần thiết cho công dân số.
SỬU MINH